Bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng mạnh

29/02/2012 19:09

Trong tuần qua có thêm 1.403 trường hợp mắc tay chân miệng mới được xác nhận, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh trong hai tháng đầu năm là trên 7.700 trường hợp, chín ca tử vong.


Trẻ mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng I, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
Tuần qua cũng là tuần có số mắc tay chân miệng mới cao nhất kể từ đầu năm 2012 đến nay (các tuần trước trung bình có 900-1.000 ca mắc tay chân miệng/tuần).

Thành lập 5 trung tâm huấn luyện điều trị

Nhập viện kịp thời

Khi có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối, đặc biệt kèm theo biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (từ 39,5OC trở lên), phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời bệnh tay chân miệng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Hải Phòng, Đồng Tháp và Hậu Giang là ba địa phương có số mắc tay chân miệng/100.000 dân cao nhất cả nước. Ba địa phương này cũng nằm trong nhóm 11 tỉnh thành có số mắc tay chân miệng cao liên tục trong ba tuần đây. Ngày 2-3, Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra tình hình phòng chống dịch tay chân miệng tại Hải Phòng.

Bộ Y tế cho biết thống kê năm 2011 cho thấy trẻ mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu là tại nhà (trên 76% trường hợp), trên 23% số mắc còn lại là tại nhà trẻ, trường học. Do tình hình bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cho biết đang rà soát cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng, thành lập năm trung tâm huấn luyện điều trị bệnh tại các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới trung ương, Nhi trung ương, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 TP.HCM và Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đặc biệt về chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh nhân nhằm giảm nguy cơ tử vong.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các sở y tế địa phương rà soát trang thiết bị cấp cứu, điều trị, chuẩn bị các thiết bị như monitor, máy thở, bơm kim tiêm và máy truyền dịch tự động, thuốc điều trị bệnh tay chân miệng và chuẩn bị khu cách ly để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Khó kiểm soát do người lành mang mầm bệnh

Bình Dương đã có ca nhiễm cúm A/H5N1

Cục Y tế dự phòng đã có thông báo xác nhận trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Bình Dương, tính từ đầu năm 2012 đã có ba bệnh nhân nhiễm cúm H5N1, hai đã tử vong.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), ngày 28-2 có hai địa phương là Hà Nam và Bắc Giang đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch cúm gia cầm H5N1 mới, tạm thời ra khỏi danh sách vùng có dịch. Tuy nhiên vẫn còn chín tỉnh thành đang có dịch cúm gia cầm là Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định.
L.ANH

Từ đầu năm đến nay, tại Đà Nẵng ghi nhận có 152 ca bệnh tay chân miệng, tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ. Đây cũng là địa phương bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh. Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, tiên lượng khó lường. Khi trẻ mắc bệnh, dịch nhầy, nước mũi, nước miếng... mà trẻ tiết ra là nguồn lây.

Thứ nữa, những người lành mang trùng bệnh (trong đó có người lớn) dễ lây sang trẻ em. Vì vậy việc vệ sinh của người lớn rất quan trọng. Trao đổi về biện pháp phòng chống lây lan bệnh tay chân miệng, bác sĩ Yến nhấn mạnh:

- Biện pháp duy nhất để phòng chống tay chân miệng đó là vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ trước khi cho trẻ ăn và sau khi làm vệ sinh cho trẻ. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người. Đây là biện pháp mà ngành y tế cầu cứu toàn cộng đồng xã hội hãy thực hiện cho tốt. Phải kiểm soát không để trẻ đưa vật dụng, đồ chơi vào miệng.

Làm vệ sinh sàn, đồ chơi cho trẻ.

Hiện nay ở Đà Nẵng, tâm lý các bậc phụ huynh thấy con có biểu hiện bệnh thì lập tức đưa vào tuyến bệnh viện của thành phố gây quá tải, trong khi lại bỏ qua tuyến bệnh viện quận huyện. Về vấn đề này, bác sĩ Yến cho biết các tuyến quận huyện đủ năng lực khám bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, ngành y tế không khuyến khích các tuyến quận, huyện điều trị ở cấp độ 2a. Chỉ điều trị ở thể nhẹ.


Theo Tuổi trẻ