Viện phí tăng, chất lượng chưa biết ra sao
Bảo hiểm xã hội đã cơ bản đồng thuận với danh mục hơn 400 dịch vụ y tế sẽ tăng giá mà Bộ Y tế đưa ra. Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, cho rằng:
Việc tăng viện phí tới đây sẽ chưa thể giải quyết vấn đề nằm ghép, bởi nằm ghép liên quan đến chống quá tải mà chống quá tải thì phụ thuộc vào các yếu tố: nhân lực, chất lượng cung cấp dịch vụ. Thực tế, quá tải không phải ở 100% tuyến điều trị mà nó có yếu tố cục bộ, đặc biệt là tuyến trên, các bệnh viện đầu ngành nơi cung cấp chất lượng dịch vụ tốt. Như vậy tăng viện phí nhưng vẫn còn tình trạng chất lượng dịch vụ y tế chưa đồng đều và vẫn còn nằm ghép.
Thưa ông, vì sao ban đầu đề xuất tăng giá chỉ 350 dịch vụ y tế, nay con số này lại lên đến hơn 400?
Đúng là danh mục dịch vụ y tế sẽ tăng giá lần này cao hơn số đưa ra hồi năm 2010 gần 200 danh mục. Nguyên nhân là trong lần đưa ra danh mục trước đây Bộ Y tế gộp chung, không tách bạch các kỹ thuật. Nhưng sau nhiều lần được BHXH, Bộ Tài chính và các bên liên quan góp ý, danh sách các danh mục đã tách bạch hơn.
|
Ví dụ trước đây, chỉ đưa ra giá siêu âm chung chung với mức giá sàn đến giá trần, thì lần này đã chia tách cặn kẽ: siêu âm đen trắng, siêu âm màu; siêu âm cho từng bệnh lý (ổ bụng, mạch máu, tim...) và có mức giá chi tiết cho từng loại siêu âm. Thấp nhất chỉ khoảng 30.000đ/lần và cao nhất có thể lên đến 800.000đ. Với danh mục chi tiết cả bệnh nhân và cơ quan bảo hiểm có thể thuận lợi hơn khi "giám sát", đảm bảo tốt hơn trong chi trả.
Tăng giá viện phí có lẽ sẽ song song với tăng phí đóng bảo hiểm y tế | ||
Việc bóc tách này cũng có lợi hơn cho bên chi trả dịch vụ. Ví dụ, trong lần đầu, phía y tế đưa ra giá khám tối đa là 20.000 đ/lượt và giảm dần ở tuyến dưới. Hay giá thanh toán giường bệnh đưa ra ban đầu lên đến 350.000 đ/ngày giường nhưng nay đã giảm xuống, tối đa chỉ là 160.000 đ/giường/ngày. Như vậy, với khung giá được đồng thuận lần này, khá nhiều giá dịch vụ y tế đã điều chỉnh giảm 20-30% thậm chí 50% so với giá đề xuất ban đầu.
Giá dịch vụ được xây dựng trên những tiêu chí nào? Việc chi trả có sòng phẳng hơn không?
Tôi cho rằng cơ cấu giá dịch vụ đã hợp lý hơn vì xây dựng trên cơ sở chi phí thực tế của y tế dưới nữa chứ không chỉ căn cứ vào giá cao ngất của các đơn vị đầu ngành, tuyến T.Ư, các bệnh viện của thành phố lớn. Với việc chi trả đã sát với thực tế, bệnh viện sẽ phải giảm phí trong trường hợp bệnh nhân nằm ghép: thu 70%-50% (nếu nằm ghép 2 hoặc 3).
Tuy nhiên, có một điều mà chúng tôi còn băn khoăn là chưa thể đánh giá được hết tác động của tăng viện phí với quỹ BHYT và tăng nhưng làm sao đảm bảo nguồn thu cho quỹ BHYT. Vì vậy, tăng giá viện phí có lẽ sẽ song song với tăng phí đóng BHYT. Hiện tại quỹ còn khả năng cân đối với ước tính sẽ tăng chi thêm khoảng 7.000 tỉ đồng/năm khi áp khung viện phí mới. Tuy nhiên, về lâu dài thì chưa tính được và đặc biệt là số lượt khám BHYT sẽ tăng thêm. Tần suất khám hiện 2,1 lần/đầu thẻ nhưng tần suất này thường tăng lên hằng năm, do đó gia tăng chi phí là tất yếu.
Gánh nặng viện phí còn là tình trạng giá thuốc cung ứng vào bệnh viện chưa hợp lý; bội chi bởi các thuốc "hỗ trợ" đắt tiền được kê khá thoải mái. Vậy BHXH có vai trò gì trong kiểm soát để giảm chi?
Đúng là có những thuốc hỗ trợ rất đắt, cả triệu đồng/ngày điều trị và có thể kê rộng rãi cho 7-10 nhóm bệnh là nguyên nhân dẫn đến kê đơn quá mức cần thiết. Chúng tôi cho rằng cần phải xem xét lại khâu cấp phép vốn dễ dãi đối với những thuốc hỗ trợ điều trị. Còn vấn đề giá thuốc đấu thầu thì đúng là có chuyện, thuốc với cùng nhà sản xuất, cùng sản phẩm, cùng nhà cung ứng nhưng giá chênh lệch vài chục phần trăm khi cung ứng vào các bệnh viện khác nhau. Năm qua, chúng tôi đã cương quyết chỉ thanh toán thuốc đó với giá trúng thầu thấp nhất. Thậm chí, có trường hợp không chấp nhận thanh toán.
Theo Thanh niên