“Săn” chuột rừng cùng trai bản ở Bảo Nam

16/02/2012 10:35

(Baonghean.vn) - Xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng xanh tít tắp của đại ngàn Trường Sơn. Dưới những tán rừng đồng bào dân tộc Khơ Mú đi săn chuột rừng để chế biến thành món ăn độc đáo.

Chiều, khi ánh hồng dương lặn khuất phía bên kia Trường Sơn là lúc mà các “tay săn chuột” lỉnh kỉnh đồ nghề chia nhau tiến vào rừng sâu. Mỗi chuyến đi, trung bình mỗi “thợ săn” mang theo tầm năm chục cái bẫy, tương đương với đó là một số mồi nhất định. Dò hỏi mãi bà con ở bản Nam Tiến 1, xã Bảo Nam mau mắn giới thiệu với tôi Cụt Văn Tà – một “cao thủ” “săn” chuột rừng trong bản. Cụt Văn Tà năm nay 28 tuổi, người tầm thước, nước da ngăm, mắt đen tuyền, nổi tiếng vì thành tích săn chuột rừng nhiều nhất bản trong năm 2010.

Vừa ngồi sắp xếp, kiểm tra lại bẫy, Tà cho biết: ngày nay trai bản đi “săn” bằng bẫy sắt mua ngoài thị trấn Mường Xén. Bẫy to 5 ngàn/ cái, bẫy nhỏ 3 ngàn/ cái. Cứ chiều tối hôm trước đi thì sáng hôm sau đi thăm bẫy. Ở bản, nhà nào cũng có ít nhất vài chục cái. Trai bản thi nhau xem ai “săn” được nhiều chuột rừng. Người nào quán quân thì được anh em trong bản làng nể trọng lắm!




Kinh nghiệm của một “thợ săn” ngoại hạng mách bảo Cụt Văn Tà đặt bẫy chỗ có chuột rừng đi kiếm mồi.


Tôi hỏi về bí quyết đã đưa Tà lên vị trí quán quân. Anh vui vẻ: “Có bí quyết gì đâu. Mình chỉ may mắn hơn mấy anh em khác thôi”. Nói thế chứ Tà cũng nhiệt tình chỉ cho tôi biết một vài “kỹ nghệ” “săn” chuột rừng mà bất kỳ một “tay” thợ săn nào trước khi vào nghề cũng phải biết: “Muốn bắt được nhiều chuột rừng thì cần phải nắm bắt được quy luật của nó. Đầu tiên là phải xác định được đường đi của chuột. Thứ hai là phải biết quan sát xem ở những gốc cây, chỗ nào có đất đùn lên tức là chỗ đó có chuột, phải đặt bẫy vào những chỗ đó để đón lõng nó”. Nói đoạn Tà chỉ cho tôi cách đặt mồi, gài bẫy như thế nào. Anh cho biết: “Mùa thu hoạch lúa và mùa có quả dẻ là “săn” được nhiều chuột nhất và chuột cũng to béo, ngon nhất. Vì thời gian này chuột thường mon men tới những nương lúa rẫy hay gốc cây dẻ để tìm thức ăn”.

Đang ngồi nói chuyện với Tà thì Cụt Văn Tuyên - anh trai của Tà đến chơi. Anh Tuyên đang là giáo viên Trường Tiểu học Bảo Nam 1. Thế nhưng, khi rảnh rỗi anh vẫn đem bẫy vào rừng “săn” chuột. “Bận bịu với công việc nhà nước nên mình cũng không có nhiều thời gian. Chỉ khi nào rảnh, mình mới vào rừng đi “săn” chuột thôi. Không giỏi bằng Tà được đâu”, anh Tuyên khiêm tốn.

“Săn” chuột rừng là một “nghề” truyền thống của đồng bào Khơ mú ở Bảo Nam. Bởi không biết từ bao giờ, những món ăn được chế biến từ thịt chuột được đồng bào đặc biệt ưa thích. Trong các dịp lễ, tết, thịt chuột rừng là một phần không thể thiếu trong mâm cơm. Nổi tiếng nhất trong đó phải kể đến là món “ủ rủ chuột”. Ông Cụt Hải Phương – một già làng ở bản Nam Tiến 1 cho biết công thức chế biến:“Món ủ rủ chuột được làm từ thịt chuột, hoa chuối rừng, hành tỏi, lá xô thơm…Tất cả được bỏ vào nồi nấu đến khi khô hết nước là được. Món này thường được bà con ăn với xôi. Ngoài ra, thịt chuột còn được dùng làm một số món khác như nấu canh với rau cải…”.

Ông Phương cũng từng là một cao thủ “săn” chuột rừng. Từ thuở lên 10 tuổi ông đã theo cha vào rừng đặt bẫy. “Hồi đó, làm gì có bẫy sắt bán sẵn như bây giờ. Muốn “săn” chuột phải làm bẫy bằng đá, công phu lắm!. Chúng tôi đào một cái hố, đặt mồi vào đó. Phía trên một hòn đá chống bằng thanh củi nhỏ đã chờ sẵn. Khi chuột sa vào ăn mồi trong hố làm thanh củi bị sậptức thì hòn đá cũng sập xuống đậy hố lại”, ông nhớ lại.

Còn Cụt Văn Tà thì cho biết: “Vào dịp Tết cổ truyền của đồng bào Khơ mú. Nhà nào “săn” được nhiều chuột và chế biến u rủ chuột ngon là tự hào lắm vì được bản làng khen ngợi! Người nào “săn” được nhiều chuột rừng nhất bản sẽ mời anh em trong bản đến nhà uống rượu cần, ăn thịt chuột. Lúc đó, “thợ săn” quán quân của cả năm được anh em chúc tụng, khen ngợi không tiếc lời không chỉ vì tài nghệ “săn” chuột mà còn vì giúp nương lúa của bản khởi bị tàn phá”.

Dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi song đồng bào Khơ mú ở Bảo Nam vẫn lưu giữ được tập quán độc đáo song khá lạ lẫm này.


Thành Duy