Trở về trong những vòng tay
Cả 3 cháu Ngân Thị Ứng, Moong Thị Oanh (La), Ven Thị Huyền sau những tháng ngày phải lưu lạc trên đất lạ, nay đã trở về trọn vẹn. Nghe qua điện thoại, các cháu vẫn hồn nhiên cười, tuổi 17, đã đoán định được tương lai đâu. Nhưng những người có trách nhiệm thì lo thắt ruột, lo cho đường dài tương lai của các em.
(Baonghean.vn)- Cả 3 cháu Ngân Thị Ứng, Moong Thị Oanh (La), Ven Thị Huyền sau những tháng ngày phải lưu lạc trên đất lạ, nay đã trở về trọn vẹn. Nghe qua điện thoại, các cháu vẫn hồn nhiên cười, tuổi 17, đã đoán định được tương lai đâu. Nhưng những người có trách nhiệm thì lo thắt ruột, lo cho đường dài tương lai của các em.
Từ cửa khẩu ở Lạng Sơn, đêm 27, rạng ngày 28/4, các em Ứng, Oanh, Huyền đã được trở về TP Vinh sau nhiều tháng trời bị bán sang Trung Quốc nhờ sự nỗ lực của báo chí và cơ quan chức năng...
Các cháu về tại Phòng CS điều tra tội phạm về trật tự xã hội lúc 3h30
...Lúc 10h47phút, đêm 27/4/2012, chúng tôi gọi vào số máy của đại úy Phan Văn Giám, Phòng CS điều tra về TTXH (CA tỉnh Nghệ An) - là người trực tiếp được cơ quan công an cử đi đón 3 cháu từ Lạng Sơn, anh cho biết, xe chở các em về đang bị tắc đường đoạn cuối Ninh Bình, nơi bắt đầu vào tỉnh Thanh Hóa. Đại úy Phan Văn Giám và tôi liên tục giữ liên lạc. Cầu mong cho các em trở về yên lành.
Hôm nay (28/4), các em sẽ gặp lại người thân ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An). Qua điện thoại, chúng tôi đã gặp được ông Moong Văn Xổm, 61 tuổi, bố của Moong Thị Oanh (tức La), ông kể : Người vợ đầu của ông là bà Moong Thị Lan, sinh năm 1955, vì bị ung thư, bà Lan mất năm 2000, để lại cho ông 10 người con. Những năm tháng cô đơn, buồn bã, vẫn chưa nguôi với người vợ đầu, nhưng vì một nách, 10 con, ông tiếp tục gá nghĩa với chị Moong Thị Ba (1962), người cùng bản. Kết quả của lần thứ 2 là Moong Thị Thiêm, 1976 và Moong Thị Oanh (1997). Oanh, (tức La) sinh vào giữa năm, lúc đấy trời nắng gắt, ông Xổm nhớ vậy. Học dở lớp 8, trường THCS Hữu Kiệm – huyện Kỳ Sơn, Oanh (tức Lan) bị những người xấu vẽ ra viễn cảnh tiền bạc; bố mẹ có biết gì đâu. Vòng xoáy tiền bạc đã khiến Oanh cuốn vào một cách vô thức, em cũng không định hình được mình làm gì.
Không chỉ người thân của các em mong ngóng, chúng tôi- cánh phóng viên cũng đã túc trực suốt đêm để đón các em trở về. Lúc này là 3h30phút sáng ngày 28/4, đội giải cứu CA tỉnh Nghệ An do đại úy Phan Văn Giám dẫn đầu đã về đến cơ quan cảnh sát điều tra. Trò chuyện với chúng tôi trong đêm trở về, câu đầu tiên là em mượn điện thoại tôi để gọi cho chú ruột Moong Văn Uyển, công tác tại cơ quan cấp huyện. Cạnh em, Ngân Thị Ứng, có vẻ buồn bã, bởi mẹ em không có tiền, cũng chẳng biết đường xuống Vinh đón em về. Nhưng những vòng tay vẫn còn đó, chúng tôi đang ở cạnh các em.
Lúc 4giờ sáng nay (28/4), anh Moong Văn Uyển gọi cho chúng tôi, bảo đã lên được xe khách cùng với bố cháu, ông Moong Văn Xổm, khoảng 10h trưa nay sẽ về đến TP Vinh.
Kể lại với chúng tôi qua những nghẹn ngào, Moong Thị Oanh nói rằng:” Năm nay cháu 16 tuổi (Oanh sinh năm 1997), cháu là người dân tộc KhơMú. Bữa nớ, bố mẹ cháu ở trên xơnăm (chòi rẫy) không về, cháu đi học về (em học lớp 8-PV), thấy có 3 người trong bản đến rủ cháu đi làm việc ở Móng Cái, lương cao lắm. Họ đưa cháu lên xe, đi đến Con Cuông, họ chuyển cháu cho người khác, rồi xe chạy đến Móng Cái, họ cho cháu ăn cơm, khi ăn xong, cháu thấy buồn ngủ quá”. Oanh lại kể “ Cháu bây giờ có chồng Trung Quốc rồi, chồng cháu không biết tên chi, bố mẹ chồng khó tính lắm, nói mua cháu về giá 5 vạn tệ (tương đương 160 triệu đồng Việt Nam - PV). Cháu muốn về nhưng không về được.".
...Từ thông tin qua những bài báo đăng trên Báo Nghệ An về nhức nhối nạn buôn bán người diễn ra ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã vào cuộc, chỉ đạo ngành chức năng như công an tỉnh, ngành LĐTBXH, bộ đội biên phòng Nghệ An nỗ lực giải cứu đưa các em về. Đại tá Nguyễn Văn Túy, Chính ủy BCH BĐBP Nghệ An, điện thoại trực tiếp ra Biên phòng Lạng Sơn nhờ sự giúp đỡ của lực lượng Biên phòng Lạng Sơn. “Cố gắng bằng mọi cách đưa các cháu về an toàn nhé”.
Các cháu trở về rất an toàn. Lúc chúng tôi gặp, cả 3 cô bé tại cơ quan CSĐT đều cười đùa vui vẻ, dường như các em không hiểu mình mới trải qua việc gì. Những ngón tay của cháu Ven Thị Huyền đã thấy nhuộm màu sặc sỡ, sao mà nhanh thế, cháu ơi? Người lớn thì lo thắt ruột, các cháu thì vô tâm quá! Ông Xổm, bố cháu Oanh nói với chúng tôi qua những nghẹn ngào “Nhà còn 2 con bò, phải bán hết luôn để có tiền lo trang trải, có tiền xuống Vinh đưa cháu về anh ạ!”.
Chỉ trong ngày hôm nay thôi, các cháu sẽ được về với gia đình, bố mẹ, người thân sẽ được gặp các em sau nhiều tháng trời bị buôn bán phải lưu lạc ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đằng sau sự việc này còn đó bao nhiêu vấn đề xã hội đang nhức nhối, nhất là ở các vùng biên, các huyện miền núi rẻo cao khi cuộc sống của đồng bào còn đầy rẫy khó khăn, bất trắc, khi cuộc sống của con em chưa được gia đình, chính quyền đoàn thể chăm lo chu đáo, để các em sa vào bẫy của bọn buôn người . Dù sắp được gặp con sau nhiều tháng trời lưu lạc, những vẫn nặng trĩu lòng những tâm sự của một người bố, người mẹ lo cho đứa con gái nhỏ, làm tim tôi lại nhói lên. Chúng tôi tạm biệt các em khi trời đã chuyển sang ngày, một ngày mới dần đến. Và mong sao, những ký ức buồn sẽ lùi sâu và cuộc sống mới sẽ đến với các em như bình minh ngày mới. Những dại dột qua đi, vẫn còn bài học nhẹ dạ ở lại!
Trần Hải-Hồng Sọc
Trần Hải-Hồng Sọc