Kỳ Sơn không còn tái trồng cây thuốc phiện

21/05/2012 15:25

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) không còn xẩy ra tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, song song với đó là công tác kiểm tra, kiểm soát buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới được tăng cường, nên trong lĩnh vực này thu được kết quả đáng ghi nhận.

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) không còn xẩy ra tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, song song với đó là công tác kiểm tra, kiểm soát buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới được tăng cường, nên trong lĩnh vực này thu được kết quả đáng ghi nhận.


Sau khi thực hiện cuộc vận động xóa bỏ cây thuốc phiện, năm 1998, Kỳ Sơn đã cơ bản xóa bỏ trồng cây thuốc phiện. Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển ma túy ở Kỳ Sơn còn nhiều gian nan, do địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Đặc biệt, bên kia biên giới vẫn còn tình trạng trồng thuốc phiện, trong khi đó địa bàn huyện Kỳ Sơn khá rộng, đường biên giới dài- 192 km; quan hệ dòng họ, anh em, họ hàng thăm thân giữa người dân Kỳ Sơn với người dân ở nước bạn Lào… nên ở Kỳ Sơn tiềm ẩn nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện rất cao




Bộ đội biên phòng tuần tra biên giới

Trước tình hình đó, huyện Kỳ Sơn đã có những giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng cấp, ngành tích cực đấu tranh chống tái trồng cây thuốc phiện. Tại 16 xã thuộc vùng chống tái trồng cây thuốc phiện, huyện đã tổ chức cho 100% hộ dân ký cam kết không tái trồng cây thuốc phiện. Các cấp, ngành chức năng tiến hành 129 lượt kiểm tra tại các bản về việc chấp hành cam kết không tái trồng. Ngoài ra, tại các xã còn tổ chức 17 lượt kiểm tra chéo giữa các xã với nhau và phối hợp cùng các đồn biên phòng tăng cường kiểm soát địa bàn và vùng biên giới… Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan trong việc chống tái trồng cây thuốc phiện, nên trên địa bàn Kỳ Sơn không xẩy ra tình trạng tái trồng cây thuốc phiện.

Cùng với tăng cường công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển thuốc phiện và tái trồng cây thuốc phiện, thời gian qua, bà con các dân tộc ở các xã thuộc vùng chống tái trồng cây thuốc phiện được hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật, giống… để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện nay tại Kỳ Sơn, đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế đạt hiệu quả cao, như: Mô hình vỗ béo trâu, bò ở Mường Lống; Mô hình trồng gừng ở Na Ngoi, Nậm Càn; trồng lạc ở Bắc Lý… Thông qua những mô hình này, bà con các dân tộc đã có việc làm ổn định, có thu nhập và yên tâm với cuộc sống.

Để Kỳ Sơn xóa bỏ cây thuốc phiện một cách bền vững, trong thời gian tới ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy và tái trồng cây thuốc phiện, bà con các dân tộc rất cần sự hỗ trợ của các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Cần có cơ chế phù hợp trong thu hút vốn đầu tư và lồng ghép các chương tình dự án, nguồn lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội và quốc phòng an ninh trên địa bàn…


Hoàng Vĩnh