Bát gốm cung đình giá 10 triệu USD

16/03/2012 17:29

Chiếc bát có từ đời Bắc Tống (960 – 1127), chỉ sử dụng trong cung và được làm từ loại gốm Ru quý hiếm ở Trung Quốc.

Các nhà sưu tầm nghệ thuật châu Á đang xôn xao vì chiếc bát cung đình cổ có niên đại từ 900 năm trước được định giá tới 10 triệu USD (tương đương 220 tỷ đồng). Dự kiến triển lãm vật phẩm này tại Bắc Kinh, nhưng do lo ngại về vấn đề an ninh sau khi chứng kiến dòng người khổng lồ ở Thượng Hải, ban tổ chức đã quyết định chỉ cho những người tham gia đấu giá xem chiếc bát cổ.


Chiếc bát gốm có giá gần 220 tỷ đồng. Ảnh: AFP

Chiếc bát hình hoa có tên “Ru” này được làm từ thời Bắc Tống (960 – 1127) với chất men màu ngọc bích, và được cho là chiếc duy nhất thuộc loại này trên thế giới. Gốm Ru được đặt theo tên của một trong năm lò gốm lớn nhất đời Tống, và chất liệu gốm này cũng cực kỳ hiếm ở Trung Quốc. Người ta ước tính chỉ có 79 sản phẩm làm từ loại gốm này trên thế giới và hầu hết chúng đang nằm trong bảo tàng.


Ông Jean-Paul Desroches – Giám đốc bảo tàng Guimet ở Paris cho biết: “Những đồ vật như thế rất hiếm vì chúng là đồ trong cung và chỉ được làm trong một khoảng thời gian rất ngắn là 20 năm”. Trên thế giới chỉ có sáu chiếc bát gốm Ru nằm trong các bộ sưu tập cá nhân, bao gồm cả chiếc bát này. Do vậy, nó được dự đoán sẽ có giá tới 10,3 triệu USD trong đợt đấu giá ngày 4/4 tới của Sotheby ở Hong Kong.


Ông Nicolas Chow – Phó giám đốc chi nhánh của Sotheby tại châu Á cho biết: “Chúng tôi chỉ chuyên bán những đồ hiếm. Tuy nhiên, chiếc bát này thì đúng là cực phẩm quý hiếm!”.


Thông tin về buổi triển lãm đã gây xôn xao giới sưu tầm đồ cổ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những khách tham quan đến đây mong chiêm ngưỡng cổ vật đã phải thất vọng khi ban tổ chức thay đổi quy định. Anh He Tao – một người đam mê đồ gốm đến từ thành phố Đại Liên bức xúc: “Tôi cảm thấy rất không hài lòng. Lẽ ra các nhà đấu giá phải trưng bày tất cả các sản phẩm của mình trước khi cuộc đấu giá bắt đầu”. Để đến được Bắc Kinh xa xôi, anh đã phải vượt qua một quãng đường dài gần 1.000 km bằng tàu hỏa.


Ông Chow cho biết đồ cổ cung đình rất được lòng các nhà sưu tầm ở Trung Quốc. Trong 10 năm qua, giá cả những cổ vật này đã tăng vọt do sự tham gia của các nhà sưu tầm đến từ Trung Quốc đại lục, đặc biệt là từ sau năm 1999.

Các chuyên gia dự đoán người sẽ mua được chiếc bát này có khả năng là một cá nhân giàu có đến từ Hong Kong hay Đài Loan, thậm chí có thể là một tỉ phú phương Tây – nơi mà sự đơn giản của đồ gốm đời Tống rất có sức hút.


Ông Christian Bouvet – chuyên gia nghệ thuật châu Á tại Sotheby cho biết: “Tất cả các học giả và các nhà sưu tầm lớn đều cảm thấy rất hứng thú với chiếc bát này”. Màu của nó được một đại học sĩ thời Khang Hy (1662 – 1722) mô tả giống như màu xanh của bầu trời sau cơn mưa.


Sau Bắc Kinh, chiếc bát sẽ được triển lãm cho toàn bộ công chúng tại Đài Bắc. Lý giải cho quyết định này, ông Chow nói: “Người Đài Loan nổi tiếng là tinh tế và am hiểu nghệ thuật Trung Hoa. Họ là những nhà sưu tầm lâu năm, và đã quá đủ kinh nghiệm để không vung tiền ra vơ vét cổ vật mà biết cách chọn lọc để làm tăng giá trị bộ sưu tập của mình”.


Theo Express