Phải nhận thức sâu, quyết tâm cao và biện pháp đúng

29/03/2012 17:51

(Baonghean) - Như chúng ta biết, năm 1927, sau hàng chục năm bôn ba khắp các châu lục, Bác Hồ trở về nước và dừng chân tại Trung Quốc mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ cách mạng nước ta. Trong tác phẩm "Đường cách mạng" mà Người dùng để giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, Bác Hồ hết sức coi trọng và đặt lên hàng đầu là "Tư cách một người cách mạng", Người chỉ rõ: "Tự mình phải: Cần, kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình... Nói thì phải làm... ít lòng tham về vật chất..." (1).

Hơn 15 năm sau, khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm vạch rõ những suy thoái của một số cán bộ, đảng viên và cảnh báo hai nguy cơ đối với một Đảng cầm quyền: một là, sai lầm về đường lối; hai là, sự suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên.




Cán bộ UBND và Ban quản lý HTX nông nghiệp Nam Thịnh (xã Diễn Thịnh, Diễn Châu) kiểm tra tình hình phát triển lạc xuân. Ảnh: Trần Cảnh Yên.

Đảng ta, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hơn 82 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh. Với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dày dạn kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng. Những thắng lợi to lớn đó, yếu tố quyết định trước hết thuộc về nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó, có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.


Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã phạm phải những khuyết điểm sai lầm, trong đó, có một số khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng. Mỗi lần như vậy, Đảng ta thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ, dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm để trở thành một Đảng mạnh, đáp ứng lòng tin của nhân dân ta.


Đặc biệt, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã được Bác Hồ và Đảng ta cảnh báo từ lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tư cách của Đảng chân chính cách mạng chỉ có được nhờ Đảng thường xuyên chăm lo xây dựng và chỉnh đốn. Chỉnh đốn Đảng được Người đề cập trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10/1947).


Sau cải cách ruộng đất, mặc dầu trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng ta đã đề ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 khóa III (12/1974). Và, sau 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất đi lên CNXH, mặc dầu trong muôn vàn khó khăn, mất mát hy sinh, nhưng Đảng ta tiếp tục đề ra nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa IV (7/1978); Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII (6/1992); Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng (7/1994), Đảng đã bổ sung và xác định 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ về sự suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII (6/1997); Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII (2/1999)... Như vậy, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là chuyện cũ, nói mãi và trở thành một căn bệnh lâu năm. Nếu không được chữa trị thì nó có nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Hậu quả đầu tiên là làm cho khoảng cách giữa Đảng và nhân dân ngày càng giãn ra và niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng giảm xuống một cách nghiêm trọng.


Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư B.C.H Trung ương Đảng khóa XI (12/2011) lần này, biểu thị quyết tâm cao của Đảng ta đối với việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.


Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, cũng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.


Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.


Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.


Để có một phương pháp đúng không đơn giản, vì mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế của nó. Nhưng đối với 3 vấn đề trên thì chúng ta phải thực hiện các nhóm giải pháp về xây dựng Đảng, cụ thể là:


Thứ nhất là, nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên.


Thứ hai là, nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng


Thứ ba là, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách.


Thứ tư là, nhóm giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng


Mục đích thực hiện 4 nhóm giải pháp nói trên là nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, cần phải tiến hành một cách đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào việc cần thiết, cấp bách và có thể làm ngay trên cơ sở thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, các quy định của pháp luật; dựa vào sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân, của báo chí, công luận và phát huy trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải có lòng tự trọng cao đối với Đảng mỗi khi Đảng bị xúc phạm, phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay. Từ đó, thấy được trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự nguyện, tự giác làm.


Về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách thì cần phải làm một cách khoa học, thường xuyên, kiên quyết, khéo léo, phù hợp với từng loại đối tượng, lấy nguyên tắc tự phê bình và phê bình làm quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên.

Tiến hành phê bình thật nghiêm túc, mạnh dạn, thẳng thắn, chân thành với tinh thần biết mình, biết ta, tránh trường hợp "được lòng quan mà mất lòng dân". Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi ca tụng lẫn nhau, cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng, "phải thực hành dân chủ rộng rãi và có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" (2) như Bác Hồ từng căn dặn.

Đồng thời, cần tuyên truyền, biểu dương kịp thời những người tốt, việc tốt trong công tác xây dựng Đảng và sinh hoạt đời sống nói chung. Phát hiện, phê phán, lên án các hành vi, biểu hiện sai trái của cán bộ, đảng viên. Chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo, phản động của các thế lực thù địch nhằm chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, phải tỉnh táo, bình tĩnh phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng, trong nội bộ nhân dân.


Để làm tốt ba vấn đề cấp bách mà Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đề ra, chúng ta cần phải học tập nghiêm túc hơn và thiết thực hơn việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hiểu sâu sắc hơn năm điểm lớn trong chuẩn mực đạo đức của Bác Hồ, là: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Đúng như Bác Hồ từng khẳng định : "Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người" (3).

_______

(1) Tư cách một người cách mạng- Tác phẩm "Đường cách mạng" của Hồ Chí Minh.

(2) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, T14,tr58.


Bùi Đình Sâm