Quỳ Hợp: Gian nan xử lý bệnh chồi cỏ hại mía

03/04/2012 17:53

(Baonghean) - Bệnh chồi cỏ hại mía đang phát triển nhanh và tàn phá hàng ngàn ha mía tại huyện Qùy Hợp. Chính quyền các cấp và người dân đang thực hiện các quy trình xử lý bệnh, nhưng công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn...

Theo báo cáo từ phòng Nông nghiệp, toàn huyện Qùy Hợp hiện có 3.300 ha mía (chiếm gần 1/2 diện tích trồng mía của toàn huyện) đang bị nhiễm bệnh chồi cỏ. Trong đó, có khoảng hơn 1.500 ha bị nhiễm nặng. Hiện tốc độ lây lan dịch bệnh này đang có xu hướng tăng ở nhiều xã vùng trọng điểm mía. Điều đáng lo ngại, dịch bệnh làm cho cây không thể phát triển ảnh hưởng đến năng suất và nguồn nguyên liệu của nhà máy đường. Cho đến nay, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định được môi giới truyền bệnh. Vì thế, để tận diệt dịch bệnh này đang là vấn đề nan giải.




Nông dân xã Văn Lợi (Quỳ Hợp) chưa thực hiện tốt các biện pháp xử lý bệnh chồi cỏ mía

Ông Hoàng Văn Thái Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: "Sau khi phát hiện diện tích mía bị bệnh chồi cỏ ngày càng lớn, chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo về phương án dập dịch. Hiện nay, Phòng đang triển khai cho các xã phương án mà ngành Nông nghiệp chỉ đạo.

Cụ thể, tổ chức cho người dân trồng các giống mía sạch bệnh và chăm sóc đúng quy trình. Bên cạnh đó, đối với những diện tích nhiễm nặng cần tổ chức tiêu hủy và xử lý đất. Đối với những diện tích nhiễm nhẹ thì cần đào bỏ những gốc mía bị bệnh, tiến hành tiêu hủy, không cho mía bị bệnh mọc tái sinh và tiếp tục dặm lại bằng giốngsạch bệnh".


Tuy nhiên, tại các xã có diện tích trồng mía lớn, công tác xử lý bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Tại xã Châu Đình, 200 ha mía của người dân đã nhiễm bệnh chồi cỏ ở mức độ nhẹ. Mặc dù đã được hướng dẫn phương án đào bỏ và trồng lại bằng giống mía sạch bệnh, nhưng việc thực hiện của người dân chưa tốt. Ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chúng tôi đã tuyên truyền và tổ chức hướng dẫn đến người dân nhưng, bà con còn tỏ ra e ngại khi đào bỏ số mía bị bệnh.

Bên cạnh đó, do giống mía sạch bệnh đang khan hiếm nên nhiều người dân sợ khi đào bỏ rồi thì sẽ có giống để trồng. Mà nếu những diện tích này chuyển sang trồng các cây khác như lạc, ngô thì người dân không mặn mà cho lắm, và có thể lại tái diễn tình trạng trồng sắn ồ ạt như năm ngoáI".


Chị Nguyễn Thị Hà, xóm Hầm, xã Châu Đình chia sẻ: "Hiện tại, gần 1 ha mía của gia đình đã bị bệnh chồi cỏ nhưng nếu đào bỏ thì lấy đâu giống míatrồng lại bây giờ". Cũng theo chị Hà, năm nay giá giống mía sạch bệnhlên đến 1,7 - 1,8 triệu đồng/tấn, tăng 300 ngàn đồng/tấn so với năm ngoái. Hơn nữa, giá phân bón cũng không ngừng tăng kéo theo chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều người dân ái ngại khi phải trồng lại mía.


Còn tại xã Văn Lợi, 300 ha mía của xã cũng đã bị nhiễm bệnh chồi cỏ. Toàn xã có gần 1.200 ha, trong đó có khoảng 300 ha mía lưu gốc, còn lại là diện tích trồng mới bằng giống mía sạch bệnh và giống địa phương. Việc sử dụng giống mía địa phương có thể là một nguyên nhân khiến mầm bệnh còn ẩn náu và có cơ hội sinh sôi. Khi đó, những cây mía khỏe sẽ "sống chung" với những cây bị bệnh, việc lây lan và phát tán bệnh dễ dàng hơn. Năm nào người dân trong xã cũng mua giống mía sạch bệnh về trồng nhưng đến năm thứhai lại bị nhiễm bệnh chồi cỏ. Từ ngày phát hiện bệnh, năng suất và sản lượng mía của xã giảm rõ rệt, chỉ bằng hơn một nữa những năm không bị bệnh.


Ông Trương Thanh Tình - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi phát hiện bệnh chồi cỏ năm 2004 đến nay, chưa có một loại thuốc đặc trị nào chữa được bệnh này. Trong khi phương thức canh tác của người dân còn chưa thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật, mầm bệnh vẫn đang tồn dư và tiếp tục lây nhiễm nhiều năm đã gây thiệt hại lớn cho người trồng mía. Nông dân cần được hỗ trợ nhằm giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Các nhà khoa học cần vào cuộc để tìm ra nguyên nhân và cách phòng trừ dịch bệnh
.


Phạm Bằng