Cần "tiếp sức" cho các dự án dang dở

05/03/2012 18:17

(Baonghean) - Trữ lượng đá vôi khoảng 4 tỷ tấn, nguồn đất sét trên 1 tỷ tấn và phụ gia bazan vào khoảng 300 - 400 triệu m3... Đó là những con số của các cơ quan chức năng tiến hành thăm dò trữ lượng nguyên liệu phục vụ cho ngành Sản xuất xi măng ở Nghệ An, trong đó vùng đất miền Tây trữ lượng chiếm tỷ lệ lớn. Nhưng để làm khai thác nguồn tài nguyên quý giá này quả là không dễ.

(Baonghean) - Trữ lượng đá vôi khoảng 4 tỷ tấn, nguồn đất sét trên 1 tỷ tấn và phụ gia bazan vào khoảng 300 - 400 triệu m3... Đó là những con số của các cơ quan chức năng tiến hành thăm dò trữ lượng nguyên liệu phục vụ cho ngành Sản xuất xi măng ở Nghệ An, trong đó vùng đất miền Tây trữ lượng chiếm tỷ lệ lớn. Nhưng để làm khai thác nguồn tài nguyên quý giá này quả là không dễ.


Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 147/2005/QĐ - TTg (Đề án Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An) quy hoạch vùng Anh Sơn và Đô Lương thành một trọng điểm sản xuất xi măng. Từ cơ sở đó, bổ sung quy hoạch phát triển Khu công nghiệp xi măng ở Tân Kỳ... Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Công nghiệp sản xuất xi măng vùng miền Tây phát triển.




Dự án Nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Ảnh: Hoàng Hảo


Có thể thấy rằng, chiến lược phát triển ngành Sản xuất xi măng ở miền Tây là khá rõ, bên cạnh còn có cả cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư, nhưng đến nay ngành xi măng ở vùng đất này vẫn chưa phát triển "đúng tầm". Nằm trong quy hoạch phát triển xi măng, nhưng sau nhiều năm thực hiện dự án xây dựng nhà máy xi măng Đô Lương rút cuộc lại đi vào ngõ cụt vì không có vốn đầu tư.


Như đã nêu trên, Đô Lương được quy hoạch thành trọng điểm sản xuất xi măng, nhưng với chỉ một dự án là xi măng Đô Lương không mấy khả quan đã không tạo được động lực phát triển cho cả vùng. Thiếu sự liên kết và "tạo đà" phát triển, huyện Anh Sơn cho đến nay thực sự vẫn chưa khai thác được hiệu quả của vùng đất đầy tiền năng để phát triển ngành công nghiệp sản xuất xi măng.

Nhà máy Xi măng 12/9 Anh Sơn cũng sau một thời gian dài không tìm được đối tác đầu tư, nên không thể thay đổi được công nghệ sản xuất, nâng công suất. Sau khi có sự vận động tích cực của tỉnh và thiện chí của nhà đầu tư, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã "khơi thông" sự bế tắc nguồn vốn cho dự án khi nhận Nhà máy Xi măng 12/9 Anh Sơn thành đơn vị thành viên.

Với sự tiếp sức mới của một Tập đoàn mạnh có tiềm lực kinh tế, dự án nâng nhà máy xi măng 12/9 Anh Sơn (nay là Công ty CP Xi măng dầu khí Nghệ An) lên công suất 550.000 tấn/năm với công nghệ lò quay hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu.

Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng và đến nay đã thực hiện tổng giá trị xây lắp lên đến 70%. Theo ông Nguyễn Đăng Tịnh - Giám đốc Công ty CP Xi măng dầu khí Nghệ An cho biết: "Mặc dù đang trong giai đoạn thắt chặt đầu tư, nguồn vốn gặp nhiều khó khăn, nhưng chủ đầu tư vẫn quyết bảo đảm thực hiện đúng tiến độ. Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành và sự nỗ lực của chủ đầu tư, hiện nay đã và đang hoàn thành một số hạng mục lớn là Xi lô xi măng, tháp trao đổi nhiệt, nhà đóng bao, kho tổng hợp, nhà nghiền xi măng, bệ lò... Dự kiến đến ngày 30/9 sẽ hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, đến ngày 30/12 sẽ tiến hành chạy thử và sẽ cho tấn sản phẩm đầu tiên vào tháng 1/2013".

Được biết, nhờ có vùng nguyên liệu đá vôi phong phú (vùng mỏ được quy hoạch của xi măng 12/9) với trữ lượng 49,5 triệu tấn, sẽ giúp cho nhà máy hoạt động ổn định, lâu dài. Trên vùng đất Anh Sơn cũng đang tiến hành thêm Dự án xi măng Hợp Sơn (trước đây là Nhà máy Xi măng 19/5 Anh Sơn) để nâng công suất 430.000 tấn/năm và dự án này có tổng vốn đầu tư 548 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên tiến độ của dự án này đang bị đình trệ.


Qua thăm dò, khảo sát trữ lượng nguồn đá vôi ở Tân Kỳ (vùng Lèn Rỏi) có tổng trữ lượng hơn 2.782 triệu tấn. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào và rất lý tưởng cho ngành Sản xuất xi măng phát triển. Vì vậy, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn đã đầu tư thực hiện dự án xây dựng Khu công nghiệp tổ hợp sản xuất xi măng VLXD lớn tại Tân Kỳ. Mở đầu cho việc triển khai một dự án đầu tư dài hơi là khởi công Nhà máy Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ (ngày 19/5/2010) với công suất thiết kế của giai đoạn 1 là 1 triệu tấn xi măng/năm.

Sau sự kiện hoành tráng của lễ khởi công xây dựng nhà máy, người dân Tân Kỳ đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án lớn này, nhưng sau gần 2 năm chờ đợi, nay người dân bắt đầu thấy thất vọng! Và có không ít người hoài nghi về tính khả thi của dự án. Được biết, do đặc thù của việc đầu tư làm xi măng cần có nhiều thời gian, nguồn vốn lớn... trong khi đó chủ đầu tư đang gặp khó khăn về nguồn vốn, và rồi không tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất hợp lý, nên chưa "mạnh tay" đầu tư. Vì vậy, Dự án hiện vẫn "dậm chân tại chỗ".


Mục tiêu đặt ra của Đề án Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây (giai đoạn 2005 - 2010), ngành sản xuất xi măng đạt sản lượng 700 nghìn tấn, nhưng với thực tế, việc phát triển của ngành Xi măng vùng miền Tây trong thời gian qua thì sản lượng chỉ đạt 170 nghìn tấn. Chỉ đạt tỷ lệ 24%, với sự xuất phát thấp đó, sẽ rất khó khăn cho mục tiêu phát triển ngành Sản xuất xi măng miền Tây Nghệ An trong thời gian tới (theo quy hoạch giai đoạn 2011 - 2015, vùng Anh Sơn, Đô Lương và Tân Kỳ sẽ trở thành vùng trọng điểm sản xuất xi măng để nâng công suất lên 5 triệu tấn/năm).

Trong điều kiện hiện nay, Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt đầu tư và chỉ ủng hộ những dự án xi măng phát huy nguồn vốn nội lực... nên ngành xi măng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để miền Tây Nghệ An khai thác được những lợi thế về phát triển ngành Sản xuất xi măng, các cấp, ngành cần quan tâm, đầu tư hợp lý. Và một công việc cấp thiết hiện nay là "tiếp sức" vào các dự án đang thực hiện dở dang, tiến độ chậm để hoàn thành, đưa vào hoạt động kịp thời. Một số dự án đang khó khăn về nguồn vốn, nếu cần xem xét để chuyển đổi chủ đầu tư khác có tiềm lực. Bên cạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, việc ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên, thông thoáng thu hút nhà đầu là rất quan trọng...


Hoàng Vĩnh