Chính ủy Võ Thúc Đồng trên mặt trận Trung Lào

10/03/2012 16:01

(Baonghean) Tháng 9 năm 1953, tôi về dự Hội nghị quán triệt 3 nhiệm vụ lớn của Liên khu 4 trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954. Cuộc họp vừa xong, một đồng chí cán bộ văn phòng Bộ Tư lệnh Liên khu đến rỉ tai:


- Mời đồng chí Trường Sinh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn tình nguyện quân 120 lên gặp Chính ủy Võ Thúc Đồng. Đến nơi, không kịp để tôi chào hỏi, anh Đồng vào việc luôn:


- Tình hình khẩn trương lắm rồi! Khu ủy đã phân công, anh Hoàng Anh – Bí thư Liên khu ủy trực tiếp chỉ đạo Thanh Hóa phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mình cùng cậu sang Trung Lào bàn với anh Khăm Tày, Tư lệnh Trung Lào mở chiến dịch Trung Lào. Đêm nay ta đi luôn, vừa đi cậu vừa nắm tình hình nhiệm vụ tôi vừa nghe về Lào, làm sao nắm chắc được các vấn đề để đến Lào là ta triển khai ngay. Công việc gấp lắm rồi!




Chủ tịch Pô-gốt-nưi, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô gắn Huân chương Hữu nghị giữa các dân tộc cho đồng chí Võ Thúc Đồng

Tôi chẳng kịp ghé Đức Thọ thăm vợ con dù đã cách xa mấy năm, ăn cơm tối xong là chúng tôi lên đường ngay. Bài học đầu tiên tôi học được trong chuyến hành quân này ở Chính ủy Võ Thúc Đồng là tính khẩn trương và cụ thể. Phần phổ biến nhiệm vụ cho tôi, anh nói ngắn gọn để tôi nắm được yêu cầu của chiến dịch, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc hậu phương Khu 4 chi viện tối đa sức người, sức của cho Điện Biên, Trung Lào, Bình Trị Thiên. Còn phần tôi báo cáo cho anh thì vô cùng gian khổ, anh hỏi tỉ mỉ mọi việc tình hình quân, dân, lực lượng bạn, tình hình địch, ý định của tôi, của các đồng chí trong chỉ huy Trung đoàn. Song đến Lắc Xao tôi định điều thêm một trung đội đi bảo vệ anh vì đoạn đường sắp tới địch hay phục kích, anh gạt phắt đi:


- Các cậu thông thạo tiếng Lào đến đâu ta dựa vào dân ở đó bảo vệ là tốt nhất. Không ai bảo vệ được cán bộ bằng dân. Đi càng gọn nhẹ đội hình càng đảm bảo bí mật. Nhưng hướng hành quân, giờ hành quân thì phải luôn thay đổi, luôn đánh lạc hướng địch...


Chúng tôi không về Sở Chỉ huy Trung đoàn mà tới ngay Sở chỉ huy Trung Lào của Tư lệnh Khăm - Tày. Biết anh Đồng qua, anh Khăm Tày mừng lắm, khoản đãi một chóe rượu cần. Phong cách ứng xử linh hoạt nên trong tiệc rượu anh Đồng đã báo cáo xong, những dự kiến của Đảng ủy Liên khu về chiến dịch. Yêu cầu về tổ chức Liên quân Lào – Việt được anh Khăm Tày hết sức hoan nghênh và phân công ngay trong tiệc rượu: Anh Khăm Tày, Tư lệnh và anh Đồng, Bí thư Ban Cán sự kiêm Chính ủy liên quân, Chính ủy các lực lượng tình nguyện (kể cả các đơn vị bộ sắp chi viện sang). Tôi được chỉ định làm Phó Ban cán sự, anh Phùng Duy Phiên được chỉ định làm tham mưu trưởng.


Cuộc họp Ban Chỉ huy Liên quân Lào – Việt được tổ chức ngay trong sáng đầu tiên khi anh Đồng đến Sở Chỉ huy Trung Lào. Sau một buổi thảo luận, phân tích tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, anh Khăm Tày đề nghị anh Đồng kết luận hội nghị. Tôi hơi giật mình, chân ướt chân ráo vừa đến, tình hình ta lúc này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tiếp tế, tình hình bạn lúc này cơ sở còn mỏng, lực lượng chiến đấu thiếu đồng bộ, trong lúc địch còn 5 tiểu đoàn trang bị đầy đủ, cơ sở hậu cần phong phú, còn chốt chặn trên các trục đường 8, 9, 12… liệu anh Đồng kết luận sao đây?


Đặc biệt, trong công tác với bạn nếu sơ suất lần đầu thì sau mọi việc đều khó. Ai dè, với năng lực vượt trội của mình, anh Đồng kết luận đâu vào đó. Đặc biệt 4 giải pháp đưa ra là: Ta và bạn phối hợp chặt chẽ liên tục mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ các cấp xã, huyện, tỉnh; tổ chức 30 đoàn đi xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, vận động các bản làng xây dựng lực lượng du kích, đóng góp xây dựng LLVT ở Ma Ha Xây, Bô La Pha, Tà Ôi, Nương Nòng, Kăm Kớt, ven đường 9… Về cung cấp, anh chỉ thị cho anh Nguyễn Văn Thân – Khu ủy viên Khu 4 đảm trách cung cấp chiến dịch, thành lập các trạm vận tải từ Nghệ - Tĩnh sang Trung Lào, huy động 30 vạn dân công ở hai tỉnh này để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… Anh Đồng kết luận vừa xong, tiếng vỗ tay đã vang lên như sấm. Tôi thật không ngờ anh nắm tình hình nhanh, chỉ đảo sát đến thế. Và điều tôi thấm thía nhất là mọi việc anh đều đặt cơ sở giải quyết từ thế trận lòng dân. Sau cuộc họp, uy tín anh Ka Xỉ (tên Lào của anh Đồng) được nhân lên rất nhanh trong bạn.


Anh là một cán bộ chính trị dạn dày kinh nghiệm, những ngày gần anh tôi học tập được ở anh một tinh thần chịu khó lắng nghe mọi người để rút ra những kết luận có tính lãnh đạo và chỉ đạo cao nhưng lại rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Hôm bàn về phương châm tác chiến chiến dịch, anh phát biểu trước, nêu lên 12 chữ: “Chủ động, linh hoạt, bí mật, bất ngờ, đánh chắc, diệt gọn” để chỉ đạo các đơn vị và cơ quan xây dựng kế hoạch cho sát hợp tình hình. Hết sức chăm lo đến công tác đảng, công tác chính trị, anh trăn trở cùng với cơ quan chính trị tìm mọi biện pháp để giáo dục cho bộ đội, dân công, thanh niên xung phong nhận thức rõ, sâu lời Bác: “Giúp bạn là tự giúp mình, là ăn cơm nhà, làm việc nhà trên đất bạn”, chăm lo việc thực hiện các chính sách dân tộc với bạn trong quá trình làm nhiệm vụ. Đến đâu anh cũng nhắc phải làm sao để thực hiện được câu khẩu hiệu “Đi dân nhớ, ở dân thương”.


Trong lãnh đạo chiến đấu, anh Đồng có những cách làm rất mới. Việc điều động Đại đội 126 Thanh Chương, 128 Con Cuông, điều động các đơn vị bộ đội địa phương khác ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên tham gia chiến đấu là sáng kiến của anh. Tôi nhớ mãi anh nhắc tôi khá nhiều lần, lâu dài là một tỉnh của Liên khu phải kết nghĩa, đỡ đầu giúp một tỉnh của bạn. Quả là một tầm nhìn xa, rất xa!.


Khi ở chiến trường chính Bắc bộ, Đại đoàn 316 nổ súng tấn công giải phóng Lai Châu, anh thống nhất với anh Khăm–Tày cho Trung đoàn 101 tiến công giải phóng Khăm-He ngay. Chiến thắng Khăm – He ngày 20/12/1953 là cơ sở để anh và anh Khăm Tày hạ quyết tâm giải phóng Kha Ma, Nhom Ma Rát, Khăm Muộn. Khi tướng Nava bổ sung mấy binh đoàn, anh mừng quá reo lên: “Thế là hắn trúng kế ông Giáp rồi!” Và anh nhắc chúng tôi ngay: Sắp tới khó khăn đó! Quả đúng như vậy. Địch lợi dụng tăng viện, lợi dụng khả năng đảm bảo hậu cần phản công quyết liệt. Trong khó khăn, anh Đồng tỏ ra hết sức bình tĩnh. Tôi còn nhớ phương châm lúc đó anh nêu là: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, phát triển xuống phía Nam”. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng!


Chiến thắng Trung Lào là một cột mốc chiến công rực rỡ trong lịch sử liên minh chiến đấu Việt – Lào. Trong chiến thắng này, vai trò của Chính ủy Võ Thúc Đồng rất quan trọng. Lúc thuận lợi, lúc khó khăn anh đều là tấm gương, là điểm tựa, niềm tin cho chúng tôi. Gần anh trong suốt thời gian chiến dịch, tôi đã nhận ra ở anh tư chất nổi trội của một cán bộ đảng, một nhà chỉ huy quân sự, một người làm công tác đối ngoại khéo léo trong ứng xử, vững vàng trong nguyên tắc và là một người đồng chí luôn chân tình, quý trọng anh em!.

_____________

(Ghi theo lời kể của Thượng tá Trường Sinh – nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120 Bộ đội tình nguyện, Phó Ban cán sự chiến dịch Trung Lào, quê Đức Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh)


Nguyễn Khắc Thuần