Tinh hoa nghề chạm khắc gỗ

27/04/2012 17:49

(Baonghean.vn) -

Những năm gần đây, những người thợ chạm khắc gỗ đến từ các làng nghề ở miền Bắc đã lập nghiệp và phát triển nghề truyền thống trên đất Thành Vinh.

Trên con đường Lê Viết Thuật (xã Hưng Lộc, TP Vinh), luôn rộn rã những tiếng đục tiếng chàng, tiếng lạo xạo của giấy giáp, bào, cưa... phảng phất mùi thơm của gỗ, mùi hăng hăng của nước sơn từ các cơ sở chạm khắc gỗ nằm bên đường.

Đến tham quan tại nhà xưởng, chúng tôi được biết phần đông cánh thợ đều xuất thân từ những làng nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng ở miền Bắc như Phù Khê (Từ Sơn- Bắc Ninh), Thiết Ưng (Đông Anh-Hà Nội), La Xuyên (Ý Yên-Nam Định)... Trên con đường lập nghiệp, họ mang theo nghề “cha truyền con nối” và dừng chân tạo dựng tại TP Vinh.




Nghề chạm khắc gỗ thu hút nhiều thanh niên với thu nhập ổn định.

Anh Đặng Văn Dũng - chủ cơ sở đến từ Hải Dương, cho biết: Quê tôi có làng nghề khắc gỗ Đông Giao, tôi đã làm quen với nghề từ ngày học cấp I. Năm 2007, khi vào Vinh thăm người bà con và nhận thấy nơi đây có cơ hội phát triển, vợ chồng tôi đã quyết định ở lại, thuê nhà xưởng mở cơ sở này. Nghề điêu khắc đòi hỏi người thợ phải tập trung vào hình tượng và gửi gắm tâm hồn mình vào tác phẩm, lúc ấy mới thật sự có tác phẩm đẹp. Vì là hàng thủ công mỹ nghệ nên quy trình làm ra sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn; từ tạo hình ban đầu đến trau chuốt hoàn thiện, khâu nào cũng đòi hỏi tính cẩn trọng và trí sáng tạo. Làm ra sản phẩm giống với bản mẫu là không khó, nhưng để truyền được cái hồn, cái thần thái cho sản phẩm sống động thì không phải người thợ nào cũng làm được. Ngoài năng khiếu, người thợ phải được đào tạo bài bản qua trường lớp hoặc trải qua thời gian dài học việc tại các làng nghề thì mới có khả năng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, độc đáo, làm hài lòng khách hàng.

Chỉ tay vào đống gỗ ngổn ngang trước sân, anh Dũng cho biết thêm: Đó là những “đơn đặt hàng” của cơ sở tôi trong năm nay. Hơn 30 gốc cây đủ loại được đưa đến từ đầu năm; có khách yêu cầu chúng tôi chế tác tượng La hán, tứ linh, sư tử hí cầu; cũng có khách muốn tạc theo trường phái mỹ thuật Phương Tây như tượng thần vệ nữ, em bé hài đồng... Đa phần những cơ sở chạm khắc gỗ ở thành phố Vinh có quy mô nhỏ lẻ, mỗi cơ sở thường chỉ có 1- 2 nghệ nhân cùng dăm ba thợ phụ, và để có thợ lành nghề chúng tôi thường phải về quê để kiếm tìm, đưa họ vào đây cùng nhau lập nghiệp...

Ngày nay, khi đời sống kinh tế của người dân được nâng cao thì nhu cầu sử dụng, thị hiếu về các mặt hàng điêu khắc bằng gỗ trong trang trí nội thất ngày càng thay đổi và thịnh hành. Hầu hết các cơ sở chạm khắc gỗ đều không mang tên gọi, biển hiệu nhưng nhờ những người trong giới sành chơi giới thiệu cho nhau nên luôn kín đơn đặt hàng.

Theo anh Nguyễn Văn Tuân (quê ở Nam Định), có cơ sở chạm khắc gỗ đặt tại xóm Hùng Tiến, xã Hưng Lộc: Nghề chạm khắc gỗ cũng có nhiều dạng khác nhau, như chạm lộng, chạm chìm, chạm xếp lớp, chạm chấm phá, nét trầm phù... Nhiều người đưa gỗ tới đặt hàng theo yêu cầu, nhưng cũng có người nhờ tư vấn về chất liệu gỗ và kiểu dáng. Khi có đơn đặt yêu cầu các loại gỗ quý như pơmu, mun, cẩm lai, giáng hương... tôi phải lùng mua từ nơi khác mang về.

Tuỳ theo mức độ khó của hoa văn, chất liệu gỗ, công lao động và độ “yêu thích” của khách hàng mà chúng tôi đưa ra giá thành. Tiền công một bức tranh phong cảnh đồng quê với chiều dài 1,8m, chiều rộng1,2m thì khách hàng phải trả không dưới 30 triệu đồng; hay một bộ bàn ghế làm từ gốc cây trắc, trạm trổ hình con hổ và đại bàng với nội dung “Anh hùng tương ngộ” cuối năm ngoái có giá 20 triệu đồng, nhưng đến thời điểm này đã giá đã tăng lên khoảng 25 triệu đồng. Và người thợ cũng được trả công tương xứng với trình độ tay nghề của mình, thợ lành nghề được trả từ 200.000- 250.000đồng/ngày, thợ thô (chuyên làm sạch, đánh bóng sản phẩm...) thì được trả từ 80.000 - 100.000 đồng/ngày.


Chia tay những người thợ chạm khắc gỗ, chúng tôi không khỏi khâm phục trước những bàn tay, khối óc của các nghệ nhân, những người đã góp phần làm nên những tác phẩm đẹp, tôn vinh nghề mộc dân tộc.


Ngọc Anh