Bài 3: Kiểm dịch bằng... thị giác và khứu giác?

20/04/2012 18:01

Hiện công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ta vẫn bị đánh giá là một khâu còn yếu. Nhiều lò mổ được xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả, lò mổ tự phát mọc lên như nấm, thịt động vật, gia cầm được kiểm tra theo quy trình... ngược, thậm chí không qua kiểm tra vẫn bày bán công khai.

(Baonghean) - Hiện công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ta vẫn bị đánh giá là một khâu còn yếu. Nhiều lò mổ được xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả, lò mổ tự phát mọc lên như nấm, thịt động vật, gia cầm được kiểm tra theo quy trình... ngược, thậm chí không qua kiểm tra vẫn bày bán công khai.

Theo thống kê, trên địa bàn TP. Vinh hiện có 13 chợ lớn và nhiều chợ cóc, chợ tạm. Mỗi ngày, người dân TP Vinh tiêu thụ trên 40 tấn thịt lợn, 13,5 tấn thịt trâu, bò và khoảng gần 1 tấn thịt gia cầm. Thế nhưng, số thịt trên đa phần được đưa từ các huyện phụ cận về tiêu thụ tại thành phố, các lò mổ trên địa bàn thành phố hoặc hoạt động nhỏ lẻ hoặc đã "đắp chiếu" từ lâu. Ông Nguyễn Tiến Đức - Trạm trưởng Trạm Thú y TP. Vinh cho biết: Thành phố hiện có 6 lò mổ gia súc tập trung được cấp phép hoạt động, nhưng hiện tại chỉ có lò mổ tại xã Hưng Chính đang hoạt động và mỗi ngày cũng chỉ mổ từ 28-30 con lợn. Các lò mổ khác, hoặc đã xuống cấp hoặc nằm quá gần khu dân cư, gây ô nhiễm, vướng quy hoạch nên đã ngừng hoạt động. Gần như phường nào trên địa bàn thành phố cũng có lò mổ tự phát, nhưng UBND các phương gần như buông lỏng, không quản lý. Việc kiểm soát sản phẩm thịt động vật và thịt gia cầm từ các huyện "tuồn" về thành phố thường căn cứ theo con dấu và biên lai thu lệ phí của các cơ quan chức năng cấp huyện chứng nhận. Các sản phẩm do các lò mổ tự phát đem đến chợ thường phải làm theo quy trình ngược, tức là, cán bộ Trạm Thú y thành phố trực tiếp đem con dấu đến chợ, dùng "mắt thường" và khứu giác để kiểm tra sản phẩm đã giết mổ, sau đó đóng dấu, thu tiền...

Ở TP. Vinh đã vậy, các chợ nông thôn, việc đóng dấu cho sản phẩm thịt động vật dường như là vấn đề xa. Thịt không đóng dấu vẫn được bán - mua và sử dụng bởi lâu nay người dân đã quen với phương thức trao đổi, mua bán như thế. Công tác kiểm soát giết mổ ở tỉnh ta lâu nay vẫn chỉ quen làm phần ngọn, hay nói cách khác, công tác này đang bị thả nổi.



Lò mổ Nghi Phú hoạt động "èo uột"

Với việc 5/6 lò mổ tại TP. Vinh phải "đắp chiếu" vì nhiều lý do, mới đây, UBND TP. Vinh đã phê duyệt đề án: Quản lý giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn TP. Vinh. Là trung tâm thương mại của cả tỉnh, việc lập lại trật tự trong công tác giết mổ gia súc, gia cầm tại TP. Vinh là việc làm hết sức cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả công tác ATVSTP, không chỉ TP. Vinh mà các huyện cũng cần tiến hành đồng bộ, chỉ như thế sản phẩm khi lưu chuyển, thông thương trên địa bàn các huyện trong tỉnh mới dễ kiểm soát.

Ông Trần Minh Hạnh - Chi cục phó Chi cục Thú y Nghệ An cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 68 lò mổ đã được xây dựng, nhưng chưa đến 1/3 số lò trên hoạt động. Đa phần các lò mổ đều không thu hút được người dân vào mổ gia súc, gia cầm nên thường mổ tại gia, không kiểm soát được dịch bệnh, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát giết mổ.

Mặc dù các cá nhân, tổ chức được ưu đãi nhiều về cơ chế chính sách khi xây dựng các lò mổ tập trung nhưng chi phí đầu tư mở lò mổ lớn, ý thức của người dân trong việc mổ tập trung lại chưa cao, khả năng thu hồi vốn chậm, thậm chí bị thua lỗ nên nhiều lò ngừng hoạt động. Nhiều lò mổ tự phát xuất hiện đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số huyện chưa có lò mổ và cũng chưa tiến hành kiểm tra trước và sau khi mổ như: Thanh Chương, Nghi Lộc, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn... Mới đây, UBND tỉnh có Chỉ thị 19 triển khai xây dựng và vực dậy một số lò mổ trên địa bàn tỉnh, nhưng công tác triển khai sẽ gặp khó khăn nếu người dân không tự giác thực hiện Pháp lệnh Thú y về kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Chỉ khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ý thức cao của người tiêu dùng và đặc biệt là lương tâm của người sản xuất, chế biến, chúng ta mới hy vọng giảm thiểu những điều đáng tiếc xẩy ra do sử dụng thực phẩm không an toàn.
(Còn nữa)


Võ Văn Dũng