Gian nan hành trình tới “Cổng trời”

10/01/2012 17:14

Trong những chuyến công tác lên các huyện miền Tây Nghệ An, chúng tôi đã đi hầu hết các tuyến xe khách nội huyện. Đây cũng là sự lựa chọn của nhiều hành khách bởi giá cả phải chăng so với xe ôm, lại không phải “vật lộn” với bùn lầy và ổ gà của những tuyến đường thi công dang dở. Nhưng với điều kiện địa hình, thời tiết bất thuận, các tuyến xe khách này đang thực sự chứa đựng những mối hiểm nguy. 

(Baonghean.vn) - Trong những chuyến công tác lên các huyện miền Tây Nghệ An, chúng tôi đã đi hầu hết các tuyến xe khách nội huyện. Đây cũng là sự lựa chọn của nhiều hành khách bởi giá cả phải chăng so với xe ôm, lại không phải “vật lộn” với bùn lầy và ổ gà của những tuyến đường thi công dang dở. Nhưng với điều kiện địa hình, thời tiết bất thuận, các tuyến xe khách này đang thực sự chứa đựng những mối hiểm nguy.



Chiếc xe khách chuẩn bị hành trình trong làn sương dày đặc

Có thể kể đây một số tuyến tiêu biểu như tuyến quốc lộ 48C nối hai huyện Tương Dương- Qùy Hợp với hàng chục điểm sạt lở; tuyến Kim Sơn- Tri Lễ (Quế Phong) vượt Bù Chồng Cha giăng kín sương mù với hàng chục khúc cua tay áo. Nhưng nói tới độ gian nan và hiểm nguy thì tuyến Mường Xén- Mường Lống- Mỹ Lý chắc chắn phải “giành giải Nhất”.

Cuối năm, nhận nhiệm vụ thực hiện đề tài mùa Xuân biên giới cho số báo Xuân Nhâm Thìn (2012), chúng tôi quyết định vào tận Mỹ Lý (Kỳ Sơn), một xã nằm đầu nguồn sông Nậm Nơn và có chiều dài đường biên giới lớn nhất tỉnh (hơn 40 km). Lên Thị trấn Mường Xén, mượn được chiếc xe máy của một người bạn và ý định một mình “cưỡi” con “ngựa sắt” lên đường thưởng ngoạn phong cảnh vùng biên khi mùa Xuân bắt đầu “gõ cửa”. Nhưng một người bạn khác lại ra sức khuyên ngăn: “Tớ vừa trong đó ra chiều hôm qua. Đường vào Mỹ Lý lầy lội, trơn trượt, lại sương mù giăng kín, cậu không thông thuộc địa hình chắc không đi nổi đâu. Tốt nhất là đi bằng xe khách, vừa ấm, lại không phải lo đường trơn và sương mù”.

Nghe theo lời khuyên, chúng tôi gửi lại “ngựa sắt” để lên một chiếc xe khách trưng tấm biển Mường Lống- Mỹ Lý đang bắt khách trên quốc lộ 7A. Bước lên xe đúng lúc các ghế ngồi dành cho khách đã kín cả. Lúc này, hầu hết hành khách trên xe đã choàng áo ấm, khăn và đeo khẩu trang, tất tay kín mít. Thấy chúng tôi chưa chuẩn bị sẵn sàng những thứ ấy, một cụ người Khơ mú ở xã Bắc Lý nhắc nhở: “Anh mặc thế này lên vùng “cổng trời” Mường Lống sẽ không chịu nổi lạnh buốt đâu!”.

Xe vượt qua cầu Huồi Lội, đến bản Piêng Phô (xã Phà Đánh) đã bắt đầu chồm lên nhảy xuống bởi những “ổ gà”, “ổ trâu”. Tuyến đường từ Thị trấn Mường Xén đến các xã vùng Tây Bắc huyện Kỳ Sơn như Keng Đu (70 km), Mỹ Lý (60 km), Bắc Lý (50 km), Mường Lống (45 km) và Huồi Tụ (30 km) mặc dù đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp nhưng đến nay việc đi lại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do: Sự thi công chậm trễ của các nhà thầu, sạt lở do mưa lũ và điều kiện địa hình hiểm trở. Vì thế, trừ một số đoạn đã được rải nhựa nên tương đối dễ đi, còn lại hầu hết đều lầy lội và trơn trượt.



Dừng trên đỉnh dốc Huồi Đun để chỉnh lại phanh xe

Cũng từ địa phận xã Phà Đánh, hành khách có thể đã cảm nhận được xe đang bắt đầu lên độ cao. Con đường mỗi lúc một dốc và quanh co, khúc khuỷu, sương mây mỗi lúc một dày đặc. Đến khu vực giáp ranh giữa hai xã Phà Đánh và Huồi Tụ, những đoạn đường thi công dang dở ngày càng nhiều hơn khiến cho anh tài xế trẻ tuổi của nhà xe Hòa Hằng (Thị trấn Mường Xén) vất vả hơn lúc nào hết. Đa phần chịu ảnh hưởng của khí hậu nước bạn Lào nên ở huyện Kỳ Sơn hiện đang là mùa khô. Nhưng nói như thế không có nghĩa là không khí nơi đây hoàn toàn khô ráo. Mùa này Kỳ Sơn luôn bị bao phủ bởi những làn sương mù dày đặc, thậm chí có những bản làng suốt ngày đắm chìm trong sương. Sương dày đặc kết thành từng giọt rơi tý tách trên mái nhà tựa như những cơn mưa dầm. Những cơn “mưa sương” ấy là nguyên nhân gây nên sự ẩm ướt và làm cho không khí càng thêm buốt lạnh, khiến cho những đoạn đường đất thêm phần lầy lội và trơn tuột. Đó là chưa kể làn sương dày đặc bịt chắn tầm nhìn khiến cho người điều khiển các loại phương tiện thêm bội phần gian nan, vất vả xen lẫn những hiểm nguy.

Xe chạy đến chân dốc Huồi Đun (xã Huồi Tụ) bỗng dưng anh tài xế cho dừng hẳn và tắt máy. Thỉnh thoảng có những chiếc xe máy lưu hành xuôi ngược, người điều khiển đều lấm lem bùn đất. Hành khách bước xuống, ai nấy xuýt xoa vì lạnh, mỗi khi nói chuyện phả ra những làn hơi trắng xóa như một anh lực điền sảng khoái phả làn khói thuốc lào khi vừa cày xong thửa ruộng. Đang băn khoăn chưa hiểu người ta cho dừng xe để làm gì thì tài xế và phụ xe lấy xuống mấy sợi xích dài và to như ngón tay út hì hục quàng vào các bánh xe. Thấy chúng tôi tròn xoe mắt vì ngạc nhiên, anh phụ xe giải thích: “Con dốc này trơn và rất nguy hiểm, phải quàng xích vào bánh xe để tăng lực ma sát, đảm bảo an toàn”. Sau khi những vòng xích đã được quàng vào lốp cẩn thận, xe được nổ máy để tiếp tục tục cuộc hành trình.

Lớp đất vàng dẻo ở dốc Huồi Đun như được rải thêm một lớp mỏng nhựa mồng tơi nên dù đã được quàng xích mà những chiếc lốp xe vẫn trầy ngang, trượt dọc. Xe được cài về số và gần rú rồi phả ra làm khói đen kịt. Ngồi cạnh cửa sổ, chúng tôi nhận thấy toàn bộ chiếc xe đang chao đảo về phía phải. Nhìn xuống qua làn kính, một vết nứt hàm ếch của ta-luy âm sâu hoẵm do trận lũ quét lịch sử hồi tháng 6 để lại, phía dưới là một vực thẳm toàn mây là mây. Bánh xe tiếp tục trượt về phía ta-luy âm. Nhưng rất may, những chiếc bánh xe phía phải kịp dừng lại cách mép ta-luy chỉ độ 10 cm, ở đó có một rãnh cái khá sâu, là vết của những chiếc ô tô chạy lún xuống mặt đường. Chúng tôi thật sự hoảng hốt. Nhưng đa số các vị hành khách đều tỏ ra khá bình thản trước tình huống ấy, có lẽ họ đã rất quen.

Anh tài xế cho biết: “Lên dốc thực ra không khó khăn, nguy hiểm như lúc xuống dốc. Vì lên dốc, đường trơn có sự hỗ trợ của máy vẫn có thể chủ động định hướng, xuống dốc dẫm phanh có khi xe trôi tự do. Và điều đáng ngại nhất là xe bị hỏng hóc dọc đường”.

Xe lầm lũi một lúc khá lâu rồi cũng lên được đỉnh dốc. Bây giờ lại lo chuyện xuống dốc, vì dốc bên này cũng trơn không kém. Đang dò dẫm xuống dốc, xe bỗng dừng, anh tài xế lên tiếng: “Phanh có vấn đề!”. Hì hục một lúc thì anh tài xế cũng tìm được giải pháp khắc phục cho chiếc phanh đang có vẫn đề. Xe lại tiếp tục dò dẫm trong làn sương mờ ảo.

Đến ngã ba thuộc khu vực “cổng trời”, xe dừng để những hành khách đi Mường Lống bước xuống. Ở độ cao trên dưới 1.700m so với mực nước biển, tai chúng tôi gần như ù đặc, từng làn gió buốt thốc vào mặt. Trời đất nơi đây cùng chung một màu trắng đục của sương mây, thật khó xác định đâu là dốc đèo, đâu là rừng già và đâu là vực sâu thăm thẳm. Chiếc xe tiếp tục chuyển bánh về hướng xã Mỹ Lý. Nói thật, lúc này tôi có cảm giác như chiếc xe đang trôi trong mây mù chứ không phải đang chạy đường đèo. Vì tai ù đặc không nghe tiếng máy nổ, sương mây đặc quánh như muốn “nuốt” cả thân xe. Chiếc cần gạt mặt kính phía trước hoạt động hết công suất vẫn không gạt được hết những lớp sương mù đang phủ xuống.

Xe từ từ “trôi” qua bản Phà Xắc, độ cao giảm dần nên sương mù bắt đầu loãng ra, tầm nhìn đã thoáng hơn. Xe luồn lách qua đoạn đường gập ghềnh len lỏi giữa dãy Phá Mo và Phá Lếch, qua bản Xốp Tụ, rồi bản Xiềng Tắm (trung tâm xã Mỹ Lý) để kết thúc hành trình 60 km đầy gian nan và khổ ải. Lúc này đã hơn 12h trưa. Như vậy, hành trình kéo dài tới hơn 4 giờ đồng hồ. Và lúc này tôi mới thực sự tin mình đã đến đích an toàn.

Hai ngày sau, khi công việc thu thập tư liệu cho bài viết cơ bản đã xong xuôi, chờ mãi không thấy xe khách trở vào, chúng tôi buộc phải gọi điện ra Mường Xén. Chủ xe trả lời: “Hôm qua đến giờ đoạn đường qua Mường Lống, Huồi Tụ lầy và trơn quá không thể vào được, anh chờ thêm ít ngày nữa”. Hai ngày tiếp theo vẫn là câu trả lời đó. Ngày nộp bài đã cận kề, trong khi nguồn điện từ các thủy điện mi-ni không đủ để khởi động chiếc máy tính xách tay, chúng tôi đành thuê chiếc xuồng máy xuôi dòng Nậm Nơn, xuyên qua lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ để về xuôi. Về đến Thành phố Vinh, đến nay trong chúng tôi vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh về chuyến xe khách đầy mạo hiểm.


Bài, ảnh: Công Kiên