Huy động vàng trong dân: "Tính cua trong lỗ"
NHNN sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vào giữa quý II/2012. Đây được coi là một đề án đa mục tiêu: vừa hướng tới quản lý thị trường vàng vừa khơi thông được nguồn lực trong nhân dân.
Điều người dân quan tâm nhất là giá trị tài sản của họ có được bảo đảm khi có biến động về giá
Theo đánh giá của NHNN, lượng vàng đang ở trong dân tương đối lớn, khoảng 300 - 500 tấn. Thử làm một phép tính: Hiện nợ nước ngoài của VN khoảng 44 tỉ USD. Nếu NHNN huy động được 300-500 tấn vàng (tương đương 18-30 tỉ USD), ngoại tệ quốc gia sẽ cân đối đáng kể so với nợ nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Lúng túng
Nghe có vẻ hợp lý nhưng đó chỉ là “tính cua trong lỗ” bởi trên thực tế việc quản lý thị trường vàng thời gian vừa qua đã bộc lộ bất cập và khó có thể thay đổi thói quen “giữ” vàng trong dân. Không quá khi nói rằng thị trường vàng VN trong năm 2011 chịu nhiều biến động của chính sách hơn là biến động về giá (bởi biến động về giá vàng là biến động chung của toàn thế giới). Nhiều người ví von việc quản lý thị trường vàng hiện nay giống như người giữ ếch, nắm chặt thì sợ nó không thở được còn thả ra thì nó nhảy mất. Chúng ta đã đưa ra nhiều chính sách nhằm quản lý thị trường vàng nhưng dường như mỗi chính sách đưa ra gỡ được nút thắt này thì lại nảy sinh nút thắt khác.
Cũng không phải đến bây giờ NHNN mới tính tới chuyện huy động vàng trong dân bởi trên thực tế, các tổ chức tín dụng (TCTD) trước đây đã huy động vàng và cho vay bằng vàng. Nhưng trong năm 2010 và 2011, trước sự biến động quá lớn của giá vàng làm cho việc huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD gặp nhiều rủi ro, do vậy, việc huy động vàng tạm thời bị dừng.
Trong đề án huy động vàng, thời gian tới, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD, hay nói khác, các TCTD sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, ở đây là các TCTD.
Bài toán đơn giản
Trở lại câu chuyện về khơi thông nguồn lực vàng trong dân, không phải bây giờ nó mới được nhắc tới. Điều người dân quan tâm nhất là giá trị tài sản của họ có được bảo đảm khi có biến động về giá nhưng trước đây chưa có các công cụ phái sinh để đảm bảo. Vấn đề này, theo tinh thần của đề án huy động vàng trong dân, NHNN cam kết bảo toàn giá trị tài sản của người dân, Nhà nước sẽ bảo hiểm rủi ro khi có biến động của giá vàng thế giới.
Khi người dân gửi vàng, ngân hàng sẽ cấp một chứng chỉ vàng để chứng nhận số vàng đã gửi (giống như khi gửi tiết kiệm nội, ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại), chứng chỉ này có thể sử dụng để thế chấp, mua bán và trao đổi trên thị trường. Khi cần vàng, người dân mang chứng chỉ ấy đến ngân hàng và được trả lại bất cứ lúc nào.
Về mặt quản lý, NHNN sẽ có cơ chế huy động vốn kinh doanh vàng vật chất, đồng thời mở rộng kinh doanh vàng trên tài khoản. Song song với huy động vàng để phục vụ cho nền kinh tế, Nhà nước phải có những công cụ phái sinh để hạn chế rủi ro. Huy động vàng phải trả lãi cho người dân và phải thiết lập được thị trường thứ cấp để giao dịch các chứng từ có giá trị bằng vàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng: cách duy nhất để giải quyết triệt để chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi đó là việc cho phép kinh doanh vàng tài khoản trong nước và kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài theo thông lệ quốc tế. Điều cũng phù hợp với chủ trương thay đổi tập quán đã tồn tại rất lâu ở nước ta là người dân thích mua bán vàng vật chất. Trong khi đó theo tinh thần của dự thảo: Người dân gửi vàng vào một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng thì tự nhiên đã hình thành một tài khoản vàng của người dân rồi.
Vì vậy nếu các ngân hàng mở tài khoản vàng ở nước ngoài thì có thể cung ứng dịch vụ mua bán vàng trực tiếp cho người dân, nhu cầu mua bán vàng vật chất lúc đó chắc chắn sẽ giảm đi nhiều. Tất nhiên là hoạt động này cần phải được quản lý chặt chẽ, thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Giá vàng quốc tế được sử dụng như là mức giá tham chiếu, cùng với tỉ giá USD/VND, sẽ tạo nên mức giá vàng yết bằng VND. Bên cạnh đó là những quy định cụ thể về biên độ dao động giữa giá mua và giá bán tránh tình trạng chênh lệch giá mua - giá bán lên 3- 4 triệu đồng/lượng như thời gian vừa qua.
Theo ông Trần Quốc Quýnh, chuyên gia cao cấp Hiệp hội Kinh doanh vàng VN: Huy động vàng trong dân là một chủ trương đúng nhưng làm thế nào để huy động hiệu quả là nó không đơn thuần là bài toán kinh tế mà còn là thay đổi thói quen cố hữu, thay đổi tâm lý của người dân. Và để tạo lòng tin cho người dân thì điều quan trọng hơn cả là sự ổn định về chính sách. Tránh tình trạng nay mở mai cấm như thời gian vừa qua. Bài toán đơn giản nhất là để cho vàng vận động và điều chỉnh theo quy luật của thị trường và thông lệ quốc tế.
Theo dddn.com.vn