Phát triển kinh tế nhờ học và làm theo báo đảng

23/03/2012 18:11

(Baonghean) - Trước đây, Quỳnh Nghĩa là một xã bãi ngang nghèo của huyện Quỳnh Lưu, kế mưu sinh của người dân chủ yếu dựa vào nghề làm muối nhọc nhằn. Tuy nhiên, những năm gần đây, cuộc sống của những diêm dân đã có nhiều khởi sắc, ngành nghề sản xuất kinh doanh ngày càng đa dạng. Tất cả đổi thay đó đều nhờ vào việc học tập và làm theo báo đảng.

(Baonghean) - Trước đây, Quỳnh Nghĩa là một xã bãi ngang nghèo của huyện Quỳnh Lưu, kế mưu sinh của người dân chủ yếu dựa vào nghề làm muối nhọc nhằn. Tuy nhiên, những năm gần đây, cuộc sống của những diêm dân đã có nhiều khởi sắc, ngành nghề sản xuất kinh doanh ngày càng đa dạng. Tất cả đổi thay đó đều nhờ vào việc học tập và làm theo báo đảng.


Theo lời giới thiệu của ông Tô Duy Hiền - Phó Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi về Nghĩa Phú - thôn có sự phát triển kinh tế vượt bậc trong những năm gần đây của xã nhà, chi bộ thôn 3 năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh xuất sắc, được Huyện ủy Quỳnh Lưu khen thưởng... Mùa này, những cánh đồng muối Nghĩa Phú còn vắng lặng, chỉ có một vài người dân đang khơi thông mương máng, trát lại sân phơi. Muối vẫn là nghề chính, nhưng chuyện cơm áo bây giờ chẳng còn canh cánh nỗi lo bởi nguồn thu nhập của các gia đình còn đến từ chăn nuôi, buôn bán, đi biển...




Ông Hoàng Ngọc Bình - Bí thư Chi bộ Nghĩa Phú giới thiệu hệ thống bể lọc giúp tiết kiệm công sức trong làm muối.

"Nhờ học tập và làm theo báo đảng, người dân trong thôn bây giờ đã mở mang thêm nhiều ngành nghề lắm rồi" - Ông Hoàng Ngọc Bình - Bí thư Chi bộ thôn Nghĩa Phú cho hay. Công cuộc đổi mới của Nghĩa Phú được bắt đầu từ năm 2010, khi mà trong 15 phút thông tin đầu giờ tại cuộc họp định kỳ hàng tháng của chi bộ, 47 đảng viên đã được nghe báo cáo viên đọc một bài hay đăng trên báo Nghệ An có nội dung về kinh nghiệm của diêm dân ở Diễn Châu trong sản xuất muối. Cụ thể là người dân Diễn Châu đã xây dựng hệ thống bể chắt, lọc cát mặn ngay tại chỗ chứ không phải vận chuyển đất lại sân phơi, qua đó tiết kiệm được công sức và thời gian trong việc làm muối. Những thông tin từ bài báo đã tác động đến nhận thức của các đảng viên. Tư tưởng đã thông, cách làm đã có, các đảng viên trong chi bộ đi đến quyết nghị: Phải học tập cụ thể và áp dụng ngay cách làm này.

Nói là làm, Chi bộ Nghĩa Phú đã đề đạt lên Đảng ủy, UBND xã và huyện Quỳnh Lưu, mời các "chuyên gia" từ vùng muối Diễn Châu về thôn triển khai thử. Để người dân tin và làm theo, mỗi đảng viên giao phụ trách 4 gia đình để truyền thụ kinh nghiệm mới. Những hệ thống bể lắng (tiếng địa phương gọi là giát) đầu tiên đã được xây dựng tại các cánh đồng muối của các gia đình có đảng viên. Hiệu quả đã cho thấy tức thì: Trước, cùng một diện tích phải có 3 người làm thì nay chỉ cần 1 người mà khối lượng công việc, năng suất không thay đổi, chất lượng muối cao hơn. Thế là cả thôn, cả xã nhà nào cũng rầm rập áp dụng việc xây dựng hệ thống bể chắt, lọc này... Huyện, xã đã kịp thời hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ (tương đương 50% chi phí xây dựng bể). 2/3 lao động được giải phóng, các đảng viên chi bộ lại ngồi họp bàn việc phát triển, du nhập các ngành nghề mới. Trước, ngư dân xã chỉ đánh bắt gần bờ nay chuyển sang đánh bắt xa bờ, nhiều tàu có công suất 500 CV thay thế cho loại 300 CV; ngành nghề đóng tàu, chăn nuôi hươu sao, buôn bán nhỏ cũng lần lượt xuất hiện tại thôn Nghĩa Phú.


Hiện nay, Nghĩa Phú thu nhập bình quân của mỗi gia đình cũng đã hơn 15 triệu đồng/năm; trước chỉ có 50 lao động nghề biển, nay là 100 - thu nhập mỗi người 70 triệu đồng/năm (trong khi nghề làm muối chỉ cho 7 triệu đồng/năm). Học tập và làm theo báo đảng đã giúp chi bộ nắm bắt nhanh các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.


Ông Tô Duy Hiền - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Hàng tuần hàng tháng, Đảng ủy xã đều chuyển các bản tin nội bộ của huyện, của tỉnh về tận các chi bộ và cấp số báo Nghệ An hàng ngày cho 14 chi bộ trực thuộc. Từ đây, các nội dung thời sự đặc sắc, trọng tâm của tờ tin, tờ báo đều được truyền tải đến 294 đảng viên của Đảng bộ trong những cuộc họp định kỳ, chuyên đề, qua đó lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân.

Nhờ học tập báo đảng mà kinh tế, văn hóa - xã hội chuyển biến, phát triển nhanh. Thực hiện Quyết định 491/CP của Thủ tướng Chính phủ về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Đảng bộ Quỳnh Nghĩa đang liên tục theo dõi các cách làm hay của các đơn vị tiêu biểu được nêu trên báo đảng để học hỏi, qua đó áp dụng nhằm vận động nhân dân đóng góp tiền, hiến đất để xây dựng nông thôn mới thành công. Đầu năm nay, xã cũng đã tổ chức được một chuyến tham quan, học hỏi mô hình xây dựng nông thôn mới ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.


Thành Chung - Hà Dinh