Cơ giới hóa nông nghiệp hỗ trợ xây dựng nông thôn mới

28/02/2012 10:08

(Baonghean) Ở Hưng Nguyên, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, một vài tiêu chí được cho là khó thực hiện, trong đó có tiêu chí tăng thu nhập gấp 1,4 lần so với bình quân cả tỉnh. Hiện một số địa phương đang lúng túng trong việc phấn đấu để đạt tiêu chí này. Để tìm lời giải, chúng tôi khảo sát tại một địa phương có phong trào dồn điền dồn thửa sớm để đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

(Baonghean) Ở Hưng Nguyên, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, một vài tiêu chí được cho là khó thực hiện, trong đó có tiêu chí tăng thu nhập gấp 1,4 lần so với bình quân cả tỉnh. Hiện một số địa phương đang lúng túng trong việc phấn đấu để đạt tiêu chí này. Để tìm lời giải, chúng tôi khảo sát tại một địa phương có phong trào dồn điền dồn thửa sớm để đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Hưng Đạo là xã làm tốt việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Hưng Nguyên. Toàn xã có hơn 100 máy cày đa chức năng, 2 máy gặt đập liên hợp, hàng chục máy gặt rải hàng, tuốt lúa, gieo hạt... Để đưa máy móc vào thay thế cho sức lao động của con người, trước hết phải quy hoạch lại đồng ruộng. Từ năm 2001- 2002, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa theo Chỉ thị 02 của TƯ. Thực hành thành công việc dồn điền đổi thửa ruộng đất, bình quân hộ từ 10-15 mảnh xuống còn 3-4 mảnh. 15% số hộ rút xuống còn 1 mảnh.



Máy gặt đập liên hợp gặt lúa tại Nam Đàn


Việc dồn điền đổi thửa kết hợp với quy hoạch lại đồng ruộng, làm giao thông nội đồng. Hơn 30 km giao thông nội đồng được quy hoạch xây dựng. Trục A: 5m, trục B: 4 m, trục C: 3 m. Xã bỏ kinh phí quy hoạch, cắm mốc, dân bỏ công. Chỉ trong một thời gian ngắn, 30 km đường nội đồng hoàn thành, đủ điều kiện đưa máy móc đến từng chân ruộng. Phát triển giao thông gắn với thủy lợi nên ruộng đồng của Hưng Đạo bảo đảm tưới tiêu kịp thời. Sau khi quy hoạch, người dân có điều kiện cải tạo đồng ruộng, tập trung đầu tư... nên năng suất tăng đáng kể đạt 5-6 tấn/ha/vụ, đã giúp nâng cao đời sống người lao động lên một bước.


Cùng Trưởng ban Nông nghiệp xã Lê Văn Thành, tôi về Hợp tác xã Tân Nhượng. Có đến gần một nửa phương tiện cơ giới của xã đang hoạt động. Ông Tô Ngọc Thành - Xóm trưởng xóm 2A khoe: Năm nay xóm ăn tết to. Người đi lo tiền bạc, người ở nhà lo sản xuất chăn nuôi lứa lợn, lứa gà... nên nhà nào nhà nấy lo cho cái Tết đầm ấm. Xóm ông đã vượt chỉ tiêu thu nhập mà NQ của xã đề ra 14 triệu đồng/khẩu/năm.

Theo ông Thành, có được kết quả đó là nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất tăng nhanh, bình quân đạt 3,5 tạ/sào. Mặt khác, máy móc đã thay thế con người. Trước đây vụ mùa cấy, gặt kéo dài 15- 20 ngày, nay chỉ giải quyết trong 1 tuần. Vụ gặt đã có dịch vụ trọn gói, chủ máy nhận chở thóc về đến tận sân. Giải phóng sức lao động giúp cho người dân phát triển ngành nghề. Người có nghề ra thành phố, đi các nơi làm ăn. Người không có nghề bám trụ lại địa phương phát triển chăn nuôi. Như nhà ông, con cái đi học, đi làm xa, chỉ có 2 vợ chồng ở nhà, ngoài việc làm 17 sào ruộng, có máy móc rút ngắn thời gian, ông quay về đầu tư chăn nuôi.

Theo ông thời gian rút ngắn trong sản xuất đã giúp ông nuôi được một lứa lợn trị giá khoảng 4 triệu đồng, có những hộ thu nhập từ chăn nuôi lên đến 4-50 triệu đồng /năm. Ông hy vọng Nhà máy Dệt ở Nam Đàn sớm đi vào hoạt động để xóm ông giải quyết bớt một số lao động. Cũng theo ông, giải quyết lao động không chỉ nhằm vào nhà máy, công trường, mà ngay tại địa phương bố trí lại ngành nghề cũng là một cách. Bằng chứng là, nhiều hộ trong xóm ông giỏi chăn nuôi cũng cho thu nhập hàng năm hàng chục triệu đồng, không thua kém gì làm lúa, rồi ngành nghề dịch vụ mở ra để làm "đầu ra" cho các sản phẩm từ nông nghiệp.

Trò chuyện với ông Thành về bài toán tăng thu nhập, đã có một lời giải bắt đầu từ công tác dồn điền đổi thửa, phân chia lại ruộng đất, bố trí lực lượng lao động, phát triển ngành nghề... Giải quyết những vấn đề này một cách triệt để thì việc XD nông thôn mới mới thành công.


Công Sáng