Hưng Nguyên xây dựng mô hình "cánh đồng mẫu lớn"
(Baonghean) - Vụ xuân 2012 Hưng Nguyên xây dựng 4 mô hình "cánh đồng mẫu lớn" với tổng diện tích 120 ha tại 4 xã: Hưng Phúc, Hưng Tiến, Hưng Thắng và Hưng Tây. Trên mỗi cánh đồng mẫu chỉ sản xuất 1 giống lúa chất lượng cao. Hiện nay ở Hưng Nguyên, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên diện rộng, nhưng tại các cánh đồng mẫu nhờ áp dụng nghiêm quy trình kỹ thuật nên lúa phát triển tốt, sạch sâu bệnh.
Tham gia mô hình cánh đồng mẫu, nông dân được hỗ trợ 70% tiền giống, 30% tiền thuốc bảo vệ thực vật, được hướng dẫn kỹ thuật cấy 1 dảnh, một mét vuông chỉ cấy 38-40 khóm. Hướng dẫn theo dõi ghi chép từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây lúa, thực hiện bón phân cân đối... Ông Nguyễn Công Soạn, ở xóm 18, xã Hưng Thắng - một trong những hộ tham gia mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa AC5 ở xã Hưng Thắng cho biết: Vụ xuân 2012 này chỉ cấy một giống AC5. Trước đây, gieo thẳng mật độ dày, cây nhỏ, mỗi bụi lúa chỉ đẻ được 6-7 dảnh. Vụ xuân năm nay thực hiện cánh đồng mẫu được hướng dẫn bắc mạ bằng che phủ ni lông, mật độ cấy 38-40 khóm, mỗi khóm chỉ cấy một dảnh, và bón phân theo hướng dẫn nên lúa tốt, đẻ nhánh khỏe hơn, mỗi khóm có 12-13 dảnh và cũng ít sâu bệnh hơn những ruộng sản xuất truyền thống.
Mô hình cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa thuần XT28 được triển khai tại xã Hưng Phúc cũng trên diện tích 30 ha. Hưng Phúc là địa phương có truyền thống sản xuất lúa dài ngày IR1820, các năm trước đây là trọng điểm bệnh đạo ôn của cả huyện, nhưng vụ xuân 2012 này thực hiện sản xuất cánh đồng mẫu, toàn bộ diện tích mạ được che phủ ni lông và các công đoạn từ ngâm, ủ giống, bắc mạ, cấy... các gia đình tham gia mô hình đều đồng loạt sản xuất cùng một thời gian nên lúa phát triển xanh tốt và có độ đồng đều cao hơn. Mật độ cây lúa thưa nên hạn chế được sự phát sinh gây hại của sâu bệnh rất nhiều so với những ruộng cấy theo phương pháp cũ. Đây cũng là cách làm mà nông dân xã Hưng Thắng và Hưng Tiến đang áp dụng sản xuất trên cánh đồng mẫu gieo cấy lúa chất lượng cao AC5 và BTE1.
Ở xã Hưng Tây, nông dân không bắc mạ cấy mà chủ yếu là gieo sạ. Bởi vậy, cùng với xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất 1 giống lúa, nông dân còn được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật sạ hàng rộng, hàng hẹp bằng máy để tạo hiệu ứng biên nhằm tăng số dảnh hữu hiệu, từ đó tăng năng suất lúa. Mô hình cánh đồng mẫu rộng 30 ha ở xóm Hưng Thịnh, xã Hưng Tây được sản xuất bằng giống lúa Syn6. Gặp ông Trần Văn Nhung đi thăm đồng, ông Nhung cho biết: "Gia đình ông làm 5 sào thì có 3 sào ở khu vực cánh đồng mẫu, áp dụng gieo thẳng bằng máy mật độ sưa, khi lúa mới lên thấy lơ thơ cũng lo nhưng dừ thì yên tâm rồi, vì lúa ở cánh đồng mẫu đẹp hơn hẳn so với ruộng gieo bằng tay mà cũng ít sâu bệnh hơn. Nếu vụ này được mùa thì những vụ sau sẽ tiếp tục sản xuất theo quy trình cánh đồng mẫu".
Sản xuất cánh đồng mẫu lớn người nông dân không chỉ được hỗ trợ tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn quy trình kỹ thuật mà còn được hướng dẫn ghi chép, theo dõi từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây lúa, quản lý tình hình sâu bệnh. Áp dụng một giống lúa trên "cánh đồng mẫu lớn" sẽ tạo ra sản phẩm gạo hàng hóa chất lượng cao, sạch sâu bệnh, thúc đẩy đưa cơ giới vào đồng ruộng, từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Nguyễn Thanh Tâm