"Cởi nút thắt" để qua bước khó

19/12/2011 17:59

(Baonghean.vn) Ngày 17/12/2009, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nối Quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, lên Thị xã Thái Hòa. Đây là con đường quan trọng cho vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu vùng Tây Bắc Nghệ An xuống các huyện đồng bằng ven biển và nối với khu công nghiệp - Cảng Đông Hồi trong tương lai.

(Baonghean.vn) Ngày 17/12/2009, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nối Quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, lên Thị xã Thái Hòa. Đây là con đường quan trọng cho vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu vùng Tây Bắc Nghệ An xuống các huyện đồng bằng ven biển và nối với khu công nghiệp - Cảng Đông Hồi trong tương lai.

Trong đó, phần từ Quốc lộ 1A qua huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn lên Thị xã Thái Hòa, dài 29 km. Mặc dù con đường đi qua Nghĩa Đàn và Thái Hòa ngắn chỉ dài 9,7 km trên địa bàn 4 xã: Nghĩa Phú, Nghĩa Hội, Nghĩa Bình, Nghĩa Trung và qua Thái Hòa (tại xã Nghĩa Mỹ chưa đầy 1,5 km) nhưng việc giải phóng mặt bằng ở đây vẫn được coi là khó khăn nhất.



Thi công đường trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn nối Quốc lộ 1.


Khó vì khi đi qua huyện Nghĩa Đàn, cần thu hồi đến 300.618 m2 đất. Tuyến đường có đi qua vùng đất ở của đồng bào thiểu số và đồng bào công giáo. Trong đó, 8 hộ dân phải di dời, tái định cư nơi khác. Việc đền bù đang áp mức giá cũ. Đúng như các hộ di dời nhà phản ánh: "Tiền đền bù không đủ xây nơi ở mới gần bằng hoặc có được vị trí tái định cư, tương tự". Chủ hộ Lô Anh Tuyên- thuộc trường hợp tái định cư tại khu đất vườn cũ cho biết: Số tiền đền bù không đủ để tôi xây lại một phần ngôi nhà sẽ bị phá nhường cho con đường vì giá cả vật tư, công thợ hiện lên rất cao; trong khi giá đền bù Nhà nước đã áp dụng mấy năm nay rồi".

Mặt khác, cái khó nằm ngay trong việc định mức giá giữa quy hoạch và thực tế. Trong số hộ phải thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn (toàn tuyến 243,523 m2) có 35 hộ nguồn gốc đất thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp nhưng họ đã cải tạo thành đất trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày (trồng mía). Do vậy, khi áp giá đền bù theo chế độ đất rừng 3,5 nghìn đồng/m2 thì người dân không đồng tình. Ngay cả khi được điều chỉnh lên đất nông nghiệp với giá 27 nghìn đồng/m2 người dân vẫn cho rằng chưa phù hợp, nhưng với tinh thần tạm chấp nhận để con đường được triển khai kịp tiến độ, 27 hộ đã nhận tiền đền bù. Chỉ có 8 hộ còn lại, đến ngày 15/12/2011, vẫn chưa nhận tiền đền bù đợt 1.


Cái khó nữa là ở tuyến đường đi qua 2 khu nghĩa địa, với gần 200 ngôi mộ chôn cất theo phong tục tập quán của đồng bào công giáo và đồng bào dân tộc thiểu số...


Tại địa bàn Thị xã Thái Hòa cũng vậy. 130 hộ dân xã Nghĩa Mỹ đã phải thu hồi 67.087 m2 đất ruộng và 800 m2 đất ở; trong 4 hộ diện phải thu hồi đất ở, có 3 hộ chưa làm nhà, một hộ đã "bó móng" nhà kiên cố. Nguyện vọng của họ là tăng thêm giá đền bù vì chênh lệch với giá thị trường và muốn tái định cư đất mới. Đặc biệt, có chị Trương Thị Huyền, hoàn cảnh khó khăn nhưng giấy tờ thủ tục về đất lại thiếu.


Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hòa, cùng các cơ quan chức năng, UBND tỉnh đã có thông báo ngày 21/11/2011, đồng ý mức bồi thường bổ sung: "Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp nhưng được quy hoạch vào mục đích đất lâm nghiệp thì ngoài được hưởng bồi thường theo giá đất lâm nghiệp còn được hỗ trợ bằng 35% giá đất trung bình của khu vực có đất thu hồi theo quy định trong bảng giá của địa phương. Diện tích được hỗ trợ là diện tích thu hồi, nhưng không quá 5 lần hạn mức giao đất ở". Tại xã Nghĩa Mỹ, đất nông nghiệp cũng được đền bù từ 49 nghìn đồng/m2 lên 55 nghìn đồng/m2. Theo cán bộ giải phóng mặt bằng Thị xã Thái Hòa, với việc điều chỉnh lên giá đền bù tăng lên thì công tác giải phóng mặt bằng có thể sẽ có tiến triển tốt đẹp.


Riêng tại huyện Nghĩa Đàn tình hình có chậm hơn vì nhiều và phức tạp, đến ngày 15/12/2011, Hội đồng GPMB huyện Nghĩa Đàn đang làm dự toán bổ sung tiền bồi thường và đã mời bà con đến giải thích, vận động. Nhìn chung, công tác GPMB cũng đã có lối ra sau "gỡ nút thắt". Ở Nghĩa Đàn hiện đã bàn giao được 8 cây số cho bên A thi công. Và trước khi áp dụng giá điều chính mới này cũng chỉ còn 8 hộ đất lâm nghiệp, và 4 hộ di dời nhà ở, chưa nhận tiền đền bù đợt một. Nhìn chung, tuyệt đại đa số người dân, giáo cũng như lương, đồng bào thiểu số cũng như người Kinh, mặc dù có thiệt thòi và có khó khăn, vẫn một lòng ủng hộ chủ trương lớn. Ai cũng mong con đường sớm hoàn thành để phát triển kinh tế xã hội trong vùng. Sau đợt điều chỉnh này, càng tạo điều kiện cho công tác giải phóng mặt bằng nhanh hơn, giải quyết dứt điểm những tồn tại, để bảo đảm tiến độ đã đề ra.


Ông Nguyễn Đình Hợi, cán bộ chỉ đạo thi công dự án đoạn đường Nghĩa Đàn - Thái Hòa, cho biết: "Hiện nay trên công trường mỗi ngày có từ 15-17 xe chở đất, 4 máy đào, xúc, và 6 đến 10 xe lu... đang khẩn trương làm việc. Con đường sẽ sớm hoàn thành khi việc GPMB tiến hành nhanh chóng hơn. Có thể nói, sự đồng thuận của chính quyền các cấp, của nhân dân nơi con đường đi qua, bao giờ cũng là niềm cổ vũ vượt qua khó khăn đối với lực lượng thi công như chúng tôi".


Hoàng Chỉnh