Bài 1: Hải trình vươn khơi

27/03/2012 16:23

(Baonghean) - "Xa khơi khai thác hải sản có ba nghề chính: Vây, chụp và giã. Ngư dân Quỳnh Long nổi tiếng với nghề vây... Tọa độ 18o55 - 106o52. Đã khơi rồi! Gió lồng lộng. Biển bao la. Chợt lóe lên một chút ánh dương, chân trời phía Tây là một dải nhỏ lăn tăn dát bạc. Sóng biển rì rào êm ái. Một ngày biển ắng..."


Liên hệ mãi mới được cái hẹn để theo một chuyến bám biển đánh bắt xa bờ cùng bà con ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu). Bắt xe thẳng tuyến Vinh - Quỳnh Long ra đến trụ sở xã trời đã xế chiều. Chẳng kịp để "mục sở thị" cái không khí chộn rộn chuẩn bị cho một chuyến biển dài ngày. Lễ cúng trên bờ đã xong, xăng dầu, nước ngọt, đá lạnh... đã tập kết đâu ra đấy. Đêm ngủ lại ở nhà ông Chủ tịch Hội Nông dân xã chờ giờ xuất phát ngày mai, là một đêm háo hức thức trắng...


Truyền thống khai thác hải sản của Quỳnh Long có từ lâu, nhất là thời kỳ Hợp tác xã Đại Liên nổi tiếng cả duyên hải miền Bắc. Bây giờ Quỳnh Long vẫn đang là một trong những "đại diện" tầm địa phương hoạt động nghề cá của Nghệ An và Bắc Trung bộ. Cái năng động, tinh thần bám biển của bà con ngư dân ở đây cũng rõ nét hơn. Xã hiện có 162 phương tiện nghề cá, trong đó 71 tàu khai thác xa bờ, là lực lượng chủ lực đưa sản lượng khai thác hải sản của xã đạt 7 - 8 nghìn tấn/năm... "Xã bố trí cho anh đi theo con tàu đóng mới và lớn nhất, công suất 500CV" - Ông chủ Hội Nông dân tinh tường nhận ra sự lo lắng trên nét mặt tôi, nên trấn an thế.

Len lỏi theo con đường bê tông qua những xóm chài nay trông sáng sủa như một phố thị, nhờ cái sầm uất của chợ búa, cửa hàng dịch vụ, nhà cửa khang trang tươi mới màu sơn mọc lên san sát... tôi gặp Trần Xuân Thu - một thuyền trưởng trẻ tuổi nhưng là một "sói biển" lão luyện của xóm Đại Bắc. Biển cả là nguồn sống của ngư dân. Đi nghề vừa là từ đòi hỏi mưu sinh, vừa là thỏa mãn sự "nghiện biển" đặng đừng của người làng biển gắn bó với sóng nước từ khi đôi chân biết đứng vững trên mạn thuyền, đè sóng từ đi lộng đến khi vươn khơi. Ấy nhưng, dù có người đã hàng trăm, hàng nghìn chuyến biển, thì trước một chuyến vươn khơi nào vẫn là cái bịn rịn chia tay, đằm sâu nỗi niềm trước những bất trắc, may rủi chẳng thể lường. Bữa cơm ấm áp trước chuyến biển của nhà Trần Xuân Thu đang hiện diện ba đời "sói biển", gồm ông nội, bố và Thu là như thế.




Vận chuyển lương thực, thực phẩm lên tàu cho chuyến đi biển dài ngày



Tàu cá bắt đầu chuyến ra khơi

...Chính ngọ ngày mây mù. Lạch Quèn đã vãn tàu thuyền vì phần lớn xuất hành một vài hôm trước. Các thuyền viên khẩn trương bốc dỡ thực phẩm gồm thịt lợn, bò, gà và gạo, rau xanh, sữa tươi, nước ngọt... vắt vẻo trên cây cầu khỉ chuyển đồ xuống thuyền thúng để cập mạn lên tàu. Tôi tranh thủ lên Trạm Biên phòng Lạch Quèn báo cáo thêm vào danh sách "thủy thủ đoàn" để được cho phép lên tàu ra khơi. Đây là một thủ tục nghiêm ngặt cho bất cứ tàu thuyền nào trong một chuyến biển.


NA-90331-TS - số hiệu "chiến hạm" của chúng tôi đây! Trần Xuân Thu làm thủ tục tâm linh cuối cùng là bày lễ đủ hương hoa vàng mã trên sạp ca-bin, thành kính quỳ bên ông thày cúng làm lễ cầu trời yên, bể lặng, chuyến biển may mắn, suôi sẻ... Đến giờ xuất phát. NA-90331-TS gầm lên, đè những lớp sóng đầu tiên hướng ra cửa bể. Tàu chạy được khoảng 6 hải lý, bờ đã vội biến mất sau lớp mù sương dày đặc. Thi thoảng gặp con sóng lừng, tàu duềnh lên, sóng tung bọt trắng xóa hai bên mạn. Thu bảo: "Anh cố chịu, ra vài ba lý nữa là sóng ắng"... Gió mạnh dần lên, mưa lắc thắc dày hạt dần.


Đi mãi trong lờ nhờ trời biển một màu bạc sẫm. Khoảng 16h00' đến tọa độ 19000 -105053, Thu bất chợt chỉ tay về phía Nam: "Đảo Mắt đó, anh!". Tôi căng mắt mãi mới thấy đảo là nhấp nhô một vệt sẫm mờ phía chân mây, như đang ghen tỵ với những con người lão luyện chinh phục biển khơi này. Tàu Thu đi một chuyến biển cần tới 15 người, đợt này Thu bảo chỉ có 13 người, tôi nữa là 14. Nhưng trước đó tôi đếm mãi chỉ thấy có 13 người kể cả mình. Hỏi thêm vài lần nữa, ai cũng khẳng định "ta có 14 người". Tôi lồm cồm bò hết sạp trên sạp dưới, đếm đi đếm lại mãi vẫn chỉ là 13... Tôi lén ngó xuống hầm máy. Vẫn không còn ai. Hay là mình say sóng? Sau mới hiểu, thì ra người đi biển kiêng con số 13, nên cứ bảo tôi vậy. Nhiều tuổi nhất trên tàu là lão Dưỡng 52 tuổi, người nhỏ thó, đen quắt nhưng trông linh lợi với cặp mắt tinh anh và mái tóc bạc lởm chởm mà mày râu vẫn đen nhánh như một ông trí thức ngang ngạnh. Hơn tôi một vài tuổi có anh Toàn, anh Hoãn. ít tuổi nhất là thằng Thành, thằng Thương mới 19 tuổi nhưng đã rất thạo nghề biển... Còn "sói biển" Trần Xuân Thu sinh năm 1979, kém tôi cả chục tuổi.


Khi tàu cách cửa lạch Quèn khoảng 15 hải lý, trời chưa tối hẳn và sương mù dỡ hơn. Một vài tàu bạn là những chấm nhỏ ẩn hiện bốn phía chân mây. Sóng biển quả là đã ắng hẳn so với gần bờ. Tôi choáng ngợp với cái bao la của biển cả. Nếu không có những biến ảo khôn lường của trùng trùng sóng, thì đây đích thị là một "sa mạc xanh". Tọa độ 18059 - 105005, không liên lạc được đi động bằng sóng Vinaphon nữa, chỉ còn sóng Viettel, "thủy thủ đoàn" ai nấy tranh thủ leo lên boong tàu, trần ca-bin vớt vát những vòng sóng cuối cùng với đất liền. Tôi ngó ra thấy bọn trẻ nằm phủ phục khắp bốn góc tàu, tóc tai dựng đứng cả lên trước gió, nói như quát vào điện thoại - ấy là chúng đang hò hẹn yêu thương đấy! Chỉ dăm hải lý nữa thôi, là chấm dứt mối liên hệ cuối cùng với đất liền...


Tàu có trang bị bếp gas, các thuyền viên đều là những "đầu bếp" khéo tay. Bữa cơm đầu tiên trên tàu, khai vị có ốc mỡ, mực xôi và tiêu chuẩn mỗi người một cốc rượu trắng nhỏ, "thực đơn" chính là bò hầm, thịt lợn kho, mực xào và món canh cá ngon khó tả... Tàu lắc mạnh dần, người cứ bẫng lẫng khó ở, tôi sợ mọi người kém vui, cố uống một ngụm rượu. Nhưng ngó sang "thủy thủ đoàn", thì hình như đây là cuộc rượu thong dong nhất trên đời. Phải! Bởi chắc chắc có thể là đêm nay, với họ bắt đầu là những lao động mệt nhọc...


Đêm xuống ướt rượt. Tôi thấm mệt, lơ mơ nằm trên sàn ca-bin, lắc lư đau nhừ; nghĩa là bất cứ một điểm chạm nào của cơ thể tiếp xúc với sàn tàu đều bị dần đi dần lại cẩn thận, da với xương chực lóc bong ra khỏi lục phủ ngũ tạng. "Thủy thủ đoàn" ngủ cả, chỉ còn Thu cầm lái. Thuyền trưởng hãn hữu lắm mới chuyển lái để tranh thủ chợp mắt. Bỗng Thu quát lên gì đó, cả tàu choàng tỉnh nhốn nháo. Tôi ngó đồng hồ: 18h45'. Thu tắt động cơ máy lớn. Con tàu hộc lên rồi chững lại, lắc lư chao đảo dữ. Thu vọt xuống hầm máy, lát sau vọt lên, bảo: "Nứt ống dẫn nhờn máy lớn rồi, phải neo tàu lại xử lý. Hết khoảng gần một tiếng anh ạ!". Tôi lập cập trèo xuống, thấy lão Dưỡng lọ dọ theo sau, ánh mắt xanh lét dò theo từng bước chân của tôi. Lão đang "chăm nom" tôi đấy. Chợt thấy mình vướng víu phiền phức, tôi lại lồm cồm bò lên khoang lái. Tàu nhả neo. Đêm đen kịt gây cảm giác chúng tôi đang bị nhốt trong một chiếc lồng khổng lồ bí ẩn. Ánh đèn của các tàu bạn leo lét tít tắp. Sóng biển rì roạp dồn dập làm căng hết thính giác. Bọn trẻ bật nhạc loa ầm ĩ. Tàu sẽ phải nổ máy phát điện, sáng đèn cả đêm để đảm bảo an toàn hàng hải theo quy định...


Thu quyết định neo tàu nghỉ lại. Tôi không ngủ được trong khi Thu đã cuộn mình nhanh chóng chìm vào giấc sóng gió. Quãng nửa đêm, Thu tỉnh dậy pha cà phê, rủ tôi lên nhâm nhi. Trong rầm rì sóng biển, Thu trò chuyện bao nỗi vất vả của nghề biển.

Thu bảo, cứ mỗi đêm giữa biển khơi như thế này, dù đánh cá hay không đánh cá, đều mất đứt 5 triệu đồng chi phí tiền dầu và ăn uống. Để chuẩn bị cho một chuyến biển dài nhất là 10 ngày, tàu phải chi ngót 40 triệu đồng. Đợt xăng dầu lên giá mới đây, mỗi chuyến tàu Thu phải bỏ thêm ra hơn 3 triệu đồng nữa, mà con cá lại không lên giá. Mà đâu phải bao giờ biển cũng hào phóng với mình.



Bữa cơm của các thuyền viên trên biển ngoài cá sẵn ở biển khơi, còn có đủ rau, thịt



Ban ngày các ngư dân tranh thủ vá lưới



Kéo lưới đêm ngoài khơi

Kinh qua lắm, trổ hết kinh nghiệm nghề có chuyến vớt vát không lỗ là may. Bán cá xong, không có đồng nào chia cho bạn nghề, buồn thắt ruột, lại phải gấp rút chuẩn bị để đi ngay chuyến khác, không ai kịp lên bờ về thăm nhà. Cuộc sống của một gia đình ngư dân trông cả vào người đàn ông đi biển. Vài chuyến không được cá, cứ một tàu như thế có ít nhất dăm bảy nhà phải vay ăn chờ hết con trăng để đi biển chuyến sau, may ra...

Tàu của Thu đi nghề vây. Xa khơi khai thác hải sản có 3 nghề chính: Vây, chụp và giã. Ngư dân Quỳnh Long nổi tiếng với nghề vây. Khác với chụp và giã, nghề vây chỉ hoạt động thuần về đêm, ngày neo tàu ngủ. Để đóng một con tàu vây công suất 500CV như tàu của Thu, thời giá bây giờ phải lên tới trên 3 tỷ đồng. Thu đóng từ đầu năm ngoái, chỉ hết ngót 2 tỷ đồng. Vay ngân hàng một nửa, duyên may với biển chưa gặp, nợ nần vẫn theo nặng từng chuyến biển. Nửa còn lại, phải huy động cổ phần; cũng là anh em thân thuộc bao đời đi biển cả. Ngoài tình nghĩa với nhau, còn là trách nhiệm với tàu, với biển. Người chung vốn đóng tàu được gọi là "nhà nghề", lao động thuê gọi là "bạn ngang". Đâu không biết, nghề đi khơi ở đây bạn ngang có giá lắm. Tàu đi mấy chuyến khơi mà cá mú không "về", thu nhập thấp, bạn ngang bỏ đi tàu khác liền; bỏ đi, mà nhà nghề vẫn phải mếu cười chiều chuộng, để lúc bí bách phải gọi họ trở lại. Mỗi chuyến biển như thế tiền cá bán được chia đôi, một phần thuộc về nhà nghề, phần còn lại chia đều chằn chặn cho các thành viên chuyến biển, thuyền trưởng cũng như bạn ngang trẻ tuổi nhất; đó như là một cái sòng phẳng đầy chất biển cả vậy.


Tang tảng sáng. Tiếng bộ đàm ỗm oãm của các tàu thông báo cho nhau về tình hình ngư trường. Những chiếc tàu nghề lưới chụp vươn 4 cái sào lực lưỡng ra như một con chuồn chuồn biển khổng lồ. Đó là phương tiện nghề chủ lực của ngư dân xã Quỳnh Tiến. Lọai tàu này giờ đóng mới có chiếc lên đến ngót 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với nghề giã, nghề lưới chụp được coi là ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản hơn nghề vây, với phương thức đánh bắt tận thu triệt để các loại thủy sản lớn nhỏ. Nghề lưới chụp trước đây ngư dân thường dùng mìn để khai thác, có đêm hàng nghìn tấn mìn nổ dậy sóng từ giáp vùng biển chung đến vùng lộng, có tàu nổ mìn vỡ cả be sườn, nguy hiểm không nói hết. Ba năm lại nay, lệnh nghiêm cấm nổ mìn được thực hiện triệt để hơn, nhưng với nghề lưới chụp, thì để đánh bắt như loài cá trỏng, vẫn khó thoát phải dùng mìn...


Thu đánh thức "thủy thủ đoàn", nhổ neo và tàu tiếp tục hành trình vươn khơi. Dưới sàn tàu, mọi người lại nhộn nhịp chuẩn bị cho bữa cơm đầu tiên trong ngày. Anh Toàn - một ngư phủ thực sự với vóc dáng gân guốc, râu ria tua tủa cứng như san hô đen, ngồi trên boong tàu vá lưới. Đầu anh gặc gặc theo đôi thay thoăn thoắt. Trông thế, nhưng anh là người rất tếu...


14h30', tọa độ 18055 - 106052. Thu bảo: "Đã khơi rồi anh ạ!". Tôi lần lên boong tàu. Gió lồng lộng. Biển bao la. Bốn phía mây vần vũ đuổi nhau vòng tròn như đèn kéo quân. Thu quyết định buông neo chờ đêm xuống để thả mẻ lưới đầu tiên. Chợt lóe lên một chút ánh dương, chân trời phía Tây là một dải nhỏ lăn tăn dát bạc. Sóng biển rì rào êm ái. Một ngày biển ắng.


(Còn nữa)


Đình Sâm