"Đói" lao động ngành Dệt may

13/03/2012 17:19

(Baonghean) - "Đói" lao động là thực trạng chung xẩy ra đối với những doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may của cả nước nói chung và ở Nghệ An nói riêng hiện nay. Mặc dù các điều kiện (hồ sơ, tay nghề...) không quá khắt khe, nhưng các doanh nghiệp dệt may vẫn phải đối mặt với thực tế khó tuyển dụng được nhiềulao động.

Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên đóng tại Khu công nghiệp Bắc Vinh là một trong những doanh nghiệp mạnh ở Nghệ An trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Hiện nay, Công ty đang đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất nên có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều công nhân (500 công nhân may lành nghề và lớp đào tạo nghề nguồn lao động chất lượng cao 100 người...). Cùng với mức lương hưởng theo sản phẩm từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng, Công ty còn thưởng thêm cho những công nhân có thành tích cao trong sản xuất, hỗ trợ tiền xăng xe, lương tháng thứ 13... Đặc biệt, đối với người học nghề, trong thời gian 2 tháng được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/tháng và các nguồn hỗ trợ khác. Mặc dù có cơ chế như vậy, doanh nghiệp cũng khó tuyển dụng đủ số lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất.




Công ty HAI VI Kim Liên thu hút 2.500 lao động hợp đồng

Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan hiện đang trong giai đoạn nước rút của dự án đầu tư nâng cấp năng lực hoạt động. Được biết, Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội đầu tư nâng công suất Nhà máy sợi Vinh (công suất gần 4 vạn cọc sợi) thành cơ sở sản xuất sợi xuất khẩu với 7,8 vạn cọc sợi. Tiếp nhận thêm khung kho 2 ở Đồng Văn (Hà Nam) đểlắp đặt thêm thiết bị mở rộng công suất dây chuyền nồi cọc đáp ứng nhu cầu sản xuất. Dự kiến sẽ hoàn thành công tác đầu tư nâng cấp nhà máy vào tháng 7/2012 và đi vào sản xuất tháng 8/2012. Để đáp ứng cho dây chuyền sản xuất mới, Công ty cũng đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 300 lao động.

Với thực tế diễn ra trong thời gian qua của ngành Dệt may, có nhiều cách để giải thích cho lý do người lao động chưa " mặn mà" với nghề này. Nhưng suy đến cùng là do thu nhập của người lao động chưa thỏa đáng, hay nói cách khác là công nhân khó sống được bằng đồng lương của mình. Thu nhập chưa hấp dẫn, áp lực lớn về công việc, cộng với sự đầu tư chưa đồng bộ về cơ sở vật chất hạ tầng, nhất là vấn đề giải quyết nhà ở cho công nhân, chế độ chính sách... đã làm cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Thành phố Vinh luôn trong tình trạng thiếu lao động. Rõ ràng, nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp ngành Dệt may đóng trên địa bàn Thành phố Vinh sẽ ngày càng lớn, nhưng nguồn nhân lực này ngày lại càng thu hẹp. Và một điều có thể thấy trước là các doanh nghiệp sẽ triền miên "đói" lao động, nếu như không có chính sách đổi mới về thu nhập, chế độ phù hợp giữ chân lao động nghề Dệt may ở thành phố.


Thời gian gần đây, xu hướng của các nhà đầu tư ngành Dệt may là chú trọng xây dựng các nhà máy "bám cơ sở". Điều này được chứng minh ở các dự án dệt may đều đầu tư tại các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Diễn Châu (Anh Sơn). Hay Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đang xúc tiến dự án xây dựng cụm dệt may tại Nam Đàn...

Trong rất nhiều cái được từ việc đầu tư về cơ sở (suất đầu tư ít, thuận lợi giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách thông thoáng, tiện lợi trong vấn đề lao động, sinh hoạt cho đội ngũ công nhân...) thì nhà đầu tư cảm thấy vững tâm nhất là nguồn lao động nông thôn rất phong phú. Công ty TNHH HAIVI KIM LIÊNđầu tư vào Nam Giang - Nam Đàn để xây dựng hệ thống nhà máy may với các sản phẩm thể thao xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. Với quy mô đầu tư lớn, công nghệ sản xuất hiện đại, sau gần 4 tháng hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà máy, lắp đặt trang thiết bị máy móc, Công ty đã có được đội ngũ cán bộ công nhân lao động lên đến 2.500 người. Với con số này, nếu ở địa bàn thành phố thật khó có thể tuyển dụng được trong một thời gian. Tìm hiểu được biết, hiện số lao động là con em quê Nam Đàn chiếm đến 90% công nhân lao động của Công ty.


Cách làm của Công ty TNHH HAIVI KIM LIÊN và của một số doanh nghiệp khác đang làm (xây dựng nhà máy ở vùng nông thôn) là rất cần thiết, đểkhắc phục tình trạng thiếu lao động ngành Dệt may như hiện nay, giảm áp lực cho thành phố, góp phần thu hút lực lượng lao động trong nông nghiệp, một trong những mục tiêu của xây dựng nông thôn mới.


Hoàng Vĩnh