Nghi Lộc chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm

29/02/2012 17:29

(Baonghean.vn) Nghi Lộc là một trong những huyện chăn nuôi gia cầm nhiều nhất tỉnh, với tổng đàn xấp xỉ 600.000 con gia cầm, chưa kể số đàn gia cầm tại 17 trang trại của Công ty CP Việt Nam nuôi trên địa bàn huyện, bình quân 8.000 con/trại. Chính vì vậy công tác thú y, phòng trừ dịch dịch bệnh cho đàn gia cầm luôn được các cấp ngành chú trọng.

(Baonghean.vn) Nghi Lộc là một trong những huyện chăn nuôi gia cầm nhiều nhất tỉnh, với tổng đàn xấp xỉ 600.000 con gia cầm, chưa kể số đàn gia cầm tại 17 trang trại của Công ty CP Việt Nam nuôi trên địa bàn huyện, bình quân 8.000 con/trại. Chính vì vậy công tác thú y, phòng trừ dịch dịch bệnh cho đàn gia cầm luôn được các cấp ngành chú trọng.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch bệnh xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, nhưng tính đến ngày 29/2/2012, tổng đàn gia cầm của huyện Nghi Lộc vẫn phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra.


Ông Trần Quốc Cường- Trạm trưởng Trạm thú y huyện Nghi Lộc cho biết: cả 30/30 xã, thị trấn đều chăn nuôi đàn gia cầm, do đó huyện Nghi Lộc thường xuyên đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận thôn xóm nhằm phát hiện sớm các ổ dịch xảy ra trên địa bàn và xử lý kịp thời trong diện hẹp.



Đàn vịt của hộ ông Nguyễn Văn Thanh xã (Nghi Hoa) đang được chăm sóc cẩn trọng.


Tuyên truyền cho người dân thực hiện chủ trương 5 không: không dấu dịch; không mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc; không buôn bán gia cầm bị bệnh; không giết mổ gia cầm bị bệnh; không vứt xác gia cầm ốm chết. Đồng thời tuyên truyền, động viên nhân dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rải vôi bột khu vực chăn nuôi, chuẩn bị triển khai tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường. Ngày 28/2/2012, Trạm thú y huyện Nghi Lộc đã nhận 800 lít hoá chất Benkocid từ Chi cục thú y tỉnh cấp, dự kiến sẽ triển khai phun hoá chất tiêu độc khử trùng từ ngày 10/3 đến 25/3/2012 tại tất cả khu vực chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện.


Để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm, tiêu diệt mầm bệnh có trong môi trường và duy trì mức kháng thể nhằm hạn chế, khống chế dịch bùng phát, UBND huyện xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên địa bàn huyện. Đến nay đã tiêm phòng được 260.000 liều vắc xin cúm gia cầm cho vùng có ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao. Muốn đạt hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh tối đa thì phải đảm bảo cho đàn gia cầm được tiêm phòng 100%.

Như vậy, với huyện Nghi Lộc phải tiêm gần 600.000 con gia cầm, nhưng do nguồn vắc xin không đủ nên Trạm thú y phải lựa chọn đối tượng tiêm, làm sao để phát huy cao nhất khả năng đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, quán triệt cho bà con nuôi nhốt gà, vịt, không cho vịt chạy đồng, dễ lây nhiễm mầm bệnh. Thường xuyên quét dọn sạch sẽ khu vực chăn nuôi, thu gom phân rác để đốt hoặc chôn. Khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận. Cách ly chuồng nuôi với nơi ở. Cọ rửa, vệ sinh kỹ lượng chuồng trại trước khi phun thuốc sát trùng từ 1-2 lần/tuần. Đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: sau khi gia súc, gia cầm được đưa đi giết mổ, phải được vệ sinh tiêu độc trước khi nhập đàn mới…




Người dân rắc vôi khử trùng chuồng trại.

Tuy vậy, công tác phòng chống dịch cũng gặp những khó khăn bởi vi rút cúm gia cầm biến đổi gen liên tục, rất khó kiểm soát. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp thì hiện nay vắc xin cúm gia cầm H5N1 tiêm cho gia cầm các tỉnh phía Bắc và Miền Trung khả năng đáp ứng miễn dịch yếu, bên cạnh đó lượng vắc xin thiếu quá nhiều, gây khó khăn cho công tác tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm. Người chăn nuôi địa phương chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, tiết kiệm kinh phí nên thường thả vịt ăn ngoài đồng để tận dụng chi phí nguồn thức ăn. Song nuôi thả vịt ngoài đồng, nguy cơ dịch bệnh rất cao. Hơn nữa, thời kỳ vịt đang đẻ trứng, người chăn nuôi không muốn cho tiêm phòng vì sợ ảnh hưởng đến sản lượng trứng. Nhưng trên thực tế hoàn toàn không ảnh hưởng,tiêm phòng đàn vịt vẫn sản sinh trứng bình thường,...


Những năm gần đây, tình trạng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường xuyên diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trước thực tế đó, năm 2010- 2011, UBND huyện Nghi Lộc đã trích kinh phí gần 500 triệu đồng để mua trang thiết bị phục vụ cho công tác thú y, gồm 30 máy bơm động cơ phục vụ bơm thuốc khử trùng, tiêu độc và 32 tủ lạnh phục vụ công tác bảo quản vắc xin để tiêm phòng. Toàn bộ trang thiết bị này được cấp đầy đủ cho 30 xã, thị trấn, mỗi xã gồm 1 máy bơm và 1 tủ lạnh. Riêng Trạm thú y huyện được cấp 2 tủ lạnh. Chính nhờ được trang bị đầy đủ thiết bị nên công tác phòng chống dịch ở huyện Nghi Lộc được triển khai thuận lợi, hoàn toàn chủ động, đạt hiệu quả cao.


Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, xóm Vận Tải- xã Nghi Hoa nuôi hơn 500 con vịt đẻ khoanh nhốt trong trại nhà. Xung quanh chuồng trại được khoanh rào cẩn thận, gia đình cũng cách ly khu nuôi, không cho người ngoài tiếp xúc với đàn vịt. Ông Thanh cho biết: gia đình tôi mới nuôi vịt được 2 năm nay, để phòng dịch bệnh cho đàn vịt, chúng tôi luôn chấp hành các khuyến cáo của Ban thú y xã, thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi. Ngoài ra,năm nào tôi cũng vào Chi cục thú y tỉnh mua các loại vắc xin về tiêm phòng cho đàn vịt. Mỗi năm tiến hành tiêm 2 đợt gồm các loại vắc xin phòng bệnh:H5N1, dịch tả, tụ huyết trùng. Mọi thành viên trong gia đình đều dồn hết tâm sức vào chăm sóc cho đàn vịt, quyết tâm không để dịch xảy ra. Hiện nay, mặc dù chăn nuôi đang chịu lỗ do giá bán trứng vịt rẻ, nhưng gia đình tôi vẫn nỗ lực đầu tư thức ăn cho vịt đầy đủ, đảm bảo để đàn vịt phát triển khoẻ mạnh, có sức đề kháng tốt. Hơn 500 con vịt đẻ mỗi ngày ăn hết 800.000 đồng tiền thức ăn, trong khi đó mỗi ngày chỉ thu hoạch được 450 quả trứng, bán sỉ cho các thương lái với giá 1.500 đồng/quả, thu được 675.000 đồng/ngày. Như vậy người chăn nuôi vẫn chịu lỗ hơn 100.000 đồng/ngày.


Không chỉ gia đình ông Thanh mà hàng trăm hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) như hộ ông Huyên xóm 1 nuôi 1.500 con vịt, hộ ông Phú nuôi hơn 1.000 con vịt… đều đang cố gắng chăm sóc, tiêm phòng, bảo vệ đàn gia cầm một cách cẩn trọng, vì đó là gia sản của nhà nông. Trước mắt, dù khó khăn do giá trứng rẻ, nhưng tất cả họ đều nỗ lực tối đa để đảm bảo cho đàn gia cầm phát triển tốt nhất, tất cả họ đều chung suy nghĩ: quyết tâm không để dịch xảy ra.


Quỳnh Lan