Nghìn lẻ chiêu “móc túi” bệnh nhân
Sản phụ đẻ thường nhưng vẫn được điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong 16 ngày, có bệnh nhân nửa đêm bị nhân viên y tế "dựng" dậy đi chụp cộng hưởng từ... là những mánh khóe một số bệnh viện áp dụng để rút tiền của người bệnh, quỹ bảo hiểm y tế.
Đây là kết quả thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại 13 tỉnh, thành bị bội chi hoặc có nguy cơ bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (2009 - 2011).
Hiện nay, lạm dụng từ phía các cơ sở y tế có tính phổ biến, ngày càng gia tăng với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, phổ biến là lạm dụng chẩn đoán hình ảnh như: chỉ định quá mức các dịnh vụ kỹ thuật đắt tiền không cần thiết, nhiều dịch vụ chồng chéo, các dịch vụ kỹ thuật thực hiện nhiều lần nhưng kết quả không mấy khác biệt, lạm dụng siêu âm...
Tình trạng lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, nội soi chẩn đoán... khá phổ biến tại một số bệnh viện. Ảnh minh họa: N.P.
Ông Nguyễn Tá Tỉnh, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, lấy ví dụ tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định, ngay các cán bộ của đoàn kiểm tra cũng “phát hoảng” vì “khả năng” chỉ định các dịch vụ kỹ thuật đắt tiền tại đây. Nhiều bệnh nhân chỉ cần siêu âm cũng có kết quả tốt nhưng bệnh viện vẫn chỉ định đi chụp cộng hưởng từ (MRI) như: u nang buồng trứng, sán lá gan...
Theo phản ánh của nhiều người bệnh, có trường hợp sản phụ “mẹ tròn con vuông” ra viện rồi cũng được yêu cầu quay lại bệnh viện chụp MRI để “Nếu không quay lại chụp MRI, sản phụ có băng huyết thì bệnh viện không chịu trách nhiệm”.
Cũng vì thế mà phần chi phí từ các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định chiếm tới 49% trong cơ cấu chi phí khám, điều trị ngoại trú và chiếm gần 29% trong chi phí điều trị nội trú. Trong khi đó, các tỷ lệ này của cả nước chỉ ở mức 10%-12%, ông Tỉnh cho biết.
Trong khi đó, cũng theo ông Tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ lại cố tình chẩn đoán thật nhiều bệnh trên một bệnh nhân để chỉ định làm một loạt các dịch vụ kỹ thuật.
Bệnh viện cũng cho máy siêu âm hoạt động vượt quá công suất để tận thu. Chẳng hạn, thời gian để hoàn thành một lần siêu âm ổ bụng là 5-7 phút, tim khoảng 25-30 phút. Thế nhưng tại đây, mỗi ngày mỗi máy siêu âm đến hơn 160 lần là phổ biến, thậm chí có ngày đạt mức hơn 250 lần (tương đương với việc máy siêu âm vận hành liên tục 18-20 tiếng mỗi ngày, không cả nghỉ đêm!)
Vì thế, thời gian siêu âm hoặc doppler cho bệnh nhân đạt mức ngắn "kỷ lục", chỉ 1-3 phút, không đủ để thực hiện dịch vụ. Dù người lớn hay trẻ em, kết quả doppler đều rất giống nhau nên không có giá trị hoặc ít có giá trị về thăm khám và theo dõi chữa trị… Doppler mạch thì cũng chỉ có 2 kết quả: co thắt hoặc bình thường, các chỉ số trên phiếu kết quả rất giống nhau, ghi chung chung.
“Một bệnh nhân vừa siêu âm ổ bụng, tim, siêu âm nội soi nhưng tổng thời gian của bệnh nhân chỉ có 5 phút thì sẽ không thể đảm bảo độ chính xác. Có thể tim của bệnh nhân không bình thường nhưng vẫn được nhận kết quả siêu âm bình thường”, ông Tỉnh nói. Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế cũng "sính" dùng các thủ thật, nhất là dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền và phục hồi chức năng.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng chỉ có 22 cán bộ nhân viên nhưng riêng ngày 1/7/2011 đã thống kê, đề nghị thanh toán hơn 1.700 lượt làm thủy châm, xoa bóp bằng tay, kéo giãn cột sống thắt lưng, điện châm....
Theo ông Tỉnh, điều bất thường là chi phí của một khoa như thế chiếm tới 50% chi phí khám chữa bệnh của toàn bệnh viện. Kết quả tính toán lại cho thấy tổng số lượt thủ thuật phục hồi chức năng mà bệnh viện kê khai vượt xa quỹ thời gian và khả năng làm việc thực tế của cán bộ y tế.
Ngoài những hình thức trên, nhiều bệnh viện còn lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh đắt tiền. Đơn cử tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, số thuốc kháng sinh quý đắt tiền chiếm tới hơn 70% số thuốc kháng sinh được kê cho người bệnh.
Kiểm tra ngẫu nhiên 45 bệnh án tại khoa sản bệnh viện này với chẩn đoán đẻ thường cho thấy tất cả đều được chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng Klamentin, dùng liên tục trong 16 ngày (trong khi bình thường chỉ dùng đến 7 ngày). Riêng trong quý 1/2009, Khoa này đã cấp tới gần 4.000 viên Klamentin với tổng số tiền là gần 38 triệu đồng đồng cho người bệnh sau khi ra viện.
Bên cạnh đó, việc chỉ định sử dụng thuốc điều trị hỗ trợ (không phải là thuốc điều trị bệnh) quá rộng rãi cũng là một vấn đề nổi cộm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hợp lực, tỉnh Thanh Hóa, năm 2010 có tới hơn 90% bệnh nhân điều trị nội trú được chỉ định truyền đạm… Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nhiều trường hợp không có chẩn đoán bệnh về gan nhưng vẫn chỉ định sử dụng thuốc Arginin.
Không những thế, giá các loại thuốc hỗ trợ như như Glucosamin uống, Arginin uống và L-Ornithin-L-aspartat tiêm, Ginko Biloba uống... cũng cao bất thường. Chẳng hạn, giá Ginko Biloba uống (cùng loại biệt dược) trúng thầu vào các bệnh viện có thể chênh lệch đến... 12 lần. So sánh cùng loại hoạt chất, các thuốc có giá cao được thầy thuốc chỉ định sử dụng nhiều hơn và thường chỉ định theo tên thương mại, trái quy định của Bộ Y tế.
Theo ông Tỉnh, một trong những khó khăn của những cán bộ làm công tác giám định bảo hiểm y tế là họ chỉ có chức năng kiểm tra mà chưa có chức năng xử phạt. Vì thế, khi phát hiện hành vi vi phạm, họ thông báo với ngành y tế và cơ quan chức năng có thẩm quyền, còn việc xử lý, xử phạt cơ sở vi phạm như thế nào thì ngành Bảo hiểm xã hội vẫn chưa có bất cứ hồi âm gì. Trong khi nếu không xử lý triệt để, những hành vi này sẽ dễ tái diễn.
Theo Express