Hạnh phúc giản dị

28/02/2012 15:40

(Baonghean.vn) - Họ- một người là anh bộ đội cụ Hồ quê Nghệ An, một người là cô giáo miền quan họ cổ bên dòng sông Cầu (Bắc Giang). Cuộc gặp gỡ định mệnh đã se duyên hai con người từ hai vùng đất xa lạ đến với nhau trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Câu chuyện tình yêu của họ đẹp như khúc tình ca của người lính hôm nào. Cuộc gặp gỡ định mệnh

(Baonghean.vn) - Họ- một người là anh bộ đội cụ Hồ quê Nghệ An, một người là cô giáo miền quan họ cổ bên dòng sông Cầu (Bắc Giang). Cuộc gặp gỡ định mệnh đã se duyên hai con người từ hai vùng đất xa lạ đến với nhau trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Câu chuyện tình yêu của họ đẹp như khúc tình ca của người lính hôm nào.

Cuộc gặp gỡ định mệnh


Trong một chuyến công tác lên huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), tình cờ tôi được gặp một gia đình rất đặc biệt, người chồng là thương binh nặng hạng ¼ và vợ là cô gái đến từ miền quê xa xôi Bắc Giang. Đó là vợ chồng CCB Hoàng Công Thái- Dương Thị Dũng ở xóm Đồng Nấp, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Cuộc hôn nhân của họ đến như một sự sắp đặt của định mệnh. Ông Thái là bộ đội tham gia chiến tranh biên giới bị thương nặng, tưởng chừng đã mù hai mắt. Ông được chuyển về điều trị tại Bắc Ninh, cũng tại đây hai ông bà đã gặp nhau để rồi sau này nên duyên vợ chồng. “Lúc ấy, em trai bà Dũng cũng bị thương nặng, mất tứ chi, mù cả đôi mắt. Bà ấy vào chăm sóc em trai, rồi thấy tôi nằm điều trị một mình, không có người thân chăm sóc gần gũi nên động viên, tâm sự với tui rất nhiều. Cũng từ đó mà quen biết, bén duyên với nhau lúc nào không hay”, ông Thái nhớ lại.

Lúc bấy giờ, ông Hoàng Công Thái bị mảnh lựu đạn găm vào cả hai mắt và mù hoàn toàn. Trong suốt nhiều năm, ông được chuyển qua hết viện này đến viện khác với hy vọng tìm lại được ánh sáng. “Có hôm đang nằm điều trị tại Viện Quân y 108, mắt tui bỗng nhiên nhìn thấy ánh sáng le lói. Tui đứng dậy đi theo hướng ánh sáng, rồi lạc luôn trong bệnh viện. May có bác sỹ tìm, đưa về giường bệnh. Nhưng cũng nhờ hôm đó, tui biết mắt mình vẫn còn hy vọng hồi phục nếu cố gắng điều trị”. Ông Thái nhớ lại giây phút được nhìn thấy ánh sáng hiếm hoi sau thời gian bị thương.

Rời bệnh viện với thương tật 92%, ông Thái được đưa về điều dưỡng tại Trại điều dưỡng thương binh Nghệ Tĩnh ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Mấy năm trôi qua, đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác cùng thương tật nặng nề, ông bảo, có lúc tưởng rằng không thể vượt qua được thực tại nhưng cứ nghĩ đến lời hẹn ước, những dòng thư động viên của bà, ông lại có thêm nghị lực để chiến đấu với thương tật.

Và rồi một ngày, hạnh phúc cũng mỉm cười với họ, tình trạng thương tật của ông Thái được cải thiện, thị lực một mắt đã hồi phục được 1/10. Không chờ đợi thêm nữa, ông thưa chuyện với gia đình rồi bắt đầu hành trình ngược ra Bắc xin hỏi vợ. Tình yêu đã đưa họ đi qua nhiều khó khăn và trở ngại của sự xa xôi về địa lý, sự khác biệt về phong tục tập quán và cả nỗi đau thương tật, để rồi đến một ngày năm 1981, đám cưới của người cựu chiến binh dãi dầu sương gió biên cương và cô giáo xinh xắn, dịu dàng miền quan họ cổ được tổ chức giản dị mà vỡ òa hạnh phúc.

Sau đám cưới, ông bà lưu lại ở Bắc Giang- quê vợ một thời gian rồi chuyển hẳn về quê ông ở Nghĩa Hội cho đến bây giờ. “Về quê, tôi vẫn tiếp tục điều dưỡng ở trại Nghi Phong mấy năm. Thấy đi lại vất vả không tiện chăm sóc, đến 1985 thì bà ấy nhất quyết “ép” tôi ở nhà dưỡng bệnh, thành hộ lý đặc biệt của tôi từ bấy đến giờ!”, ông Thái mắt lấp lánh niềm vui khi kể lại cho chúng tôi những kỷ niệm khó quên của hai người.

Hạnh phúc giản đơn

Niềm vui lứa đôi những ngày đầu trôi qua nhanh, thay vào đó là cuộc sống với bọn bề khó khăn. Ông là thương binh, sức khỏe yếu không kham được công việc gì, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng. Bà Dũng bồi hồi nhớ lại thuở mới về làm dâu xứ Nghệ, cuộc sống thiếu thốn và vất vả vô cùng, nhất là những trở ngại của riêng bà khi phải đối mặt với quá nhiều sự khác biệt. Ngay đến cả ngôn ngữ cũng bất đồng. Bà bảo, những lúc ấy không tránh khỏi cảm giác tủi thân, thế nhưng “ông cũng khéo lắm!”, luôn thủ thỉ tâm sự, chia sẻ và động viên bà. Còn ông Thái nhớ lại: “Tui cứ xuống ruộng cấy là về vết thương tái phát trở lại. Nhưng mà, thương vợ một mình lại tham gia xuống ruộng cấy giúp bà ấy. Chẳng kể công to việc nặng, cứ cắn răng làm ào ào đến lúc đau lại nghỉ. Lắm hôm tui ốm nằm liệt giường cả tháng trời, bà ấy cứ chong đèn thức trắng, lo lắng từng viên thuốc, từng thìa cháo!”. Cuộc sống của họ cứ trôi qua giản dị mà bình yên trong tình yêu đằm thắm như vậy.



Ông Thái, bà Dũng tâm sự với phóng viên về những kỷ niệm khó quên

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Thái- bà Dũng luôn nhắc đi nhắc lại rằng trong cuộc hôn nhân của họ, tình cảm là thứ quan trọng nhất, không có tình cảm thì sẽ không bao giờ vượt qua được khó khăn thử thách đến nhường ấy. Và sau bao khó khăn, ngọt bùi, hạnh phúc cũng đơm hoa kết trái, lần lượt ba đứa con kháu khỉnh ra đời. Chàng thanh niên xứ Nghệ và người con gái miền quan họ duyên dáng ngày nào giờ cũng đã lên chức ông, chức bà. “Bây giờ, hai vợ chồng tôi chi tiêu sinh hoạt bằng trợ cấp thương binh nặng của tui 3 triệu 2 trăm ngàn/tháng. Bà tui chăm tui mỗi tháng cũng được trợ cấp gần 800 ngàn. Rứa là ổn định, vui vẻ lắm rồi!”, ông Thái nhẹ nhàng chia sẻ.

Câu chuyện tình yêu của họ càng đẹp hơn khi tôi được ông bà cho biết, trước ông, bà cũng đã có một đời chồng là liệt sỹ đã hy sinh năm 1975. Ông Thái tâm sự: “Đến với nhau là yêu thương nhau thật sự, là cái duyên số trời se. Với người chồng trước của bà, tui luôn xem anh ấy là anh trai mình, gia đình anh cũng là gia đình tui, các con tui cũng là con anh. Lần nào về Bắc Giang, hai vợ chồng cũng qua thăm gia đình anh cho trọn nghĩa trọn tình.”

Mấy năm trước, ông cũng đã ủng hộ bà hết mình trong việc đi tìm và đưa hài cốt người chồng đã khuất về quê nhà. “Năm 2011, gia đình tôi xin chuyển bàn thờ anh vào Nghệ An để tiện bề hương khói. Cháu Hạnh ( Hoàng Công Hạnh, con trai cả của ông Thái- bà Dũng) làm lễ xin nhận làm con trai anh, là cháu đích tôn của cả gia đình anh ngoài Bắc Giang”.- ông Thái cho hay.

Hàng ngày, cuộc sống của gia đình ông Thái, bà Dũng vẫn trôi qua giản dị, bình yên như bao gia đình khác trên mảnh đất Phủ Quỳ. Với giọng hát quan họ ngọt ngào của người con xứ Bắc, bà đã trở thành hội viên tích cực của CLB Văn học nghệ thuật huyện Nghĩa Đàn. Ông vẫn làm thay bà việc nhà mỗi khi bà bận bịu với các hội diễn, với ánh đèn sân khấu. Bởi như ông tâm sự: “Lấy chồng xa quê thiệt thòi lắm! Mình không thương thì ai thương nữa”./.


Thành Duy