Những hối hận muộn màng

19/03/2012 22:05

(Baonghean) - Một đời lo toan, mải mê với việc kiếm tiền, những mong có ngày cuộc sống được sung túc, con cái được học hành thành đạt; người thì nặng gánh hơn khi gia đình tan vỡ, một mình bươn chải vừa làm bố, vừa làm mẹ; người khác nữa thì cuốn theo con đường công danh, sự nghiệp... Một ngày kia bỗng giật mình khi những đứa con mới ngày nào còn nằm trong vòng tay mình đã lớn. Câu chuyện những đứa trẻ tập làm người lớn khi thiếu vắng sự quan tâm, sẻ chia của bố mẹ, để lại những hậu quả đau lòng... đã khiến không ít những bậc làm cha mẹ rơi nước mắt trong những vò xé, hối tiếc khôn cùng...

(Baonghean) - Một đời lo toan, mải mê với việc kiếm tiền, những mong có ngày cuộc sống được sung túc, con cái được học hành thành đạt; người thì nặng gánh hơn khi gia đình tan vỡ, một mình bươn chải vừa làm bố, vừa làm mẹ; người khác nữa thì cuốn theo con đường công danh, sự nghiệp... Một ngày kia bỗng giật mình khi những đứa con mới ngày nào còn nằm trong vòng tay mình đã lớn. Câu chuyện những đứa trẻ tập làm người lớn khi thiếu vắng sự quan tâm, sẻ chia của bố mẹ, để lại những hậu quả đau lòng... đã khiến không ít những bậc làm cha mẹ rơi nước mắt trong những vò xé, hối tiếc khôn cùng...


Nỗi đau người mẹ


Mấy ngày nay, trong lòng chị T.T.H, mẹ cháu C.T.D (học sinh lớp 12 Trường THPT Diễn Châu 2) như có muối xát. Sao không đau khi đứa con gái đầu lòng đã đăng ký hồ sơ thi đại học, là nguồn hy vọng của chị một ngày tới lớp bỗng... trở dạ và sinh cháu tại bệnh viện? Vừa bất ngờ, uất giận, lại vừa phải chống đỡ với dư luận, nhiều lúc chị tưởng mình ngã quỵ. Mấy đêm rồi, chị nằm giấu mặt vào bóng tối, nghẹn ngào: Mình đã sai ư? Nghe tiếng trẻ khóc, nghe tiếng con trở mình trên giường, chị như muốn hét lên cho vợi đi trĩu nặng. Chị vùng dậy, gọi điện không được, chị nhắn tin cho bạn trai của con gái, người bạn trai của con mà chị cũng chưa biết mặt và không rõ nó ở phương nào, chỉ biết qua lời con kể. Để rồi, lại sụp xuống vì biết mọi nỗ lực bé nhỏ để cứu vớt danh dự cho con mình cũng chỉ là tình thế. Làm sao trả cho chị đứa con ngoan hiền ngây thơ ngày nào, làm sao để nó tìm được hạnh phúc, làm sao đây?




Một buổi nói chuyện của cán bộ Trung tâm CSSKSS tỉnh về giới tính, SKSS trong trường học

Cả một quãng đời, chị tảo tần chạy chợ với mẹt bánh rán để nuôi gia đình với 3 đứa con tuổi ăn, tuổi học. Khi cháu D, con đầu bước vào tuổi dậy thì là lúc chị H quyết định đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan để mong kiếm thêm tiền trang trải. Tháng 7/2009 chị về nước, không ngờ từ đây, tình cảm vợ chồng chị rạn nứt. Chị và chồng đã chia tay, chồng chị hiện nay cũng đã có mái ấm riêng, còn 3 người con hiện vẫn ở cùng mẹ. Chị vẫn chọn việc chạy chợ, bán bánh để nuôi con...


Khi sự việc xảy ra, chị H nhận được không ít lời trách cứ: Con gái mang thai mà mẹ cũng không hề hay biết! Và những ngày này, chị cũng luôn tự trách mình. "Thì rõ là tôi đã không hiểu được con bé, không biết được nó đã sống như thế nào, bè bạn ra sao. Thỉnh thoảng, có nhắc nhở, răn đe con thì chỉ là những câu dọa dẫm muôn thuở, chỉ để nhận sự chống đối chứ không nhận được sự sẻ chia...".


Cũng như chị H, chị N.T.L ở phường Hà Huy Tập (TP.Vinh) đã trải qua biết bao nhiêu tháng ngày đau đớn, dằn vặt khi đứa con gái mà mình hết lòng hy vọng, tin tưởng phải đưa tới phòng khám sản để giải quyết cái thai 7 tuần khi cháu đang học lớp 11 (Trường THPT H.T.K- TP.Vinh). Chồng mất sớm, chị hiện là một cán bộ đã nghỉ hưu, một mình nuôi 2 con (một người đang học đại học ở Hà Nội). Khi thấy con gái có những biểu hiện khác thường, chị gặng hỏi mãi rồi không tin được khi cháu nhận là đã "yêu" một bạn trai cùng trường. Chị tâm sự cùng các bác sỹ: "Nhà chỉ có 2 mẹ con, bản thân cháu không thấy chơi bời nhiều, vậy mà...". Từ khi sự việc xảy ra, chị luôn lo lắng, mất ăn, mất ngủ. "Lo rằng mình không đủ sức quản lý được con những lúc nó rời mình ra ở trên lớp, lo rằng nó lại sa chân và trượt dài, lo tâm lý nó không ổn định, lo nó mất niềm tin... Giá mà tôi biết nghĩ đến chuyện này sớm hơn".


Lời cảnh báo


Đến với Trung tâm CSSKSS tỉnh mới thấy, còn nhiều nữa những câu chuyện đau lòng, nhiều nữa những bi kịch nảy sinh trong gia đình khi "trẻ con tập làm người lớn". Cách đây không lâu, phòng khám của Trung tâm tiếp nhận một cháu gái 14 tuổi, đang là học sinh THCS ở Quỳnh Lưu. Cháu được cả bố và mẹ đưa đến Trung tâm siêu âm và phát hiện đã mang thai ở tuần thứ 24. Hỏi chuyện được biết, bố mẹ cháu mải mê buôn bán, ít quan tâm đến con cái, cháu đã có quan hệ với một người lớn tuổi cùng làng. Vì là người theo đạo công giáo, hơn nữa, cái thai đã quá lớn, gia đình cháu đã quyết định để cháu sinh con và chấp nhận bỏ học. Một cháu khác, đang là học sinh THPT tại Yên Thành, tìm đến Trung tâm với một cô bạn thân. Cháu xin được chấm dứt thai kỳ khi thai được 9 tuần tuổi. Hỏi chuyện, sau một hồi quanh co, cháu đành thú nhận rằng bố mẹ mình không hề biết gì về cuộc sống riêng của cháu, kể cả việc cháu xuống đây xin "giải quyết". Có trường hợp cháu bé 13 tuổi ở Yên Thành được cô giáo đưa xuống và "bảo lãnh" để "giải quyết". Cháu đã xin cô giáo không nói cùng bố mẹ vì "nếu bố, mẹ biết, cháu không sống nổi"...


Các y, bác sỹ của Trung tâm cho biết đã chứng kiến không ít lần những cú sốc của các bậc phụ huynh khi đưa con tới đây và nghe kết luận: Cháu đã làm mẹ. Nhiều người không tin nổi, ngất xỉu, cũng có người ngồi lặng và chảy dài nước mắt...


Theo bác sỹ Phan Thanh Hải- Phó khoa CSSKSS vị thành niên và Nam học thì trong những lớp học tư vấn về SKSS vị thành niên được tổ chức tại các trường học, các anh được nghe rất nhiều thắc mắc của các em về rất nhiều vấn đề. Có thể thấy sự hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản của các em còn rất hạn chế. Cũng theo bác sỹ Hải, các bậc làm cha, làm mẹ cần lưu ý đến 3 giai đoạn phát triển quan trọng của con mình: từ 10-13 tuổi, đây là lứa tuổi có nhiều tò mò, các cháu khao khát tìm hiểu nhưng chưa dám hành động; từ 14- 16 tuổi là giai đoạn tìm tòi, khám phá, muốn thử nghiệm nhưng lại chưa hiểu, chưa lường được hậu quả (giai đoạn này cần được đặc biệt lưu tâm); từ 16-19 tuổi thì có hành động và có lường hậu quả. Là người trực tiếp khám và tư vấn, bác sỹ Hải cũng đã gặp không ít ca bệnh lây qua đường tình dục ở các nam sinh. Đây cũng thêm một lời cảnh báo tới các bậc cha mẹ.

Để không rơi


Giọt nước mắt muộn màng


Trở lại với câu chuyện của cháu C.T.D làm xôn xao dư luận những ngày qua, nhiều người đã đặt câu hỏi với các thầy cô, ngành Giáo dục. Chính cô chủ nhiệm của D cũng như nhiều bạn học trong lớp không biết D đang mang thai và quả thật đây cũng là chuyện xảy ra "ngoài tầm kiểm soát của nhà trường". "Việc làm trước hết của ngành sẽ là đưa giáo dục kỹ năng sống và sức khỏe sinh sản tới các trường học"- ông Nguyễn Trọng Hoàn- Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết.


Còn theo bác sỹ Phan Thanh Hải, hiện nay các anh cũng đang gặp khó khăn khi tìm cách "đả thông" tư tưởng của các bậc phụ huynh cũng như không ít các thầy cô giáo khi có ý định tổ chức trò chuyện, tư vấn về giới tính và SKSS trong trường học. Có nhiều phụ huynh còn cho rằng: không nên vẽ đường cho hươu chạy, nhẹ hơn, có người cho rằng đây là các vấn đề nhạy cảm, nên né tránh. Anh Hải cũng cho biết, khi tư vấn cho nhiều bà mẹ mang nỗi lo sẽ mất kiểm soát với con cái, anh cũng lưu ý các chị không nên đổ vai trò "theo dõi" trẻ lên vai các thầy cô. Vì các thầy cô không chỉ bao quát một lớp có rất nhiều học sinh, mà hiện nay, các em lại có nhận thức rất rõ về quyền của mình. Việc quản lý, theo dõi và cấm đoán từ thầy cô sẽ gây nên những tác động không tốt, thậm chí đôi khi phản tác dụng. Vì vậy, cần có sự phối hợp khéo léo và hợp lý giữa phụ huynh và nhà trường.


Dù có nói gì đi nữa, thì trách nhiệm lớn nhất trong chuyện định hướng, nuôi dạy con cái "đi đúng đường" chính là ở các bậc phụ huynh. Trên thực tế thì đối với chị T.T.H, những ngày qua, không chỉ phải chịu sự chỉ trích của dư luận mà sâu thẳm là những dằn vặt từ chính lương tâm mình. Để không phải rơi những giọt nước mắt muộn màng, những bậc làm cha mẹ, ngay từ hôm nay, hãy tập làm bạn của con mình, chia sẻ với chúng và cho chúng cơ hội chia sẻ. Đừng để "vì mải lo chuyện lớn" mà để những đứa con dần tuột khỏi vòng tay mình khi chúng chưa kịp trưởng thành, khôn lớn...


Thùy Vinh