“Nhìn con đi học, mà lo”
(Baonghean) - Bản Bọ, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) có 64 hộ với hơn 300 dân nằm lọt thỏm giữa một bên là núi và một bên là khe Đồng Mồng. Con khe này chia cắt, khiến việc đi lại giữa bản và trung tâm xã dù chỉ cách nhau hơn 2 km, nhưng rất khó khăn, ẩn chứa nhiều hiểm nguy.
Ông Lê Mạnh Hiến ở bản Bọ, cho biết: “Mùa khô, nước khe cạn hơn, chiều rộng của khe chỉ khoảng 2m, chúng tôi có thể đi qua cầu tạm được, nhưng về mùa mưa nước dâng cao lắm, bề rộng khe 5 - 6m, không thể đi qua được. Cả bản Bọ cơ bản bị cô lập”. Mùa này, để đến được bản Bọ phải đi qua một cây cầu tạm, chiều dài khoảng 3m, rộng 1m hết sức thô sơ, trụ cầu đúc bằng bê tông, mặt cầu được lót bằng tre nứa đã thủng lỗ chỗ vì tác động của thời tiết và chịu tải kém, hoàn toàn không có lan can cầu. Vậy mà cây cầu chênh vênh ấy chính là cầu nối duy nhất của hàng trăm hộ dân ở bản Bọ với thế giới bên ngoài, là con đường đến trường chứa đầy những hiểm nguy của hàng chục em học sinh nơi đây.
Cây cầu tạm, năm nào cũng bị nước cuốn trôi
“Mùa khô, em phải đi qua cây cầu tạm này để đến trường, còn mùa mưa nước dâng lên làm cầu trôi thì phải đi bộ theo đường vòng hơn 7km hoặc phải nghỉ học vài hôm” - em Lê Văn Linh ở bản Bọ, đang học lớp 6B, Trường THCS Yên Hợp tâm sự.
Tiếp xúc với phụ huynh trong bản, mọi người đều tỏ ra lo lắng. Anh Lý Tiến Hải, một cư dân bản Bọ, có 3 con đang theo học ở bên kia khe Đồng Mồng cho biết: “Hàng ngày, nhìn mấy đứa nhỏ đi học qua cây cầu này lo lắm!”.
Trên dọc tuyến khe Đồng Mồng, còn có cây cầu tạm thứ hai nối hai phần của bản Đồng Mồng, người dân và các em học sinh ở đây cũng ở vào hoàn cảnh tương tự như người dân bản Bọ. Thậm chí, đã có trường hợp học sinh bị nước cuốn trôi gây nguy hiểm đến tính mạng. Ông Nguyễn Viết Xuân, xóm Đồng Mồng nhớ lại: “Mùa lũ năm 2010, có cháu học sinh trong xóm tui bị nước lũ cuốn trôi khi qua cầu. May mắn là mọi người phát hiện kịp thời và cứu được cháu. Nhưng cũng từ hôm đó, ai cũng lo lắng chuyện đi lại của các cháu học sinh, nhất là vào mùa lũ”.
Trước thực trạng trên, cứ sau mỗi mùa lũ, nhân dân bản Bọ, xóm Đồng Mồng phải đóng góp tiền của để làm cầu tạm khác phục vụ nhu cầu đi lại. “Ngoài tiền hỗ trợ của xã thì hầu như năm nào chúng tôi cũng phải đóng góp 6 - 7 triệu đồng để làm cầu, dù cuộc sống đa số bà con còn nghèo. Nhưng vẫn phải làm để đi lại, chủ yếu là cho các cháu đến trường. Cả bản có gần 60 học sinh theo học 3 cấp, 40% các cháu đạt học lực khá giỏi. Chỉ mong sao có cây cầu kiên cố thôi chú à” - ông Lê Mạnh Hiến, ở bản Bọ chia sẻ.
Ông Trần Văn Ngọc - Bí thư Đảng ủy xã Yên Hợp lo lắng: “Hạ tầng giao thông nông thôn tại Yên Hợp rất yếu. Mùa lũ năm ngoái, trên địa bàn xã có 4 cầu bị trôi, trong đó có cầu bản Bọ và cầu xóm Đồng Mồng, gây khó khăn cho việc đi lại của bà con. Tuy nhiên, xã thuộc diện nghèo của huyện, ngân sách còn hạn chế, chưa thể xây cầu lâu dài thay thế các cầu trên được, chỉ trích ngân sách kết hợp với tiền đóng góp của bà con để làm cầu tạm”. Những khó khăn về kinh tế khiến cho giấc mơ về một cây cầu vững chãi của người dân bản Bọ vẫn còn là giấc mơ quá xa vời.
Thành Duy - Phạm Bằng