Dự án chậm tiến độ, dân khổ vì đường lầy lội

06/02/2012 14:21

(Baonghean) Dự án đường liên xã từ xã Phong Thịnh đi Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức (Thanh Chương) nối đường mòn Hồ Chí Minh, do UBND huyện Thanh Chương làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, có chiều dài 15,8 km, gồm hai cầu trung và 4 cầu nhỏ với tổng mức đầu tư 57 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 1/2010, dự kiến hoàn thành trong 24 tháng (tháng 1/2012) nhưng đến nay, vì nhiều lý do, tiến độ thực hiện đang bị chậm lại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

(Baonghean) Dự án đường liên xã từ xã Phong Thịnh đi Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức (Thanh Chương) nối đường mòn Hồ Chí Minh, do UBND huyện Thanh Chương làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, có chiều dài 15,8 km, gồm hai cầu trung và 4 cầu nhỏ với tổng mức đầu tư 57 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 1/2010, dự kiến hoàn thành trong 24 tháng (tháng 1/2012) nhưng đến nay, vì nhiều lý do, tiến độ thực hiện đang bị chậm lại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Từ ngã ba cầu Giăng đến trụ sở UBND xã Thanh Nho dài chỉ 6-7 km, bằng phương tiện xe máy, chúng tôi đã phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới vượt qua được. Từ ngã ba cầu Bà Liên bùn ngập bánh xe, muốn vào các xóm 8, 9, 10, chúng tôi phải gửi xe, lội qua khe nước, tiếp tục "cuốc bộ" và mất chừng hơn 30 phút để đi được đoạn đường gần 100m đến trước cổng Trường mầm non xã Thanh Nho.



Học sinh khổ sở đường đến trường.


Anh Võ Văn Hùng, xóm 10, xã Thanh Nho đang dùng xe rùa chở phân ra ruộng, bức xúc: "Nhà tui cách chân ruộng hơn 1 km nhưng đoạn đường này đất mới đắp, gặp trời mưa, sình lầy nhão nhoét, chỗ đất cứng thì trơn trượt không thể dùng xe bò nên tôi phải dùng xe rùa chở phân, mỗi buổi được ít chuyến, không biết khi nào mới xong. Khổ nhất là các cháu học sinh, có hôm trời mưa liên tục 2 - 3 ngày phải đi bộ 5 -6 km đến trường..". Cơ sở sơ chế rễ hương của anh Trần Công Sinh thuộc địa phận xóm 10 bấy lâu nay phải tìm cách "sống chung với sình lầy" trên tuyến đường này.

Anh Sinh cho biết, trước đây anh chỉ cần dùng xe tải hạng trung để vận chuyển nguyên liệu nhưng thời gian gần đây, anh phải mua thêm một chiếc xe công nông để kéo xe tải qua những đoạn lầy lội trên đường vận chuyển, chi phí vì thế cũng "đội" lên. Nếu gặp phải trời mưa dài ngày thì cơ sở sản xuất của anh phải nghỉ vì không thể chở được nguyên liệu.

Theo phản ánh của một số người dân, không những tiến độ thi công "rùa" mà một số đoạn đường đã rải nhựa chất lượng không đảm bảo. Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch xã Thanh Nho cho biết: Đoạn đường đi qua trụ sở UBND xã làm xong từ tháng 10/2011 nhưng chỉ sau 1 tháng đã bị lún, nứt, bong đá... tạo nên chi chít những ổ voi, ổ gà, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Sau khi xã phản ánh, và đặc biệt là ý kiến phản ánh qua tổ Hội đồng nhân dân huyện, Kỳ họp thứ 3, nhiệm kỳ 2011-2016, đơn vị thi công đã tiến hành sửa chữa nhưng vẫn không đảm bảo.


Mặc dù công trình thi công dang dở đang gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, thế nhưng, ông Nguyễn Viết Thiện, Trưởng phòng Công thương huyện lại cho rằng, công trình đã thi công được 70% khối lượng công việc, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi cho người dân, chỉ còn khoảng 200m chưa làm, phải rải đá thông xe. Một vài chỗ là đất nguyên thổ, đơn vị thi công chủ quan không đào sâu để khảo sát, không phát hiện tổ mối nên bị lún. Huyện đã nghiệm thu các giai đoạn làm nền, móng, tất cả đều đảm bảo...

Người dân đang mong muốn các cấp, ngành huyện Thanh Chương sớm vào cuộc để đoạn đường mau chóng được hoàn thành, tránh được cảnh khổ sở vì sình lầy mùa mưa và bụi bẩn vào mùa nắng cho người dân.


Võ Văn Dũng