Xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững

12/03/2012 09:41

(Baonghean) Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí THÁI VĂN HẰNG - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào, tỉnh Nghệ An.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những nét chính trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam - Lào trong thời gian qua?


Đồng chí Thái Văn Hằng: Thực hiện Quyết định số 137/QĐ-TTg ngày 30/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam - Lào, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, khẳng định tính pháp lý về chủ quyền lãnh thổ của 2 quốc gia, thể hiện sự nhất trí cao của lãnh đạo và nhân dân hai nước về quyết tâm xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.



Các chiến sỹ Đồn BP Na Loi chào cờ trước cột mốc số 400 của Tổ quốc.
Ảnh: Hải Thượng


Đầu năm 2008, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào tỉnh Nghệ An, gồm 22 người, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Các thành viên BCĐ gồm đại diện các sở, ngành, đơn vị có liên quan, đại diện lãnh đạo các huyện có chung đường biên giới với Lào; thành lập Nhóm chuyên viên giúp việc của Cơ quan thường trực BCĐ gồm 8 cán bộ các sở, ngành: Xây dựng, Tài chính, BCH Biên phòng tỉnh, do 1 đồng chí chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh làm trưởng nhóm.


Sở Ngoại vụ được thành lập và chính thức tiếp nhận là Cơ quan Thường trực của BCĐ cắm mốc tỉnh từ tháng 8/2011, có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho BCĐ triển khai, thực hiện toàn diện công tác cắm mốc.


Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng Nghệ An là đơn vị được UBND tỉnh chọn thực hiện nhiệm vụ tư vấn xây dựng mốc giới, đã thành lập Tổ cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào, do đồng chí Phó Viện trưởng trực tiếp phụ trách; các thành viên tham gia đều là những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm, có sức khoẻ, nhiệt tình trong công việc đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. UBND tỉnh cũng đã cử 1 đồng chí Phó phòng Sở Tài chính biệt phái sang BCĐ đảm nhiệm chức vụ kế toán trưởng.


Từ tháng 12/2008, Đội cắm mốc đầu tiên (nay gọi là Đội cắm mốc số 1) được thành lập, với biên chế 18 người. Đến tháng 10/2010, do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ công tác cắm mốc, trên cơ sở đề nghị của Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh Nghệ An, Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới quốc gia hai nước Việt Nam - Lào đã quyết định thành lập thêm Đội cắm mốc số 2.


Với đặc thù công tác cắm mốc có nhiều khó khăn, phức tạp, thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, núi cao, suối sâu, địa bàn biên giới xa xôi, hẻo lánh, nhưng nhờ sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của các thành viên BCĐ, đặc biệt hai đội cắm mốc, cơ quan tư vấn và cán bộ các sở, ngành tham gia các đoàn khảo sát; sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An; Các sở, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương có liên quan luôn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho BCĐ cắm mốc tỉnh Nghệ An tổ chức, chỉ đạo các Đội cắm mốc và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới.


PV: Thưa đồng chí, để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, BCĐ đã triển khai những biện pháp cụ thể nào?


Đồng chí Thái Văn Hằng: Nhằm thực hiện tốt kế hoạch tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam - Lào, BCĐ đã có nhiều giải pháp cụ thể triển khai nhiệm vụ cắm mốc, thể hiện trên các mặt sau:


- Về tuyên truyền vận động: Ngay từ những ngày đầu, BCĐ cắm mốc tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện công tác tuyên truyền, đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân khu vực biên giới. Theo đó, lực lượng BĐBP tỉnh thường xuyên cử cán bộ bám nắm địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở, các đồn, tổ, đội công tác biên phòng tổ chức tuyên truyền cho bà con các dân tộc vùng biên giới biết chủ trương của hai Đảng, hai nhà nước về việc thực hiện công tác tăng dày mốc giới Việt Nam – Lào để nhân dân đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ trong quá trình thực hiện.


- Về xây dựng chương trình công tác để lãnh đạo, chỉ đạo: UBND tỉnh đã báo cáo Tỉnh ủy đưa nhiệm vụ công tác cắm mốc vào Chương trình làm việc năm 2011 của BTV Tỉnh ủy và đã được cụ thể hoá bằng Chương trình làm việc số 04–T/TU ngày 22/2/2011, theo đó, UBND tỉnh đưa vào Chương trình công tác năm 2011 tại Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 25/1/2011. UBND tỉnh đã chỉ đạo các thành viên BCĐ – là phó bí thư huyện uỷ, chủ tịch UBND các huyện biên giới đưa nhiệm vụ cắm mốc vào chương trình công tác từng thời kỳ của UBND huyện.


- Việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ: Chỉ đạo các sở, ngành, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, BCH Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương giáp biên giới thường xuyên trao đổi thông tin kinh nghiệm công tác, cùng thống nhất để tham mưu xử lý những vấn đề còn tồn tại.


Đặc biệt, công tác phối hợp đối với các tỉnh có chung đường biên giới của nước bạn là một việc được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, không những phục vụ công tác cắm mốc mà còn thắt chặt mối đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, trên cơ sở 2 bên cùng có lợi. BCĐ cắm mốc tỉnh và 2 Đội cắm mốc đã thường xuyên liên hệ với BCĐ cắm mốc, Đội cắm mốc 3 tỉnh của Lào (Bô ly khăm xay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn) để tổ chức Hội nghị giao ban định kỳ và đột xuất để xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.


- Đẩy nhanh tiến độ khảo sát đơn phương và song phương, rút ngắn thời gian lập hồ sơ xây dựng mốc, tranh thủ khi điều kiện thời tiết cho phép để tổ chức vận chuyển vật liệu và cột mốc, phối hợp chặt chẽ với Bạn để giám sát thi công xây dựng mốc, đảm bảo cắm mốc chính xác vị trí, hướng mốc, an toàn cho người, mốc giới và trang thiết bị... đẹp về cảnh quan


PV: Như đồng chí đã cho biết, theo kế hoạch của UBLH phân giới cắm mốc hai nước Việt Nam - Lào, phấn đấu đến hết quý IV/2012 sẽ hoàn thành công tác cắm mốc trên thực địa, BCĐ tỉnh đã có những phương hướng, kế hoạch gì để hoàn thành công tác này?

Đồng chí Thái Văn Hằng: Nhiệm vụ tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam - Lào luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền ở cả Trung ương và địa phương. Hai đội cắm mốc đã được ổn định về tổ chức, biên chế, có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ và có nhiều nhiệt huyết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu cao. Tuy nhiên, các mốc Quốc giới còn lại phần lớn là ở xa, địa hình hiểm trở, nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự... Bởi vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, BCĐ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm cơ bản như sau:


- Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc chủ trương của hai đảng, hai nhà nước, kế hoạch của Ủy ban liên hợp hai nước, của BCĐ cắm mốc quốc gia về nhiệm vụ công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam - Lào.

- Tăng cường hơn nữa việc phối hợp với BCĐ, Đội cắm mốc 3 tỉnh bạn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác cắm mốc, đặc biệt đối với các nội dung công việc liên quan đến hoạt động song phương


- Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo, đôn đốc các đồn biên phòng tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ các lực lượng thực hiện công tác cắm mốc; thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, tuần tra, kiểm soát theo quy định.


- Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ cho việc xây dựng mốc


- Chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương, các lực lượng tham gia cắm mốc tập trung cao độ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện khảo sát, thi công xây dựng mốc theo đúng thời gian, yêu cầu đề ra; triển khai thẩm định phê duyệt quyết toán, lập hồ sơ mốc giới đối với các mốc đã xây dựng xong theo quy định.


PV: Xin cảm ơn đồng chí!


Trần Hải (thực hiện)