Kỳ 2: Cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
(Baonghean) - Tuy chưa có thống kê chính xác và không phải hộ dân nào cũng can đảm phản ánh, chuyện phải mất "lệ phí" để được lắp điện tại gia, đây cũng không phải là chuyện của riêng một địa phương nào. Thế nhưng, khi đề cập vấn đề này, hầu hết giám đốc chi nhánh điện của các huyện, thành, thị đều có chung câu trả lời là "không biết", còn ngành Điện thì đã có quy định "không thu bất cứ một khoản lệ phí nào".
Ông Phạm Văn Nga - Giám đốc Chi nhánh Điện Thành phố Vinh cho biết: Theo quy định của Điện lực Nghệ An, khi bắt điện mới người dân không mất một khoản nào, vì các chi phí để mua dây nguồn, hộp đựng công tơ, asttomat đều do ngành Điện đầu tư. Khách hàng chỉ phải mất chi phí từ asttomats đến nhà. Ngành Điện cũng đã có văn bản nghiêm cấm công nhân lấy tiền của khách hàng.
Tuy nhiên, quy định là vậy, nhưng trên thực tế, trong khi giao dịch với các khách hàng, giữa khách hàng và công nhân ngành Điện nhiều khi vẫn có thỏa thuận với nhau để "tiện lợi" cho cả hai bên. Điều này chúng tôi không khuyến khích nhưng cũng không kiểm soát được, trừ khi có đơn kiến nghị của người dân...
Về việc người dân phải bỏ kinh phí để bắt điện ở khối 2, Thị trấn Lạt, Tân Kỳ, ông Phan Kiến Thiết - Giám đốc Chi nhánh Điện lực Tân Kỳ thanh minh: Điện lực Tân Kỳ đã có chủ trương tiếp nhận lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý, nhưng quá trình triển khai tại nhiều xã như: Đồng Văn, Nghĩa Phú, Kỳ Sơn, Thị trấn Lạt... không có đủ công tơ và trang thiết bị để thay.
Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân quá cấp bách nên ngành Điện đã tạo điều kiện để người dân được bắt điện tại gia và người dân phải tự mua sắm trang thiết bị. Khi nào có dự án, "chúng tôi sẽ hoàn trả lại cho người dân". Về vấn đề người dân kiến nghị phải mất phí mới được lắp điện, ông Thiết khẳng định: Vấn đề trên là có thật, nhưng đó là việc của năm 2011 trở về trước và hầu hết đều là "thỏa thuận" đằng sau, còn từ năm 2012, chúng tôi khẳng định sẽ chấn chỉnh sát sao việc này và không để xảy ra tình trạng trên".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân khiến thời gian qua, một số cán bộ ngành Điện lợi dụng chủ trương bắt điện tại gia để gây khó dễ với người dân là do sau khi nhận được hồ sơ của khách hàng, các chi nhánh điện lực lập danh sách rồi gửi lên Điện lực Nghệ An chờ xét duyệt và cấp trang thiết bị. Còn người dân, trong khi chờ thiết bị cung cấp quá lâu và việc cung cấp thiết bị có giới hạn nên nhiều hồ sơ bị đình trệ lâu. Nhiều cán bộ điện lực ở cơ sở lợi dụng điều này đã gây phiền nhiễu để các hộ dân phải chi tiền để nhanh được cấp điện tại gia.
Ngoài ra, trong công tác quản lý nhân viên, trưởng các chi nhánh của ngành Điện chưa thực sự sâu sát xem đó là việc diễn ra ngoài đơn vị nên vô tình tạo kẽ hở cho nhân viên nhũng nhiễu. Riêng tại huyện Quỳnh Lưu vì địa bàn huyện quá rộng (43 xã, thị), trong khi đó toàn Chi nhánh Điện Quỳnh Lưu chỉ có 45 người nên các chi nhánh điện thường phải ký hợp đồng với thợ điện các xã (vốn quản lý các hợp tác xã điện trước kia) quản lý và đó là kẽ hỡ để các thợ điện hợp đồng "tự tung tự tác ở địa phương". Chính 2 cán bộ ngành Điện bị người dân xã Sơn Hải kiến nghị thực chất không phải nhân viên chính thức của Điện lực Quỳnh Lưu, mà chỉ là người làm hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện ở xã...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An khẳng định: Từ năm 2012, Điện lực Nghệ An thay vì xét duyệt hồ sơ như trước kia, thì nay các chi nhánh sẽ lên kế hoạch dự trù về thiết bị để cung cấp cho khách hàng trong tháng và sẽ được công ty điện lực cho ứng trước. Như vậy, khách hàng sẽ không còn phải chờ đợi. Còn tại Chi nhánh Điện Thành phố Vinh, từ đầu tháng 9/2011 đã tổ chức giao dịch với khách hàng theo chế độ một cửa. Người dân có nhu cầu sẽ đến làm việc trực tiếp tại chi nhánh và thông thường nếu đủ các điều kiện sau 15 ngày hồ sơ sẽ được giải quyết.
Về vấn đề các cán bộ, nhân viên vi phạm trong việc tự ý thu tiền của người dân, ông Nguyễn Thượng Hiền cho rằng: Điện lực Nghệ An sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Như trường hợp ở Điện lực Quỳnh Lưu chắc chắn sẽ cắt hợp đồng với 2 nhân viên đã bị người dân tố cáo ở Sơn Hải. Tại huyện
Tuy đã có những động thái cương quyết, nhưng về phía người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, bởi dù đã thuyên chuyển những cán bộ vi phạm nhưng hậu quả mà họ đã gây ra và số tiền hàng trăm triệu đồng mà các cán bộ ngành Điện tự ý thu trái quy định của người dân thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Về vấn đề này, không chỉ cần sự vào cuộc của ngành Điện mà còn cần sự vào cuộc của cơ quan công an, các cơ quan pháp luật và vào cả tinh thần tố giác của người dân.
Hà Linh- Song Hoàng