Kỳ Sơn- Bao giờ hết “khát”?
(Baonghean) - Vượt chặng đường khoảng 60 km từ Thị trấn Mường Xén vào Đoọc Mạy, (Kỳ Sơn), mong muốn lớn nhất của chúng tôi lúc này là được tắm rửa thỏa thích. Nhưng đi khắp mấy bể nước ở bản Phá Lếch Phay (trung tâm xã) đều khô trơn.
Tụt 3 con dốc dài đến bể nước dưới cùng, may sao nghe tiếng nước chảy róc rách phía trong. Loay hoay mãi chúng tôi vẫn không biết làm cách nào để lấy nước ra tắm giặt. Vào một gia đình gần đó để hỏi xem thế nào, người phụ nữ chủ nhà mang ra một đoạn vòi nhựa chừng 5m rồi thọc sâu vào đáy bể, dùng miệng hút để nước theo vòi chảy ra. Chúng tôi dùng xô để hứng lấy dòng nước yếu ớt từ chiếc vòi nhựa.
Cảnh tượng phổ biến ở các bể nước trên địa bàn xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn)
Đang tắm dở chừngthì bể nước hết, những người dân trong bản đem theo xô, thùng đến lấy nước thấy thế liền thất vọng ra về. Chung quanh là những đứa trẻ lấm lem đang chờ được tắm. Trên đường đi rẫy về, chị Lỳ Y Trữ ghé vào bể, dùng toàn bộ sức lực để hút chiếc vòi nhựa. Rất may, vẫn còn một ít nước chảy le re, chị đưa chiếc can nhỏ ra hứng. Hứng đầy, chị ngửa cổ và uống ừng ực rồi chuyển cho người bạn đi cùng. Chị Trữ cho biết: “Nước hiếm quá, lúc sáng qua đây nước hết sạch nên không lấy được để đem đi làm rãy. Từ sáng đến giờ ai cũng khát”. Cảnh tượng chung ở hầu hết các bể nước là tập trung một lượng người đông đúc mang theo xô, chậu và can nhựa ngồi chờ... nước.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, không riêng gì bản Phá Lếch Phay mà 5 bản còn lại của xã Đoọc Mạy đều thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, một số bản thiếu đến mức trầm trọng như Phá Tả, Phá Nọi, Noọng Háng và Huồi Viêng. Nguyên nhân chính là do tập quán của đồng bào dân tộc Mông thường sống trên các đỉnh núi cao, lại có nhiều dãy núi đá vôi (dãy Phá Lếch Phay, Phá Tả, Phá Nọi...) nên nguồn nước khan hiếm. Thời gian qua, việc phát nương làm rẫy và khai thác gỗ đã làm cho diện tích rừng bị hẹp đáng kể, khiến nguồn nước vốn đã hiếm càng thêm hiếm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lỳ Giống Dìa - Chủ tịch UBND xã Đoọc Mạy cho biết: “Không có nước tưới nên không có cây rau gì sống nổi. Do đó, đến cây rau còn kham hiếm chứ chưa nói đến các thứ khác”. Còn anh Lương Văn Qúy - Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Thiếu nguồn nước sạch nên công tác vệ sinh phòng dịch trên địa bàn gặp nhiều hạn chế. Do vậy, tỷ lệ người mắc các loại bệnh đường ruột, bệnh ngoài da ở đây chiếm tỷ lệ khá cao”.
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt, Chủ tịch Lỳ Giống Dìa khẳng định: “Hiện tại, tìm nguồn nước trên địa bàn để cung cấp cho các bản là hết sức khó khăn. Chỉ có cách dẫn nguồn nước từ bản Huồi Lê, xã Keng Đu (cách khoảng 8km) về địa bàn xã Đoọc Mạy, vì ở đó nguồn nước rất mạnh. Nhưng ngân sách của xã quá eo hẹp, không thể đủ để đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để người dân Đoọc Mạy có đủ nước sạch để đảm bảo đời sống sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe và đề phòng dịch bệnh”.
Công Kiên