Học bơi trên giấy...

04/05/2012 18:37

Mới đầu hè mà cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ trẻ chết đuối thương tâm, cả ở thành thị và nông thôn. Nước...

Mới đầu hè mà cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ trẻ chết đuối thương tâm, cả ở thành thị và nông thôn. Nước ta là một trong những quốc gia có nạn nhân chết đuối cao nhất thế giới. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và là thứ hai ở người lớn. Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ tử vong thì 50% do đuối nước.

Song chương trình giáo dục phổ thông đến nay vẫn chưa có nội dung dạy kỹ năng bơi lội.




(Ảnh: Internet)

Theo Vụ trưởng Vụ Học sinh - Sinh viên Bộ GD-ĐT Ngũ Duy Anh, sở dĩ chưa làm được việc này vì triển khai dạy bơi trong các trường rất khó khăn. Thực tế, cơ sở vật chất thiếu thốn, đầu tư xây một bể bơi cả trăm triệu đồng, giáo viên dạy bơi không có. Trường nào cũng có giáo viên thể dục nhưng không phải ai cũng được đào tạo để dạy bơi cho học sinh. Bộ GD-ĐT thấy điều này rất cần kíp nhưng lực bất tòng tâm vì nó đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ, mà nguồn kinh phí ấy lấy từ đâu ra thì chưa có câu trả lời.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB-XH, thừa nhận với những tai nạn thương tích gây tử vong ở trẻ, đuối nước luôn chiếm tỉ lệ cao nhất. Không chỉ ở các thành phố mà ngay cả vùng sông nước ĐBSCL, hầu hết trẻ em bị đuối nước do không biết bơi. Trong khi đó, phổ biến tình trạng thiếu cẩn trọng khi trông nom, giám sát trẻ ở những môi trường không an toàn.

Lãnh đạo các trường tiểu học ở nhiều địa phương cũng cho biết dạy bơi cho học sinh là điều mà trường nào cũng chờ đợi, thậm chí phụ huynh sẵn sàng đóng góp kinh phí để nhà trường có thể tổ chức việc dạy bơi cho các em. Tuy nhiên, rất nhiều trường không thể thực hiện được mong muốn này. Những đề án học bơi vẫn chỉ là trên giấy.

Cách đây ít năm, Đề án dạy bơi cho học sinh tiểu học đã được Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở TDTT cũ (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) triển khai. Sở TDTT TP. Hà Nội chịu toàn bộ chi phí dạy bơi, còn ngành GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức, quản lý học sinh đến học. Mục tiêu là sau một khóa học, các em biết một kiểu bơi và có thể bơi liên tục 25m. Hàng ngàn học sinh tiểu học các quận, huyện đã hào hứng tham gia học bơi vào mỗi dịp hè. Tuy nhiên, sau đó việc dạy bơi thưa dần và cuối cùng bỏ hẳn! Nguyên nhân là do các trung tâm TDTT quận, huyện không nhận được kinh phí từ Sở TDTT nên không thể duy trì việc dạy học sinh bơi.

Thủ đô còn vậy, nói chi các tỉnh, thành khác. Vậy là việc Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học giai đoạn 2010-2015, từ cách đây 2 năm, đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Hiện môi trường sống của trẻ em chưa thực sự an toàn khi nhiều ngôi nhà gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có rào chắn. Các giếng khơi, bể nước, hố công trình không có nắp đậy... đều là những nguy cơ dễ khiến trẻ gặp nạn.

Biện pháp phòng ngừa đuối nước cho trẻ em quan trọng nhất là dạy bơi, lặn và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước. Nhưng ao hồ sạch sẽ giờ đây cũng cạn kiệt, ô nhiễm, nhất là những nơi tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa đang lên hàng ngày. Những con sông đang từng giờ bị "bức tử” bởi rác thải độc hại, nước sông đen đặc và bốc mùi hôi với lượng độc tố cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn đang khiến việc học bơi của con trẻ càng gặp khó khăn.

Yêu cầu của Bộ năm học 2011-2012 phải tích cực triển khai các hoạt động phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh, đặc biệt là các mô hình thí điểm dạy bơi trong nhà trường, nhưng lại chưa có quy định ràng buộc các trường phải tiến hành như thế nào nên rất khó thực hiện. Đành rằng gia đình cần chủ động dạy trẻ biết bơi, xã hội quan tâm bảo vệ trẻ em bằng việc thực hiện nghiêm việc an toàn lao động. Song, chỉ vì thiếu kinh phí mà trẻ không được học bơi, trẻ tiếp tục chết đuối ở con số báo động, trách nhiệm trước hết vẫn thuộc ngành giáo dục.


Theo Daidoanket