"Giữ lửa" văn hoá xứ Nghệ

03/04/2012 15:08

(Baonghean) - Ngày 31/12/2011, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Đoàn ca múa dân tộc Nghệ An trên cơ sở Đoàn ca múa kịch Nghệ An. Đây là quyết định đúng đắn nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể miền núi trước nguy cơ đang dần bị mai một.

Ông Trịnh Quang Thuận - Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc cho biết: Âm nhạc và múa dân gian là một trong những giá trị văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú của các dân tộc trên địa bàn tỉnh ta, nó gắn liền với tập tục, tín ngưỡng trong sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội truyền thống. Để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa quý giá, khi đang là Đoàn ca múa kịch Nghệ An, Đoàn đã tự tìm hướng đi thích hợp: Làm thế nào để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa đảm bảo đời sống cho anh em nghệ sỹ, cán bộ, diễn viên của đoàn. Và việc khai thác, phát huy bản sắc dân tộc vùng, miền, đưa những câu hò, điệu múa đậm chất dân gian lên sân khấu đã được Đoàn chú trọng. Chính sự đổi mới đó đã giúp Đoàn có được những thành công nhất định: Xây dựng nhiều chương trình ca múa nhạc mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ, nhiều vở diễn khai thác đề tài hiện đại thông qua loại hình kịch hát mới được công chúng ghi nhận và đánh giá cao.




Tiết mục biểu diễn của Đoàn Ca múa dân tộc Nghệ An.

Hàng năm, ngoài xây dựng những chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Đoàn đã chủ động lên kế hoạch, tổ chức tốt các đợt lưu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, ngoài tỉnh bằng các chương trình mang đậm bản sắc văn hóacác dân tộc anh em như: "Cô gái đốt lò vôi", "Khắc Luống và múa Tùng Loọng", "Hội Xăng Khan", "Tiếng khèn mùa Xuân" ... với chất liệu dân ca dân tộc Thái; "Bắt vợ", "Lê lê lê tu lê", "Bản làng mừng đón dâu mới" (dân tộc Mông)... Tuy nhiên, do chịu tác động của nhiều yếu tố, một số bản sắc văn hóa của các dân tộc đang đứng trước thử thách lớn và đang có nguy cơ mai một dần. Trước tình hình đó, sự cần thiết phải thành lập Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An đã được Sở VHTT và DL trình UBND tỉnh phê duyệt. Như vậy, từ 31/11/2011 Đoàn ca múa kịch Nghệ An chính thức chuyển thành Đoàn ca múa nhạc dân tộc miền núi có chức năng, nhiệm vụ: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ; nghiên cứu, sưu tầm và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Nghệ An; xây dựng các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ; tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt ưu tiên phục vụ đồng bào miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Ngoài ra còn liên kết với các tổ chức trong các lĩnh vực như: nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, sưu tầm, bảo tồn để phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ, đặc biệt là các làn điệu âm nhạc và múa dân gian của các dân tộc thiểu số, miền núi Nghệ An.


Ca sỹ Minh Tâm - Đội trưởng Đội Ca của Đoàn cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn như kinh phí dành cho một buổi biểu diễn ở miền núi quá thấp (2 triệu đồng/buổi), trang thiết bị chuyên dùng như xe cộ, loa máy chưa đồng bộ, nhưng tinh thần của anh em trong Đoàn luôn luôn sΩn sàng đưa lời ca, tiếng hát của mình đến với đồng bào. Chúng tôi mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để khuyến khích, động viên đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên.


Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, từ đầu năm đến nay, ngoài phục vụ 30 buổi ở các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Đô Lương, Đoàn cũng đã thành lập mới phòng nghiên cứu, sưu tầm, từng bước khảo sát, lập danh sách nghệ nhân và tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát triển các làn điệu âm nhạc và múa dân gian truyền thống của 5 dân tộc Thái, Mông, Thổ, Khơ mú và Ơ đu. Thành lập các tổ, đội diễn viên xung kích (từ 7 - 15 người) chuyên biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh nhằm tăng mức hưởng thụ các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp của đồng bào. Đồng thời có cơ chế khuyến khích, ưu tiên lựa chọn cán bộ là con em đồng bào các dân tộc hoặc người am hiểu sâu về văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc anh em.

Tổ chức định kỳ đi thực tế tại các địa bàn miền núi kết hợp mở trại sáng tác các tác phẩm ca, múa, nhạc về đề tài miền núi. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở GD - ĐT thực hiện đưa dân ca các dân tộc miền núi vào trường học, tổ chức các lớp truyền dạy âm nhạc và cách sử dụng nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ nói chung, con em đồng bào các dân tộc nói riêng. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc Nghệ An tới đông đảo nhân dân trong và ngoài nước, giúp họ hiểu để chung tay bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa quý báu của dân tộc.


Thanh Thủy