Đầu tư hạ tầng để tạo đà phát triển

03/04/2012 15:26

(Baonghean) - Miền Tây Nghệ An là vùng giàu tiềm năng kinh tế nhưng địa hình phức tạp, rừng núi chia cắt, hệ thống giao thông đi lại khó khăn. Để đánh thức tiềm năngvùng đất này, một trong những chủ trương lớn là đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, với quan điểm giao thông phải đi trước một bước để tạo đà cho KT-XH phát triển.

Xem Bài 5: "Thế khó"cho công nghiệp

Trong những năm qua, từ các nguồn vốn khác nhau, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Hiện tại, 10 dự án đường, cầu treo trên khu vực này đang được khẩn trương thực hiện. Đó là chia kể đến 18 dự án khác do huyện làm chủ đầu tư với tổng chiều dài gần 300 km, tổng số vốn lên đến 986 triệu đồng.

Đến nay, ô tô đã vào đến hầu hết trung tâm các xã, các thị tứ, cụm dân cư chính. Trong mạng lưới giao thông miền Tây, ngoài 2 trục đường ngang Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh,Quốc lộ 7 nối Cửa khẩu Nậm Cắn thuộc địa bàn Kỳ Sơn, Quốc lộ 46 nối Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương), Quốc lộ 48 kéo dài qua xã Thông Thụ (Quế Phong) tiếp giáp với nước bạn Làolà hệ thống xương sống để từ đó hình thành hệ thống đường ngang nối các vùng miền với nhau.



Thi công tuyến đường Tây Nghệ An

Một trong những đường ngang quan trọng là tuyến Tây Nghệ An, với chiều dài 284 km đi qua các huyện Quế Phong - Tương Dương - Kỳ Sơn, có tổng mức đầu tư hơn 2 ngàn tỷ đồng. Giai đoạn 1 với 78 km bắt đầu từ bản Pảng (Thanh Hóa đến xã Tri Lễ(Quế Phong) đã đưa vào sử dụng ; giai đoạn 2 triển khai từ tháng 1/2010 đến nay đã thông tuyến đến Kỳ Sơn; rồi đường Châu Thôn - Tân Xuân điểm đầu là xã Châu Thôn - điểm cuối nối với đường Hồ Chí Minh tại xã Tân Xuân huyện (Tân Kỳ), có tổng mức đầu tư hơn 548 tỷ đồng, đi qua các huyện Quế Phong - Quỳ Châu - Quỳ Hợp - Tân Kỳ. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, khi hoàn thành sẽ tạo đà cho khu vực kinh tế giàu tiềm năng nhất của miền Tây Nghệ An.Giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành với tổng chiều dài gần 40 km; giai đoạn 2 đã triển khai từ tháng 1/2010. Rồi đường nối QL 7 nối Quốc lộ 48 với tổng chiều dài toàn tuyến 107 km, qua các huyện Tương Dương - Con Cuông - Quỳ Hợp với tổng mức đầu tư hơn 639 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.


Ngoài 3 dự án lớn nói trên, khu vực miền Tây đang còn các dự án khác như: Đường vào trung tâm Bắc Lý, Mỹ Lý, Dự án Quốc lộ 48 kéo dài từ Kim Sơn đi Cửa khẩu Thông Thụ với chiều dài hơn 54 km... tạo sự liên kết chặt chẽ trong nội vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội ở đây phát triển. Hệ thống giao thông được nâng cấp đã cải thiện một phần đáng kể đời sống của bà con vùng sâu vùng xa. Cách đây khoảng 5 năm, từ thị trấn Kim Sơn vào xã Thông Thụ (Quế Phong) với quãng đường hơn 40 km mà "con" U oát phải "bò" gần nửa ngày trời mới vào đến nơi, thì nay chỉ cần hơn 1 tiếng đồng hồ là đã ung dung có mặt tại trung tâm xã.

Còn xã Tri Lễ cách thị trấn 50 km, xe ca ngày 2 chuyến ra vào trong buổi sáng. Giao thông phát triển thuận tiện kéo theo đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Người Mông ở Tri Lễ tiếp cận được với khoa học kỹ thuật sản xuất lúa nước mỗi năm 2 vụ chắc ăn. Lần đầu tiên, một dự án nuôi cá lồng trên hồ Kẽm Ải bằng thức ăn tự sản xuất của bà con người Thái ở đây đã thành công. Đó là những minh chứng cho sự đổi thay của miền Tây, trong đó có sự đóng góp to lớn của hệ thống giao thông. Giao thông đi đến đâu thì ở đó hình thành các cụm dân cư, thị tứ như Thông Thụ, Châu Thôn (Quế Phong), Mường Lống (Kỳ Sơn)...


Theo đánh giá chung, nhờ phát triển giao thông mà ngành CN khai thác mỏ của Nghệ An tăng nhanh, bình quân gần 20%/năm, góp phần thúc đẩy khai thác tiềm năng miền Tây Nghệ An với 113 vùng mỏ lớn nhỏ, 171 điểm quặng với nhiều loại có trữ lượng lớn như đá vôi, đá trắng... để từ đây hình thành nên vùng công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Nghệ An sẽ trở thành một trung tâm sản xuất xi măng của cả nước với sản lượng hàng chục triệu tấn/năm.


Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hiệu quả của hệ thống giao thông đã góp phần hình thành vùng trồng cây công nghiệp mía, sắn, trồng rừng nguyên liệu. Hiệu quả của các loại cây trồng này đem lại đã giúp cho một bộ phận cư dân miền núi Nghệ An xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu một cách bền vững...


Từ những kết quả trên, có thể cho thấy hệ thống hạ tầng giao thông đã tác động mạnh mẽ đến việc phát triển KT-XH miền Tây, giúp cho khu vực này đẩy nhanh tốc độ phát triển.


Công Sáng