Hồng Long giàu từ xuất khẩu lao động

29/03/2012 18:19

(Baonghean.vn) - Thấy chúng tôi tấm tắc khen ngôi nhà 2 tầng nổi trội giữa vùng giáo xứ Thượng Nậm, chủ nhà ông Nguyễn Ngọc...

(Baonghean.vn) - Thấy chúng tôi tấm tắc khen ngôi nhà 2 tầng nổi trội giữa vùng giáo xứ Thượng Nậm, chủ nhà ông Nguyễn Ngọc Sơn (ở xóm 4, xã Hồng Long, Nam Đàn) khoe: “Đều do 3 đứa con đi xuất khẩu lao động gửi về xây nhà cả đấy… hàng chục cái nhà cao to ở đây cũng nhờ có người đi xuất khẩu lao động cả".

Nhà nhà... đi xuất khẩu lao động

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Long, cho biết: Là xã thuần nông, ngoài trồng trọt chăn nuôi lại không có nghề phụ, dù có chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống của bà con vẫn luẩn quẩn với miếng cơm manh áo. Từ năm 2006 - 2007, phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã mang đến luồng gió mới. Đảng bộ xã đã ra hẳn một nghị quyết chuyên đề về xuất khẩu lao động. Chính quyền đã chủ động liên hệ với một số đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động, không thu tiền các dịch vụ của bà con, gồm: khám sức khỏe, làm hộ chiếu, học tiếng và lo các thủ tục giấy tờ có liên quan. Nhận ra đây chính là cơ hội để thoát nghèo, người dân đăng kí đông ngoài sức tưởng tượng của chính quyền xã.

Trên đường dẫn chúng tôi đến những gia đình có người đi xuất khẩu lao động, anh Sơn hồ hởi: Đi dọc trong xã cứ thấy nhà nào cao to, màu sơn tươi mới ấy là những nhà có người đi xuất khẩu lao động. Quả thực, ở đây rất nhiều nhà xây cất khang trang, hai ba tầng "to như nhà ở phố".




Những ngôi nhà khang trang ở xã Hồng Long (Nam Đàn) được xây dựng từ nguồn tiền lao động đi xuất khẩu gửi về.

Ở Hồng Long, có nhiều người đi lao động qua các Công ty chuyên xuất khẩu lao động, cũng có người khoán gọn cho những "đường dây môi giới", "đường dây gia đình"... Người đi trước rước người đi sau, tạo thành phong trào. Trong vòng 10 năm, trên địa bàn thôn có gần 1.000 lượt người đi xuất khẩu lao động. Tại thời điểm, cả xã có khoảng 200 người đang lao động tại các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaixia… Số tiền hàng năm các lao động này gửi về cho gia đình lên đến hàng tỷ đồng. Đây chính là nguồn lực đã làm thay đổi hẳn làng quê vốn nghèo khó này.

Đảm đang "gà trống nuôi con"...

Anh Phạm Hồng Sơn, Trưởng ban Văn hoá xã có vợ đi XKLĐ Đài Loan đã hơn 6 năm nay. Ngoài công việc của xã, anh Sơn còn tăng gia chăn nuôi; sản xuất trên 4 sào ruộng ruộng, đất bãi và thay vợ chăm sóc bố mẹ già cùng nuôi dạy 3 con ăn học nên người. Việc nước việc nhà anh đều hoàn tất chu đáo. Khi vợ đi lao động ở xứ người, đứa con út mới học lớp 3 nay đã thi đỗ vào lớp 10 trường điểm Đặng Chánh Kỷ trên huyện với số điểm 42,5; thằng anh thứ 2 đã đậu trường ĐH Vinh. Anh Sơn chia sẻ: vợ vắng nhà lâu ngày, mình làm miết rồi cũng quen. Chỉ còn 1 năm nữa là vợ tôi hết hợp đồng, lần này quyết không để cho vợ gia hạn ở lại thêm nữa.

Cũng như anh Sơn có vợ đi lao động ở Đài Loan đã 5 năm, anh Nguyễn Văn Lương (42 tuổi) từ 5h sáng hàng ngày dậy nấu một nồi cám đại cho 5 con lợn trong chuồng, tất tả nấu cơm cho mẹ già hơn 80 tuổi cùng 3 con đang tuổi ăn tuổi học. Lo xong chuyện ăn uống anh lại vác cuốc ra đồng. Khi chúng tôi đến thăm, cũng là lúc anh đang quần xắn móng lợn, “chiến đấu” với lũ lợn đang hộc lên vì đói. Quệt ngang những giọt mồ hôi, anh Lương vui vẻ khoe: “ Một tay tôi không chỉ chăn nuôi trâu, lợn thôi nhé, mà còn sản xuất trên 4 sào ruộng và 1 sào đất bãi nữa đấy... Nhưng mừng nhất là dù thiếu sự chăm sóc của mẹ, lũ trẻ nhà tôi vẫn ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Đứa con gái đầu đã thi đỗ vào trường chọn cấp III của huyện, thằng em học lớp 6 được giải nhất toàn huyện thi tiếng Anh qua mạng, đạt giải nhất cụm của huyện môn cờ vua ".

Anh Lương cho biết: Trước đây nhà anh thuộc diện nghèo nhất xóm, còn phải chạy ăn từng bữa. Từ khi vợ đi Đài Loan giúp việc nhà cho họ, đời sống của bố con đã được cải thiện. "Năng nhặt chặt bị", cũng đã mua sắm các vật dụng sinh hoạt cần thiết, làm được nhà tầng khang trang với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.

Hiện toàn xã có 196 có người đi xuất khẩu lao động, trong đó có tới 120 lao động là nữ, bởi vậy hơn 100 hộ là đàn ông đơn thân, từ các công việc đồng áng, chăn nuôi lợn gà đến nuôi dạy con cái ăn học đều một tay đàn ông thu vén. Anh Nguyễn Hồng Sơn giở sổ: Sơ qua thế này nhé, ở xóm 7 có nhà ông Nguyễn Văn Vượng, hiện đang có 2 con trai, 3 con gái cùng con dâu, con rể đang lao động ở Đài Loan; ở xóm 4 nhà ông Nguyễn Ngọc Sơn có 4 gái, 1 con trai, 1 con dâu đang lao động ở Hàn Quốc, Malaixia; xóm 3 gia đình ông Nguyễn Văn Minh cũng đang có 2 con trai và 2 con dâu đi XKLĐ ở Úc... Có những gia đình tất cả phụ nữ đều đi XKLĐ, khi có công việc giỗ chạp ở nhà chỉ toàn đàn ông với nhau. Riêng vùng giáo xứ Thượng Nâm cứ ba nhà thì có tới hai nhà có người đi XKLĐ. Có những gia đình trước đây thuộc diện nghèo nhất xã nhưng nhờ có vợ, con cái đi lao động nước ngoài giờ đã “bứt tôp” vươn lên khá giả như gia đình anh Nguyễn Văn Lương (ở xóm 7), anh Trần Văn Hải (ở xóm 8), ông Nguyễn Văn Nam (ở xóm 4).

Phó chủ tịch xã Nguyễn Hồng Sơn có vẻ ngạc nhiên khi tôi đặt vấn đề: vắng vợ cánh đàn ông có sa vào về các tệ nạn xã hội không?. Anh Sơn vội xua tay: "Không có chuyện đó đâu, đã hai năm nay ở Hồng Long chưa xảy ra hiện tượng tiêu cực nào. Đàn ông đến mùa thì đi cấy cày, gặt hái. Những buổi nông nhàn rỗi rãi thì làm thêm nghề mộc hoặc đi làm thuê cho các ông chủ xây dựng quanh vùng"... Có lẽ đây là một trong những nét đặc biệt của xã Hồng Long.


Ngọc Anh