Lời nguyền và sự ứng nghiệm
Đọc lại Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 2/2007, có bài viết của TS. Lê Hữu Tỉnh giới thiệu về bút danh của nhà văn Tạ Duy Anh. Theo nội dung bài viết, nhà văn Tạ Duy Anh tên thật là Tạ Viết Đãng, quê ở làng Đồng Trưa, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thành phố Hà Nội). Bút danh nhà văn gắn liền với một câu chuyện truyền thuyết của làng quê anh.
(Baonghean) - Đọc lại Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 2/2007, có bài viết của TS. Lê Hữu Tỉnh giới thiệu về bút danh của nhà văn Tạ Duy Anh. Theo nội dung bài viết, nhà văn Tạ Duy Anh tên thật là Tạ Viết Đãng, quê ở làng Đồng Trưa, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thành phố Hà Nội). Bút danh nhà văn gắn liền với một câu chuyện truyền thuyết của làng quê anh.
Ngày xưa, làng quê anh có người đỗ đạt, về quê bái tạ tổ tiên nhưng trong làng anh không ai nghênh tiếp, nhìn vào đình làng thì thấy các quan viên và dân chúng đang chè chén say sưa (phạt vạ một cô gái chửa hoang). Vị tân khoa kia tức khí nói to: "Chúng nó chỉ là một lũ xôi thịt, chẳng thiết gì đến chữ nghĩa". Rồi ông lập tức quay lại, trước khi lên đò qua sông, liền ném một viên đá xuống nước và buông ra lời nguyền: "Bao giờ viên đá này nổi lên trên mặt nước, con cháu của cái làng này mới có người đỗ đạt...".
Và lời nguyền ấy đã ứng nghiệm. Cho đến những năm 70 của thế kỷ vừa qua, làng Đồng Trưa vẫn chẳng có ai học đến cấp 3 ngoài cậu học trò có tên Tạ Viết Đãng. Học hết cấp 3, cậu vào học ngành Điện, rồi trở thành nhà văn với bút danh Tạ Duy Anh. Ý nghĩa của bút danh này là "chỉ có mình anh" (tức là chỉ có mình anh học thôi, còn mọi người thì bỏ hết). Và câu chuyện này đã góp phần khơi gợi, thôi thúc nhà văn hoàn thành tác phẩm "Bước qua lời nguyền", một tác phẩm góp phần quan trọng làm nên tên tuổi Tạ Duy Anh trên văn đàn.
Ở xã Tường Sơn (Anh Sơn) quê tôi (trước đây là xã Quan Lạng, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn) cũng lưu truyền một câu chuyện về một lời nguyền. Chuyện kể rằng, thời xưa có một người đỗ đạt, được vua bổ làm quan và cho về quê làm lễ vinh quy bái tổ. Nhận được chiếu chỉ của nhà vua, dân làng vui mừng ra đón rước vị quan tân khoa. Thế nhưng, khi đến đình làng, vị quan tân khoa không xuống ngựa vào bái tạ Thành hoàng mà dong thẳng ngựa về nhà. Bất bình trước thái độ thất lễ và có phần ngạo mạn của vị quan mới đỗ, dân làng bỏ dở đám rước và bàn tán xôn xao, rồi ai về nhà nấy. Thấy mình bị xúc phạm, vị tân khoa liền xuống ngựa, nhặt viên đá ném xuống sông kèm theo một lời nguyền: "Ba năm là một khóa thi/ Học trò Quan Lạng đừng đi tốn tiền/ Khi nào đá nổi, bông chìm/ Học trò Quan Lạng đi tìm vinh thân". Sau đó, ông về nhà, mấy hôm sau sinh bệnh rồi chết...
Người dân làng tôi không ít người lo sợ lời nguyền của vị tân khoa. Thế nhưng, từ bao đời nay, các thế hệ đều có người đỗ đạt cao. Hiện tại, nhiều người có học vị tiến sỹ, thạc sỹ đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu khắp cả nước. Có những người hiện là cán bộ cấp Trung ương và cấp tỉnh hay giữ những chức vụ quan trọng trong lực lượng quân đội, công an. Số học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Chứng tỏ, lời nguyền kia không ứng nghiệm hay người dân quê tôi đã "bước qua lời nguyền"?
Phải chăng, lời nguyền của vị tân khoa làng Đồng Trưa ứng nghiệm vì quan viên và dân làng không tôn trọng sự học và người đỗ đạt? Còn lời nguyền của vị tân khoa làng tôi không ứng nghiệm vì ông có tài nhưng tự phụ, thiếu tôn trọng lễ nghi, phong tục và dân làng nên bị vượt qua và rơi vào quên lãng?
Bùi Công Kiên