Hạn chế đuối nước ở trẻ em: Cần lấp “khoảng trống” về pháp lý

26/04/2012 17:45

Trong những năm gần đây, đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em do tai nạn thương tích ở Việt Nam. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Trọng An , Phó Cục trưởng Cục BVCSTE (Bộ LĐTB & XH) cho biết, một trong nguyên nhân của thực trạng trên là do còn quá nhiều "khoảng trống” về pháp lý trong lĩnh vực này.



Công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em gặp nhiều thách thức. Ảnh: TL

PV: Xin ông cho biết thực trạng đuối nước ở trẻ em hiện nay?

Ông Nguyễn Trọng An: Ở Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em cao nhất. Theo kết quả giám sát của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm có 3.500 trẻ em và vị thành niên (0-18 tuổi) tử vong do đuối nước. Số liệu của ngành lao động-thương binh và xã hội trong 2 năm 2009-2010 cũng cho thấy tỉ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 50%) trong số trẻ em tử vong vì tai nạn thương tích. Số trẻ bị tử vong do đuối nước thường tăng vào dịp hè và trong mùa mưa lũ hàng năm. Đuối nước không trừ một nhóm tuổi nào và tỷ lệ tử vong do đuối nước ở các nhóm tuổi đều cao.

Được biết, đại diện 9 Bộ, ngành đã từng ký cam kết thực hiện kế hoạch liên ngành về phòng chống đuối nước ở trẻ em nhưng những con số trên cho thấy, số vụ đuối nước ở trẻ em vẫn có xu hướng gia tăng. Phải chăng việc phối hợp không đem lại hiệu quả?

- Ngày 19-10-2009 đại diện 9 Bộ, ngành đã kí cam kết thực hiện kế hoạch liên ngành về phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2009-2010. Sau gần 2 năm nỗ lực thực hiện các hoạt động theo 7 cam kết, đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em; Các văn bản chính sách liên quan đến phòng, chống đuối nước trẻ em đã được rà soát; Các hoạt động loại bỏ nguy cơ gây đuối nước trẻ em được triển khai mạnh mẽ thông qua thực hiện các mô hình an toàn, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em trong gia đình. Kết quả sau gần 2 năm thực hiện, theo Báo cáo của Bộ Y tế và các Sở LĐTB & XH thì tỷ lệ tử vong do đuối nước tại 10/15 tỉnh trọng điểm đã giảm. Mặc dù vậy, theo báo cáo của Bộ Y tế, số trẻ em bị đuối nước trên toàn quốc chưa giảm. Nguyên nhân do công tác phòng, chống đuối nước ở Việt Nam còn nhiều thách thức. Đáng chú ý công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em gặp nhiều thách thức do vẫn còn quá nhiều "khoảng trống” về pháp lý.

Những "khoảng trống” trong công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em như thế nào, thưa ông?

- Hiện văn bản pháp luật của Việt Nam về lĩnh vực này còn thiếu các điều khoản quyết định xử phạt đối với những hành vi gây đuối nước ở trẻ em. Bên cạnh đó, chế tài xử lý những hành vi gây tai nạn, chết ở trẻ em do đuối nước chưa được quy định cụ thể. Ví dụ như thời gian gần đây, ở nhiều thành phố lớn, số trẻ tử vong vì đuối nước tại các hố nước ở công trường xây dựng gia tăng nhưng chúng ta vẫn chưa có các quy định cụ thể về xử phạt như thế nào? Ai là người chịu trách nhiệm chính?

Luật Giao thông đường thủy nội địa được Quốc hội thông qua năm 2004. Tuy nhiên, việc thực thi luật trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập như: Vẫn có người điều khiển phương tiện ở một số bến chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn, chất lượng phương tiện giao thông đường thủy không được đảm bảo, thiếu thiết bị an toàn, nhất là phao cứu sinh; chở quá tải... Ngoài ra, các văn bản, chính sách liên quan đến các quy định về phòng, chống đuối nước trẻ em chưa đầy đủ và thực thi còn nhiều hạn chế.

Theo ông để giảm số vụ đuối nước ở trẻ em, cần có những giải pháp cụ thể nào?

- Cần rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống đuối nước và xác định những khoảng trống cần hoàn thiện. Trong đó, cần xây dựng các văn bản hướng dẫn, thông tư liên tịch về phòng, chống đuối nước trẻ em. Củng cố việc thực thi pháp luật và các quy định liên quan đến phòng, chống đuối nước như: Thực thi các quy định về chất lượng phương tiện chuyên chở hành khách bằng đường thủy, quy định cấp phép giám sát cho các đơn vị, địa điểm du lịch, bể bơi, quy định trẻ em khi đi bơi, tắm bể bơi, sông, hồ, biển phải có người lớn đi kèm và có áo phao phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó tăng cường triển khai các hoạt động dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng trong dịp hè.


Theo Daidoanket