Nhôn Mai - Đi và nhớ
(Baonghean.vn) - Mỗi lần đặt chân đến xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương, Nghệ An), tôi lại thêm nhiều trăn trở. Bởi lẽ, cuộc sống...
(Baonghean.vn) - Mỗi lần đặt chân đến xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương, Nghệ An), tôi lại thêm nhiều trăn trở. Bởi lẽ, cuộc sống ở chốn sơn cùng thủy tận này vẫn không có mấy đổi thay. Bước chân của con người vẫn bị đèo cao, vực sâu và mặt nước lòng hồ chắn lối. Tầm nhìn vẫn bị che khuất bởi những dãy núi điệp trùng và từng làn sương giăng kín mít. Chợt thương những người âm thầm “gieo chữ” và những đứa trẻ dựng lều “nhặt chữ” ở miền thâm sơn này.
Lần đầu tiên tôi đến với Nhôn Mai cách đây đã gần 5 năm. Ngày đó, với nhiệt huyết của một phóng viên trẻ mới vào nghề, tôi hăm hở theo chân anh bạn đang làm nghề “gõ đầu trẻ” lên Nhôn Mai với mong muốn được “mục sở thị” những điều anh kể về vùng đất xa xôi và gian khó này. Từ Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), bắt xe ôm đến bến Thượng Lưu rồi tiếp tục theo xuồng máy ngược dòng Nậm Nơn. Lúc bấy giờ, Thủy điện Bản Vẽ chưa ngăn dòng, dòng nước Nậm Nơn vẫn còn rất hung dữ với vô số thác ghềnh hiểm trở sẵn sàng nhấn chìm hoặc hất tung chiếc xuồng bất cứ lúc nào.
Suốt 6 giờ đồng hồ ngồi trên xuồng máy, rồi tiếp tục cuốc bộ 1 giờ nữa mới đến được trung tâm xã. Và rồi, Nhôn Mai đón chúng tôi bằng trận tố lốc và mưa đá. Tháng tư, bầu trời đang trong xanh bỗng dưng mây ở đâu kéo về đen kịt, mưa xối xả, gió rít từng trận. Gió giật tung gần như toàn bộ mái tôn phòng học và nhà ở của giáo viên. Hồ sơ, sổ sách, giáo án ướt hết. Bữa cơm tối được dọn ra trong phòng ăn bị tốc mái, nước mưa chảy và thấm vào từng bát cơm, từng đĩa thức ăn... Sáng mai thức dậy, tôi thật sự cảm thấy “choáng” khi nhìn thấy một tấm tôn cắm sâu chừng 10 cm vào thân cây keo giữa sân trường đang lơ lửng, đong đưa. Một lúc sau, 4 em học sinh lớp 8 hợp sức lại mới dỡ ra được. Buổi học sáng hôm đó phải nghỉ vì cả thầy và trò phải lợp lại lơeps học và phòng ở.
Dãy nhà tranh tre ẩm thấp, nơi ở trọ của hàng chục em học sinh Trường PTCS Nhôn Mai (Tương Dương)
Sau chuyến đi năm ấy, tôi về mang theo phóng sự “Nhọc nhằn con chữ vùng cao”. Các thầy cô giáo chủ yếu là người miền xuôi đã và đang vượt qua những thử thách khắc nghiệt, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho núi rừng biên cương, để trẻ em nơi đây không bị thất học. Nhiều em học sinh ở Nhôn Mai phải trèo đèo, lội suối suốt 8 giờ để đến trường. Nhà xa, các em phải dựng lều ở trọ. Sau mỗi buổi học, các em lại vào rừng hái măng, xuống suối bắt cua, bắt cá về làm thức ăn. Ngày này tháng khác, điệp khúc hái măng - bắt cá gần như không thay đổi. Có những em giữa chừng hết gạo, bố mẹ chưa kịp tiếp tế, lên lớp ngồi học da xanh mét, tay chân run. Các thầy cô biết ngay là học trò mình đang đói nên về phòng thổi cơm. Ăn cơm xong, các em lại vô tư chơi đùa, chạy nhảy như không hề nghĩ đến nguy cơ đói rét đang bủa vây quanh mình.
Mới đây, tôi lại đi xuồng máy ngược dòng Nậm Nơn để trở lại Nhôn Mai. Giờ đây, nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đã dâng cao, những thác ghềnh, vách đá đã chìm dưới sâu hàng trăm mét nên hành trình rút ngắn lại khoảng chừng 3 giờ đồng hồ. Lần này, Nhôn Mai lại đón chúng tôi bằng những trận mưa tầm tã suốt ngày đêm không dứt. Dòng Huổi Hý đục ngầu, nước cuộn xiết mang theo vô số cây rừng.
Ra đón tận bến đò, thầy Trần Đức Qùy nắm chặt tay và nói: “Chúc mừng chú, người có đủ can đảm trở lại với Nhôn Mai”. Ngót 20 năm bám trụ mảnh đất này, có lẽ thầy Qùy nhận ra một điều rằng ai đã từng đến nơi đây và có thêm ít nhất một lần trở lại đều là những người can đảm. Không biết từ khi nào, Nhôn Mai đã trở thành quê hương thứ hai, là một nửa cuộc đời của người thầy giáo quê gốc xứ Lường này. Bởi vì, giờ đây thầy Qùy đã có một mái ấm hạnh phúc bên dòng Huổi Hý với hai đứa trẻ kháu khỉnh cùng cô vợ người Thái có gốc gác ở nơi đây. Đó chính là lý do vì sao đã đủ thâm niên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng chưa bao giờ thầy nghĩ đến chuyện rời xa vùng đất khắc nghiệt này.
Một gian nhà trọ của học sinh Trường PTCS Nhôn Mai (Tương Dương)
Qua làn mưa giăng kín núi rừng, tôi thấy Nhôn Mai gần như chẳng có mấy đổi thay. Đường đi vẫn chỉ là những lối mòn chênh vênh sườn núi. Dấu hiệu của nền kinh tế thị trường vẫn chưa xuất hiện hoặc còn rất mờ nhạt. Trường học vẫn là những dãy nhà cũ kỹ, đằng sau là dãy nhà trọ dựng bằng tre nứa của các em học sinh ở xa. Bữa tối vẫn diễn ra ở căn phòng năm ấy trong ánh điện tua-bin nhập nhòe. Thầy Trần Hưng Thái, Hiệu trưởng trường PTCS nói như phân bua: “Phải nhường điện cho học sinh học ban đêm nên thiếu ánh sáng. Các thầy cô phải chờ đến đêm khuya mới đủ điện để soạn bài”.
Tôi đội mưa, vừa đi, vừa bò, vừa lội bì bõm đến UBND xã, Chủ tịch Vi Văn Kỳ liền hỏi ngay: “Anh thấy Nhôn Mai có gì đổi thay không?”. Đang lưỡng lự chưa biết nên trả lời thế nào thì ông Kỳ vội nói luôn: “Với điều kiện xa xôi cách trở, kết cấu hạ tầng như thế này, chúng tôi vẫn chưa tìm được hướng đi để thoát nghèo. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức trên 90%, dẫn đầu toàn huyện”.
Đối với những người ở xa đến Nhôn Mai, điều đáng ngại nhất không phải là đường sá xa xôi hay cuộc sống đói nghèo, mà chính là vấn đề thông tin liên lạc với bên ngoài. Có người từng gọi nơi đây là ốc đảo, cách gọi này vừa đúng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi lẽ, ngoài sự gian nan cách trở về đường đi thì đường dây, cánh sóng của các nhà mạng vẫn chưa vươn tới được chốn thâm sơn cùng cốc này. Cả xã chỉ có một chiếc điện thoại vệ tinh đặt tại trụ sở xã. Những ngày nắng ráo, trời quang mây tạnh có thể liên lạc bình thường. Còn những ngày trời mưa hoặc âm u thì nó cứ tậm tà tậm tịt, thậm chí mất tín hiệu hoàn toàn.
Măng rừng- món ăn hàng ngày của học sinh vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, Tương Dương (Nghệ An)
Anh Phạm Văn Tiến, người bạn chí thân từ hồi ở trường đại học đã bám trụ Nhôn Mai hơn 6 năm. Cái lần đầu tiên ngồi xuồng máy vượt thác ghềnh Nậm Nơn đến với mảnh đất này, anh đã định bỏ cuộc. Anh đã xin chuyển ra các xã vùng ngoài để có điều kiện liên lạc hoặc thuận tiện cho việc về quê ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Vì bố anh vừa phát hiện bị căn bệnh ung thư tụy, sự sống bây giờ chỉ tính bằng tháng, bằng ngày. Điều anh lo sợ nhất là không có mặt bên người bố thân yêu trong phút lâm chung như trường hợp của một đồng nghiệp cách đây gần 10 năm. Thầy giáo này nhận được tin bố mất mãi sau 1 tuần. Vì đúng vào những ngày mưa liên miên nên không thể liên lạc được bằng điện thoại, phải chuyển thư tay cho những người lái xuồng. Mùa mưa lũ, nước sông dâng cuồn cuộn, việc lưu thông đường thủy không phải chuyện dễ dàng. Thật may mắn, nguyện vọng của anh Tiến được Phòng Giáo dục chấp nhận.
Ngày tôi lên Nhôn Mai cũng là ngày anh nhận được quyết định luân chuyển ra Trường THCS Yên Na. Mấy ngày sau, tôi với anh cùng ngồi một chiếc xuồng máy để rời Yên Na. Chủ tịch Vi Văn Kỳ và các thầy cô giáo tiễn ra tận bến đò. Ông Kỳ nắm chặt tay tôi và nói: “Thầy Tiến chuyển công tác nhưng anh đừng quên Nhôn Mai nhé!”. Sau hơn 6 năm bám trụ nơi đầu nguồn Nậm Nơn, hành trang trở về của người bạn tôi cũng chỉ có một hòm đựng sách, giáo án, giấy tờ cùng mấy tấm bằng khen, giấy khen.
Xuồng rời Nhôn Mai trong màn mưa dày đặc. Vẻ mặt của Tiến cứ đăm chiêu mỗi lúc ngoái lại nhìn. Tôi thực sự không biết tâm trạng anh đang vui hay đang buồn...
Công Kiên