Vệ sinh trường học: Thực trạng buồn!

07/03/2012 18:40

(Baonghean) - Tính đến cuối tháng 1/2012, Nghệ An có 743 trường đạt chuẩn Quốc gia (194 trường mầm non, 424 trường tiểu học, 111 trường THCS và 14 trường THPT), đạt tỷ lệ 47,97% (743/1.549) và 81 trường (1 trường mầm non và 80 trường tiểu học) đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Đây là một tỷ lệ không nhỏ đối với một tỉnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những con số đáng mừng trên, một yếu tố cần và đủ để các trường được công nhận chuẩn quốc gia là công tác vệ sinh ở các trường học còn nhiều bất cập. Đáng buồn là bất cập này đang diễn ra cả ở những trường đã được công nhận chuẩn quốc gia.

(Baonghean) - Tính đến cuối tháng 1/2012, Nghệ An có 743 trường đạt chuẩn Quốc gia (194 trường mầm non, 424 trường tiểu học, 111 trường THCS và 14 trường THPT), đạt tỷ lệ 47,97% (743/1.549) và 81 trường (1 trường mầm non và 80 trường tiểu học) đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Đây là một tỷ lệ không nhỏ đối với một tỉnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những con số đáng mừng trên, một yếu tố cần và đủ để các trường được công nhận chuẩn quốc gia là công tác vệ sinh ở các trường học còn nhiều bất cập. Đáng buồn là bất cập này đang diễn ra cả ở những trường đã được công nhận chuẩn quốc gia.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: 100% các trường học ở Nghệ An đều có công trình vệ sinh, kể cả công trình tạm, trong đó đạt tiêu chuẩn khoảng 40%.

Tuy nhiên, cũng có những trường dù đã đạt chuẩn quốc gia nhưng công trình vệ sinh vẫn không hoạt động vì những lý do khách quan như: thời gian sử dụng lâu năm, hiện đã xuống cấp; một số vùng nông thôn dùng giếng khoan nhưng không có nước thường xuyên... như một số trường ở Bắc Yên Thành, Đô Lương, Nghĩa Đàn... Hàng năm, Sở GD-ĐT Nghệ An, phòng GD-ĐT các huyện đều thành lập các đoàn kiểm tra nhưng một số trường vẫn còn tình trạng đối phó chứ chưa thực sự quan tâm đến công tác vệ sinh trường học...


Những trường có vấn đề về vệ sinh trường học thường có chung tình trạng: nhà vệ sinh không đáp ứng đúng tỷ lệ theo quy định của Bộ GD-ĐT; vòi nước tự chảy không hoạt động hoặc không có; hệ thống đèn chiếu sáng không có hoặc không hoạt động; nhà vệ sinh bẩn và bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, hầu hết các trường đều không có giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay cho học sinh... Ngay cả những trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 như Trường tiểu học Lê Mao có tỷ lệ trên 260 học sinh/hố tiêu (trên 1.300 học sinh nhưng chỉ có 5 phòng vệ sinh tự hoại).

Trường THCS Bến Thủy nhà vệ sinh bẩn và hôi thối, hệ thống điện chiếu sáng không hoạt động... Ngay địa bàn TP.Vinh tình hình đã không khả quan, các trường học ở các huyện lại càng "u ám". Trường tiểu học Lê Lợi (Hưng Phú - Hưng Nguyên) không có đèn chiếu sáng, không có vòi nước rửa tay cho học sinh. Trường THCS Lam Thành (Hưng Châu - Hưng Nguyên), Trường tiểu học Nghi Phong - Nghi Lộc hệ thống chiếu sáng không hoạt động, bẩn, hôi thối.Thậm chí, có trường công trình vệ sinh gần như không hoạt động như Trường tiểu học Vân Diên 1, huyện Nam Đàn. Dù ở đây có 2 phòng vệ sinh tự hoại kiên cố nhưng một phòng đã khóa trái cửa, một phòng cửa bị hỏng, vòi nước rửa tay của học sinh không hoạt động... Thế nhưng, ban giám hiệu nhà trường lại cho rằng công trình vệ sinh của trường vẫn hoạt động bình thường.


Không chỉ vấn đề chất lượng các công trình vệ sinh yếu kém, các trường học đều rơi vào tình trạng khó khăn chung là phải tự trang trải ngân sách chi trả cho nhân viên vệ sinh. Mức chi trả từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng cho nhân viên vệ sinh, bảo vệ... thực sự là gánh nặng đối với nhiều trường. Ở một số trường, do không có nhân viên vệ sinh, kiêm nhiệm hoặc "thả" cho học sinh tự xử lý nên công tác vệ sinh bị bỏ bê và trở thành nỗi "ám ảnh" đối với những em có nhu cầu đi vệ sinh trong giờ đến trường.


Một cán bộ ngành Giáo dục tỉnh cho biết: Khi còn quy định thu tiền xây dựng ở các cấp học, mỗi năm toàn tỉnh thu được khoảng 70 tỷ đồng, số tiền đó được sử dụng cho việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất bao gồm cả công trình vệ sinh trường học. Khi không còn nguồn thu này, Sở GD-ĐT và các trường rơi vào tình trạng khó khăn.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy, ngay cả khi còn quy định thu tiền xây dựng thì thực trạng vệ sinh trường học trên địa bàn tỉnh cũng không mấy khả quan. Tuy hiện nay không còn thu tiền xây dựng nhưng hàng năm, các trường trên địa bàn tỉnh vẫn vận động đóng góp xây dựng trường học, số tiền vận động được cần ưu tiên đầu tư sửa chữa, xây mới và chăm lo công tác vệ sinh trường học.


Thầy Đặng Quang Canh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Mao phấn khởi cho biết, Ngân hàng thế giới đã đồng ý hỗ trợ 100% nguồn kinh phí để xây dựng hai khu vệ sinh mới cho trường. Đó là một tín hiệu vui, hướng đi hợp lý trong điều kiện các trường chưa có đủ điều kiện để tự xây dựng mới. Về lâu dài, nếu các trường chỉ trông chờ vào các nguồn đầu tư mà không tự tìm hướng đi cho riêng mình, không vận dụng các nguồn thu từ xã hội hóa giáo dục thì các em học sinh sẽ phải chịu thiệt thòi, học tập và sinh hoạt trong môi trường vệ sinh không đảm bảo.


Ngày 20/7/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 2774 QĐ.UBND-TM về việc phân khai chi tiết vốn xây dựng công trình vệ sinh trường học và trạm y tế thuộc vốn Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2011. Theo đó, có 13 công trình vệ sinh trường học trên địa bàn tỉnh được phê duyệt thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 2,504 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 1,878 tỷ đồng.

Riêng năm 2011, các trường nằm trong dự án đã được nhận 1,020 tỷ đồng để thực hiện xây dựng công trình. Tuy vậy, việc xây dựng các công trình có những bất cập. Cô Nguyễn Thị Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vân Diên 1, huyện Nam Đàn cho biết, hiện nhà thầu đã thực hiện được 2/3 công trình tuy nhiên bản thiết kế công trình không có bồn nước, gạch ốp, gạch lát nền và hệ thống dẫn nước. Đây là một vấn đề khó khăn đối với trường bởi nguồn kinh phí của trường còn hạn hẹp, nếu không được đầu tư đầy đủ sẽ dễ rơi vào tình trạng công trình vệ sinh đã được xây dựng nhưng không thể hoạt động.


Hàng năm, Sở GD-ĐT Nghệ An đều tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, toàn diện về vấn đề vệ sinh y tế trường học. Tuy nhiên, sau kiểm tra đâu lại vào đó. Hơn nữa sở lại xử lý không triệt để các trường hợp vi phạm nên thực trạng các trường bỏ bê, không quan tâm đến công trình vệ sinh còn nhiều. Vì vậy, việc nâng cao trách nhiệm của phòng Giáo dục các huyện, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của các em học sinh, ban giám hiệu các trường trong công tác vệ sinh trường học là yếu tố then chốt tạo nên môi trường vệ sinh an toàn cho các em. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh trường học cũng cần nhận được sự đồng cảm chia sẻ và hỗ trợ của toàn xã hội.


Võ Văn Dũng