Trôi nổi sim di động trả trước

09/05/2012 07:08

(Baonghean) Dạo quanh Thành phố Vinh trên các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn... , chúng tôi thấy la liệt các quầy, điểm bán sim thẻ, nhất là các tuyến đường quanh Trường ĐH Vinh.Sim, thẻ có thể bán ở các sạp báo, thành lập các điểm có tính di động, bán cùng điểm buôn bán sửa chữa điện thoại, là một mặt hàng trong quầy hàng tạp hoá, thậm chí còn bán ở trong các quán cháo phở, hàng ăn...

Một tấm biển ghi tất cả các mệnh giá, loại sim, có nơi còn kèm theo các chiến dịch ưu đãi. Không khó để khách hàng có thể xem, lựa chọn, ngay cả khi đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường.




Những cửa hàng bán sim thẻ "mọc như nấm" quanh trường Đại học Vinh.
Ảnh: C.S

Rẽ vào một quán nước cạnh lò luyện đại học ở khu vực Trường Đại học Vinh, trước mắt tôi là tấm bảng ghi cụ thể mệnh giá, tài khoản các loại sim Viettel, Vinaphone, Mobiphone đầy đủ các loại từ 20.000 đến 120.000đồng. Trong tích tắc, trên tay tôi đã có 2 sim di động trả trước. Chị chủ quán bảo: "Em chỉ cần lắp sim vào điện thoại là gọi được ngay". Tôi hỏi: "Thế không cần phải kích hoạt à?". Chị bảo: "Đã kích hoạt rồi". Theo chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại, chỉ cần đăng ký mạo danh, dùng số chứng minh thư bất kỳ là có thể đăng ký sim để dùng được. Có thể thấy, việc mua sim điện thoại di động trả trước hiện nay là không khó.


Dễ dàng và lợi nhuận cho công việc kinh doanh nên, người tiêu dùng được mua sim di động dễ dàng, các thao tác sử dụng rất giản tiện, không phải qua nhiều khâu như tại các điểm đăng ký các mạng điện thoại. Bên cạnh một sim điện thoại gốc, dùng thêm một sim trả trước để trả chi phí cuộc gọi rẻ hơn, dùng hết tiền trong tài khoản thì không dùng nữa, sim điện thoại này thường được gọi là sim "gọi".

Tuy nhiên, vì lỏng lẻo trong quản lý thời gian gần đây, khách hàng của một số mạng uy tín như Viettel, Vinaphone thường nhận được những tin nhắn không rõ nguồn gốc, tin nhắn rác, thậm chí xuất hiện cả hình thức khủng bố điện thoại (cuộc gọi, nhắn tin) hoặc rơi vào những trò lừa. Điều này đã gây hoang mang, lo lắng cho chủ nhân các sim điện thoại được đăng ký, có quản lý. Ông Nguyễn Văn Sơn ở khối 7, phường Trung Đô bức xúc: "Nhiều lần tôi nhận được tin nhắn khuyến mãi, trúng thưởng, mỗi tin nhắn mất 8.000 - 15.000 đồng. Nhắn tin xong thấy mắt tăm, chẳng có hồi âm gì cả". Ông Trương Văn Hoàng ở Kim Liên, Nam Đàn bức xúc "Nhà nước làm không thống nhất. Cách đây vài năm bắt khách hàng đi đăng ký. Hồi ấy tôi phải chờ cả buổi trời mới đăng ký được. Bây giờ thì sim thẻ loạn cả lên, chẳng phải đăng ký gì cũng dùng một lần dăm bảy số."


Trước thực tế đó, Bộ Thông Tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT, ngày 13/4/2012 quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Trong đó, tại Điều 5 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Hy vọng sau ngày 1/6/2012, Thông tư bắt đầu có hiệu lực, công tác quản lý thị trường sim điện thoại di động trả trước sẽ được chấn chỉnh, các đầu số sẽ được quản lý chặt chẽ, mang lại niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, để thông tư đi vào cuộc sống, đòi hỏi các nhà chức trách, kể cả các cấp chính quyền phải vào cuộc quyết liệt, tăng cường công tác quản lý kinh doanh, đồng thời các nhà mạng phải thể hiện sự thiện chí, cùng chung tay vì sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh.


Trung Dân