Bài cuối: "Bắt mạch" đúng để có giải pháp "điều trị"
(Baonghean) Thật trùng hợp là không lâu sau khi kết quả kiểm tra thực thi công vụ tại 4 sở, ngành được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt (13/2/2012), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cũng công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011, theo đó Nghệ An từ vị trí số 53 năm 2010 lên vị trí thứ 49 năm 2011. Mặc dù đã có chuyển biến, song vẫn đứng ở tốp trung bình thì Nghệ An vẫn còn nhiều việc phải làm...
Qua kết quả kiểm tra thực thi công vụ tại 4 sở, ngành đã phản ánh và chạm đến được các tiêu chí của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là những chỉ số rất quan trọng (về mặt thể chế pháp lý, chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chi phí thời gian mà các doanh nghiệp bỏ ra để làm các thủ tục hành chính) chiếm gần 30% trong các tiêu chí xếp hạng PCI.
Tuy nhiên, việc kiểm tra thực thi công vụ vừa qua chỉ mới diễn ra ở 4 sở, ngành cấp tỉnh trong tổng số gần 20 đầu mối cấp tỉnh theo đề nghị của Ban chỉ đạo tỉnh về phòng chống tham nhũng và thanh tra tỉnh. Mặc dù quá trình kiểm tra, đoàn đã nhận được chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh là một thuận lợi lớn, nhưng phần nào đó cũng là áp lực nên chưa thể "chụp chiếu" hết được thực chất, vì đây là loại kiểm tra chuyên đề được báo trước. Cái được lớn nhất của đợt kiểm tra là đoàn đã có một số nhận định khá khách quan, chính xác, bắt được "bệnh" một trong số các biểu hiện của bộ máy hành chính là hiện tượng "câu giờ" chậm xử lý hồ sơ, vụ việc...
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, để tiến hành đợt kiểm tra thực thi công vụ trên và có kết luận thật khách quan, đúng sát, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cán bộ, công chức, do thời gian ngắn (thời hạn kiểm tra trong vòng từ 20 - 25 ngày tại 4 cơ quan) cơ quan chủ trì là Thanh tra tỉnh đã phải chuẩn bị đề cương rất công phu, chi tiết đến từng nội dung yêu cầu; việc nào chưa đạt yêu cầu thì lập biên bản và mẫu để người liên quan giải trình, báo cáo. Chính vì vậy, sau khi có được kết quả, không chỉ UBND tỉnh mà Thanh tra Chính phủ khi về làm việc cũng đánh giá rất cao kết quả kiểm tra theo chuyên đề này của Thanh tra tỉnh và cho rằng, đây là kinh nghiệm và bài học để các tỉnh khác học tập...
Thực chất, qua tiếp xúc tìm hiểu người dân và doanh nghiệp thì chất lượng thực thi công vụ ở cơ sở (xã, phường) và cấp trên cơ sở (huyện, thị) mới là điều đáng quan tâm, đáng kiểm tra.
Rất nhiều dự án, công trình, mặc dù đã được lãnh đạo tỉnh có ý kiến, chỉ đạo rõ ràng và rất thông thoáng nhưng khi xuống cơ sở vẫn gặp phải vô vàn lý do khiến dự án, công trình không thể tiến triển được. Có dự án lớn trong lĩnh vực y tế của tỉnh, cùng khối lượng công việc, cùng số vốn, cùng thời điểm có quyết định đầu tư và khởi công như nhau, nhưng dự án ở tỉnh bạn thì đã xong và đưa vào sử dụng vài ba năm, còn dự án của tỉnh mới chỉ xong phần xây lắp và chưa hẹn ngày khánh thành chỉ vì vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng và sắp xếp, bố trí vốn.
Chủ đầu tư một dự án công sở cho biết, mặc dù mất đến hàng trăm con dấu nhưng thủ tục đầu tư xây dựng ở cấp tỉnh đã được làm xong, phần còn lại chỉ liên quan đến cấp xã, phường thì bị tắc lại đến hàng năm trời. Nguyên nhân chỉ vì công đoạn khó và "xương" nhất là giải phóng mặt bằng và đền bù. Chủ đầu tư đường đường là cơ quan sở, ngành nhưng phải xuống cầu cạnh, "cậy nhờ" cán bộ xã vì một lẽ đơn giản là để giải phóng mặt bằng thì không thể thiếu chính quyền địa phương.
Một số chủ dự án cho biết, khi đến địa phương để triển khai công tác giải phóng mặt bằng, nếu gặp được cán bộ là người có trách nhiệm, tận tâm thì không nói làm gì, nhưng nếu gặp người làm việc theo kiểu hành chính "cứ hết giờ vác cặp về" thì dù không muốn, để được việc, chủ dự án cũng bắt buộc phải nhờ cậy, bằng cách thuyết phục cán bộ địa phương đi đâu đó để giải quyết bàn công việc. Thậm chí, có trường hợp nếu mời không khéo hoặc vì lý do nào đó không dễ gặp được lãnh đạo địa phương làm việc. Đây là một bất cập trong cơ chế quản lý hành chính nhưng cũng là biểu hiện của tệ nhũng nhiễu đã được không ít lãnh đạo sở ngành, chỉ rõ tại nhiều cuộc họp...
Một số chủ dự án, muốn được việc họ đành phải "lót tay" hoặc khoán một số kinh phí để cán bộ địa phương tích cực xử lý các thủ tục của dự án.
Lãnh đạo Thanh tra tỉnh cho biết: Đợt kiểm tra thực thi công vụ tại các sở, ngành mới là bước đầu trong việc nắm bắt để chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực của đội ngũ cán bộ, công chức. Sắp tới, Thanh tra tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên đề tại một số lĩnh vực quản lý, dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực tài chính, đất đai; tăng cường thanh tra đột xuất; đồng thời đề xuất tỉnh giao trách nhiệm cho lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng, thanh tra chức trách công vụ của cán bộ công chức tại bộ phận giao dịch một cửa mà trọng tâm là thực hiện Nghị định 63/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính.
Hiện nay, cùng với chuẩn y kết quả kiểm tra công vụ, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành được kiểm tra giao các phòng có công chức chậm trễ xử lý văn bản, hồ sơ tổ chức kiểm điểm, và có hình thức xử lý phù hợp; lãnh đạo các sở, ngành xây dựng, hoàn thiện quy tắc ứng xử của cán bộ công chức; lãnh đạo các phòng, ban cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc và giám sát công chức. Bên cạnh đó, đoàn cũng kiến nghị xem xét rà soát các quy định, quy trình xử lý văn bản, công việc chưa phù hợp để sửa đổi kịp thời; khi giao việc cần căn cứ vào khối lượng, tính chất công việc để quy định thời gian xử lý và thời hạn báo cáo kết quả phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn.
Việc tiếp thu kết quả từ đợt kiểm tra thực thi công vụ trên cùng với những đánh giá, phân tích từ đợt bình chọn năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm vừa qua sẽ là những gợi ý và giải pháp hữu ích để nâng cao năng lực thực thi công vụ, góp phần xây dựng nền hành chính ngày càng lành mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả; vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Nguyễn Hải