Nuôi giun cao sản- nghề mới ở Nam Đàn

28/02/2012 15:50

(Baonghean.vn) - Hiện nuôi giun cao sản đang là mô hình mới, chỉ trong thời gian ngắn sẽ thu hồi vốn, có lãi cao; đặc biệt là kỹ thuật nuôi đơn giản lại nhàn hạ nên lôi cuốn được sự quan tâm và tham gia của nhiều hội viên hội Cựu chiến binh Nam Đàn.

Người tiên phong mang nghề nuôi giun cao sản về huyện Nam Đàn là ông Dương Văn Minh, hội viên Hội Cựu chiến binh ở xóm 4 xã Nam Phúc. Được biết trong một lần đi thăm anh em đồng đội, ông đặc biệt ấn tượng với mô hình nuôi giun cao sản của người bạn cùng chiến đấu năm xưa ở Hà Tĩnh. Được người bạn hướng dẫn và giới thiệu với nhà cung cấp giống- là Công ty Cổ phần Thương mại- Du lịch Hùng Vương (Đông Anh - Hà Nội), do không có điều kiện để làm chuồng trại nên ông Minh đã kết hợp với ông Lê Ngọc Dần (là chi hội trưởng hội CCB xã Nam Kim) mạnh dạn mua 50kg giun giống về thử nghiệm trên 50m2 đất; sau 3 tháng thu hoạch được 4 tạ giun với giá xuất bán 130.000 đồng/kg. Sau khi hạch toán thấy có lãi cao mà cũng nhàn hạ, 2 ông quyết định nâng gấp đôi diện tích nuôi lên 100m2 đất với 2 tạ giun giống. Từ đầu năm 2011 đến nay, họ đã xuất bán được 3 lứa, khoảng 1,2 tấn giun thương phẩm, thu về khoảng 160 triệu đồng.

Chỉ trong thời gian ngắn, từ mô hình của ông Dương Văn Minh đã có 7 hội viên có điều kiện phát triển mô hình được cán bộ Công ty về tận nhà chuyển giao công nghệ, cung cấp vật tư đầy đủ, hướng dẫn tận tình theo lối "cầm tay chỉ việc"; với tổng diện tích nuôi hơn 600m2 đất. Một con giun “trưởng thành” có kích thước khoảng 10cm, khả năng sinh sản rất nhanh, số lượng được tăng lên theo cấp số nhân. Cứ 1 kg giun giống sau hơn 3 tháng nuôi có thể thu hoạch được từ 15-20 kg giun thương phẩm...

Một trong những hộ nuôi giun lớn hiện nay là ông Trần Minh Dung - Chủ tịch hội CCB huyện Nam Đàn (ở xóm xã Xuân Lâm- Nam Đàn); tổng diện tích sàn nuôi gần 80m2 đất, với số vốn đầu tư ban đầu là hơn 150 triệu đồng. Bốc một nắm giun đang nuôi lứa thứ 2 lên tay, ông Dung phấn khởi cho biết: "So với vật nuôi khác, nuôi giun dễ hơn nhiều, không tốn công, lại nhanh có thu nhập. Lứa đầu chỉ sau 3 tháng là thu hoạch. Tuy nhiên, các hộ phải cam kết tuân thủ khắt khe về kỹ thuật nuôi được ký kết trong hợp đồng với Công ty cung cấp giống nên rất tốn kém, nhất là tiền các loại chế phẩm. Nhưng nếu giá bán và đầu ra thuận lợi đúng như Công ty triển khai thì chỉ sau 5- 6 lứa nuôi là chúng tôi thu hồi được vốn".



Phân trâu, bò được ủ bằng một loại chế phẩm xử lý vi khuẩn để làm thức ăn cho giun

Trao đổi về kỹ nuôi và cách phòng trừ dịch bệnh, ông Dung cho biết: Nguồn thức ăn của giun chủ yếu là phân trâu, bò. Sau khi thu gom phân từ các hộ chăn nuôi về phải hoà chế phẩm xử lý vi khuẩn, mầm bệnh vào nước tưới đều lên phân, sau một đêm phân tươi sẽ mất mùi. Ủ trong bể xi, trát kín bùn bề mặt một tháng sau sẽ thành nguồn thức ăn cho giun. Nếu không sẵn nguồn phân chuồng, có thể dùng rơm rạ, thân cây chuối để ải mục... dùng một loại chế phẩm khác ủ trong vòng 1,5 tháng là giun ăn có thể ăn được. Cách 3 ngày cho giun ăn một lần, trước khi cho ăn phải bỏ vào thùng dùng mô tơ có chong chóng đánh nhuyễn sau đó cho thêm 2 loại chế phẩm khác để bổ sung dinh dưỡng và chống thoái hoá cho giun.

Sau 1 tháng nuôi, cách 15 ngày phải đảo sàn 1 lần, sau những những lần đảo sản thần kinh giun thường bất ổn định nên phải dùng một loại chế phẩm khác để chống giun bò lên tường. Sau 2 tháng nuôi, cứ 10 ngày hớt lớp đất kén một lần (kén này sẽ nở ra giun để gây giống lứa sau)... Trong quá trình nuôi, chuồng trại phải thoáng khí; độ ẩm, nhiệt độ phải luôn đảm bảo từ 65- 70% và 25- 300C. Và giun chỉ bị bệnh và chết do nguồn thức ăn không đúng quy chuẩn gây nên, hoặc nguồn thức ăn bị nhiễm chất hoá học (như xà phòng, vôi, tro bếp...).



Lứa giun thứ 2 (được nuôi từ ngày 15/1/2012) của ông Trần Minh Dung,
Chủ tịch hội CCB huyện Nam Đàn

Ông Trần Minh Dung cho biết thêm: Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức 2 buổi tham quan, tập huấn đầu chuồng tại trại nuôi của ông Dương Văn Minh cho gần 100 hội viên có nhu cầu tìm hiểu mô hình. Hiện toàn huyện Nam Đàn có 7 trại nuôi giun cao sản của các hội viên Hội cựu chiến binh như ông Nguyễn Văn Chương (ở xã Nam Kim nuôi 100m2 đất; ông Từ Đức Sơn (ở xóm 2, xã Nam Cường ) nuôi 90m2 đất; ông Nguyễn Văn Đức (ở xã Nam Trung ) nuôi 70m2 đất... Có thể nói, nuôi giun cao sản đang được xem là mô hình phát triển kinh tế mới có triển vọng".

Theo hướng dẫn của Công ty CP Thương mại- Du lịch Hùng Vương, chỉ mất tiền đầu mua giống ban đầu, đến các lứa nuôi tiếp theo tự để giống được nên chỉ mất tiền mua chế phẩm, nếu làm đúng quy trình có thể gây giống trong 9 năm. Hết lứa nuôi 1 phân giun nên để lai chuồng trại vì vẫn còn trứng giun, từ lứa thứ 4 trở đi công ty sẽ thu mua phân giun với giá 1,5 triệu đồng/tấn. Ngoài ra công ty còn đưa ra thông tin: Thị trường giun rất rộng lớn và ổn định, thực tế sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các nước để làm thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm làm đẹp... Mà những sản phẩm này được ví như cơm ăn nước uống hằng ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ nuôi giun cao sản phải mua con giống và 7 loại chế phẩm có công dụng khác nhau của công ty. Trong hợp đồng, công ty nêu rõ các hộ nuôi phải mua và sử dụng thuốc chống thoái hoá (gọi tắt là thuốc tăng trưởng), thuốc ủ chất nền, ủ phân làm thức ăn cho giun. Như vậy, nếu một hộ nuôi 300kg giun giống cho 50m2 đất đã mất gần 102 triệu đồng (340.000 đồng/kg), chế phẩm các loại là 20 triệu, chưa kể đầu tư chuồng trại thì số tiền mỗi hộ phải bỏ ra là không nhỏ. Nếu nuôi ồ ạt, công ty không có khả năng thu mua giun thành phẩm, "cao chạy xa bay" thì phần thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về người dân. Vì vậy người nông dân cũng cần phải cẩn trọng với mô hình làm giàu này.


Ngọc Anh