Gia tăng nạn khai thác cát trên sông: Chính quyền "bó tay"?

04/04/2012 17:57

(Baonghean) - Hiện đang là mùa xây dựng, vì thế cát đang trở thành mặt hàng nóng, nạn "cát tặc" đang hoành hành sông Lam, sông Hiếu, sông Con. Do khai thác cát không đúng quy trình, làm thay đổi dòng chảy nên nhiều xã dọc sông đã bị sạt lở đất nông nghiệp, nguy cơ hư hỏng các cây cầu.

Ngay phía dưới chân cầu Rỏi (Thị trấn Tân Kỳ), hoạt động của một bến cát khá nhộn nhịp. Những đống cát cao như núi, những máy xúc đang hối hả "ngoạm" cát lên xe ô tô. Theo cánh lái xe thì "cát Rỏi" được đánh giá "đẹp" nhất tỉnh, hạt đều, sạch sẽ nên giá cả thường đắt hơn các nơi khác. Các bến khác mua chỉ 400.000 đồng/xe ô tô, nhưng tại đây phải 600.000 đồng/xe ô tô, giá cao nhưng không phải dễ mua.

Đối diện với cảnh hoạt động nhộn nhịp của bến cát là hình ảnh bờ sông sạt lở, những ruộng mía, nương ngô của bà con đang chìm dần xuống dòng sông. Ngay cả chân cầu Rỏi "cát tặc" cũng không tha. Một người dân địa phương cho hay: Ban đêm, các thuyền thường vào hút cát trộm ngay trụ móng chân cầu. Tại cầu Đò Sen, nối hai xã Nghĩa Hợp, Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) hàng ngày cũng có khá nhiều thuyền hút cát gần chân cầu, an toàn của cây cầu đang ở mức báo động.

Chúng tôi hành trình dọc dòng sông Lam, ngay tại xã Tràng Sơn - Đô Lương hình thành một bến cát có quy mô lớn, mỗi ngày có đến hàng trăm xe ô tô, công nông từ khắp nơi vào vận chuyển cát. Trên dòng sông, hàng chục tàu thuyền lớn, nhỏ đang hối hả hút cát. Ông Nguyễn Trần Nam - người dân địa phương cho hay: Tàu thuyền hút cả đêm lẫn ngày gây tiếng ồn rất khó chịu, nạn khai thác cát không những gây sạt lở bờ sông mà còn lấn cả đất nông nghiệp của bà con các xã ven sông Lam như Tràng Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn. Riêng tại xã Tràng Sơn, do khai thác cát quá mức, dòng sông bị thay đổi dòng chảy gây nên sạt lở trầm trọng. Sạt lở lấn cả vào con đường đi Tân Kỳ còn 5-7 m. Trước thực trạng trên, huyện Đô Lương đã đầu tư hàng tỷ đồng để kè đá giữ bờ, nhưng với tốc độ khai thác như trên, sợ rằng kè đá cũng bị sập xuống sông. Dọc lên xã Ngọc Sơn, nhiều đoạn sông Lam lấn cả vào đất vườn của nhà dân. Người dân Đô Lương vô cùng bức xúc trước nạn "cát tặc" hoành hành nhiều năm qua, nhưng mãi vẫn chưa được các cấp chính quyền địa phương xử lý triệt để.



Bến tập kết cát ven sông Hiếu đoạn qua TX.Thái Hoà

Dọc QL 48 trên sông Hiếu, tình trạng khai thác cát cũng đáng báo động. Ngay tại phía dưới chân cầu Hiếu - Thị xã Thái Hoà nhiều năm nay đã hình thành một bến cát. Ông Trần Tâm ở phường Hoà Hiếu - Thị xã Thái Hoà cho biết: Xe ô tô xuống sông chở cát chạy qua địa phận khối khiến con đường mùa nắng nóng thì bụi mù trời, mùa đông thì nhão nhoét, chưa kể nguy cơ về tai nạn giao thông rất dễ xảy ra. Được biết, tại khu vực này có khá nhiều hộ dân tham gia nghề hút cát, 2-3 hộ chung nhau khoảng 40-50 triệu đồng mua sắm thuyền và đồ nghề máy móc hút cát. Họ đi dọc sông lên tận Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hoà để hút cát rồi đưa về tập kết tại cầu Hiếu. Chúng tôi về xã Nghĩa Hưng thấy dọc dòng sông đều bị sạt lở, nhiều chỗ nứt toác kéo theo cả ruộng mía xuống sông. Chị Lê Châu ở xóm 8, xã Nghĩa Hưng buồn bã nói: "Gia đình trồng được 5 sào mía thì tất cả đều bị sạt lở trôi xuống sông Hiếu nếu không thì vụ này cũng có thu nhập trên 30 triệu đồng. Nhưng đau nhất là đất canh tác bị sông "nuốt" lấy gì mà sinh nhai". Chị Hiền ở xóm 9, xã Nghĩa Hưng làm 4 sào mía thì 3 sào trôi mất xuống sông than thở: "Cần phải dẹp nạn khai thác cát trái phép, cứ để thế này thì sông lấn hết cả đất nông nghiệp của bà con". Hút cát dưới lòng sông, "cát tặc" còn tràn lên cả những cánh đồng ở xã Nghĩa Thịnh để đào cát bán. Chúng tôi đến xã Nghĩa Thịnh, ở đây nhiều vạt ruộng bị đào khoét nham nhở như một bãi chiến trường, xe ô tô ghé thùng vào tận ruộng để mua cát. Một đám người đánh trần đang "moi" cát trên ruộng hỏi chúng tôi có phải vào mua cát không, giá chỉ 300.000 đồng/xe ô tô, có người bốc cát lên.

Ông Lê Đức An- Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Nghĩa Đàn cho biết: Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn hiện nay cũng chưa cấp phép cho mỏ cát, huyện đã thành lập đoàn liên ngành để đẩy đuổi khai thác cát trái phép nhưng vẫn khó khăn, các tàu bị đẩy đuổi nơi này thì lại đi nơi khác hoạt động. Ông Phạm Thành Long - Trưởng phòng Ma tuý - Kinh tế (Công an Thị xã Thái Hoà) nói thêm: Từ năm 2011 đến nay, Công an Thị xã đã phối hợp với các ngành tổ chức xử lý 2 vụ vi phạm khai thác cát trái phép. Tuy nhiên vẫn chưa xử lý được triệt để.

Vấn đề đặt ra hiện nay là trên các sông cần có các dự án khai thác và sử dụng cát lòng sông trên cơ sở thăm dò các vị trí có mỏ cát, diện phân bố, chất lượng, trữ lượng cát và điều kiện khai thác cát của từng mỏ, và dự án cũng xác định những vùng cấm hoạt động khai thác cát. Việc khai thác cát theo quy hoạch sẽ có lợi cho việc thoát lũ, khơi thông dòng chảy, tránh tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan, vừa tăng thu ngân sách cho Nhà nước.


Vương Trần