Hiệu quả "ba cùng" với nhà nông

09/04/2012 18:20

(Baonghean) - Qua hơn 3 năm triển khai tại Nghệ An, chương trình "cùng nông dân ra đồng" của Công ty cổ phần BVTV An Giang đã đem lại những hiệu quả thiết thực, trang bị thêm cho người nông dân nhiều kiến thức thực sự bổ ích và cần thiết.

Chị Nguyễn Thị Hạ- xóm 4, xã Diễn Thái (Diễn Châu) vui vẻ tâm sự: "Cách đây hơn một tuần, hai sào ruộng của gia đình tôi bị bệnh đạo ôn, vì chủ quan nên tôi tự ra cửa hàng bán lẻ mua thuốc về phun, 2-3 ngày vẫn không thấy đỡ mà ngược lại bệnh càng lan rộng.

Được cán bộ của chương trình "Cùng nông dân ra đồng" ra tận ruộng kiểm tra, hướng dẫn dùng thuốc Filia của Công ty Syngenta để phun, 3 ngày nay vết bệnh không phát triển thêm, lá lúa không sà xuốngnữa mà đứng thẳng, nghe nói như vậy sẽ hạn chế được bệnh, năng suất lai cao hơn vì khả năng quang hợp của cây lúa tốt hơn. Mấy năm nay, người dân chúng tôi đều tin và làm theo".




Hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ bệnh đạo ôn cho nông dân xã Diễn Thái (Diễn Châu).

"Cùng nông dân ra đồng" được coi là một chương trình có ý nghĩa xã hội rất lớn của Công ty cổ phần BVTV An Giang. Đây là chương trình thực hiện theo mô hình liên kết bốn nhà, gồm: Nhà nước- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Ông Nguyễn Văn Đô- Trưởng nhóm FF (viết tắt của từ friend of farmers- bạn của nhà nông) tại Nghệ An cho biết: Vụ hè thu năm 2009, chương trình bắt đầu được triển khai tại Nghệ An, trước hết ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành và đến nay đã mở rộng ra tại các huyện trọng điểm sản xuất lúa như Thanh Chương, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương và Nghĩa Đàn. Tham gia chương trình, những thành viên của đội FF sẽ thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con nông dân,xuống đồng hướng dẫn, cùng bà con thực hiện các biện pháp chăm sóc, đồng thời phát hiện và phòng trừ các loại sâu bệnh ở từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, từ đó đưa ra những khuyến cáo và hướng dẫn phù hợp, hướng đến mục tiêu "3 giảm 3 tăng" (giảm lượng giống, chi phí phân bón, chi phí thuốc BVTV; tăng năng suất, hiệu quả, thu nhập).

Ông Nguyễn Đình Ân- cán bộ chương trình FF, phụ trách địa bàn các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành và Đô Lương chia sẻ: "Những ngày đầu mới "vào" với người dân Nghệ An, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ruộng đồng nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ, không bằng phẳng, tập quán canh tác cònhạn chế, trong khi tư tưởng của người dân khá bảo thủ. Nhưng qua những ngày lăn lộn cùng đồng ruộng, chia sẻ những khó khăn vất vả của bà con và nhất là bằng những gì họ làm được, các thành viên của chương trình đã được bà con tin yêu, tôn trọng . Nông dân cần họ, bởi với lực lượng "mỏng", địa bàn rộng, cán bộ kỹ thuật của các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện hầu như chỉ dừng lại ở mức chỉ đạo, khuyến cáo chung mà chưa thể đến với tận từng hộ dân, từng mảnh ruộng, giải quyết kịp thời những thắc mắc, khó khăn của bà con".

Ông Phan Văn Huệ- Bí thư Đảng ủy xã Diễn Thái (Diễn Châu) tâm sự: "Mấy năm qua, các cán bộ FF thật sự đã được bà con chúng tôi coi như người nhà. Các anh ấy đã lăn xả, xuống đồng cùng bà con, tận tình hướng dẫn từ khâu xuống giống, chăm sóc, bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh, đồng thời dám chịu trách nhiệm trước địa phương và trước người dân về vấn đề phòng trừ sâu bệnh".


Qua hơn 3 năm triển khai, đến nay Chương trình "cùng nông dân ra đồng" của Công ty BVTV An Giang đã cùng nông dân xây dựng được 21 điểm trình diễn và một mô hình sản xuất lúa và lạc với tổng quy mô 22 ha. Qua theo dõi, năng suất lúa ở các mô hình thường cao hơn khoảng 20- 30%, trong khi đó, bà con giảm được các chi phí về thuốc BVTV cũng như số lần phun. Ông Ân cho biết: Từ thói quen bón không cân đối, thường bón nhiều đạm của người dân, chúng tôi phân tích, khuyến cáo bà con nên bớt lượng đạm, bón cân đối, đặc biệt bón phân kali ở giai đoạn đẻ nhánh, giúp lúa sinh trưởng tốt hơn, đỡ sâu bệnh hơn. Đặc biệt, việc bón phân đúng thời điểm giúp cây lúa phát triển đồng đều, tỷ lệ bông con giảm rõ rệt, số lượng hạt trên bông tăng, góp phần quan trọng tăng năng suất lúa. Nhưng cái được lớn nhất là lòng tin của người dân. Ở những nơi chúng tôi đến, thường chỉ sau một vụ lúa, nông dân đã hoàn toàn tin tưởng và sau khi chương trình rút đi, bà con sẽ nắm được các kỹ thuật canh tác hiệu quả, biết cách thăm đồng, phát hiện sâu bệnh kịp thời, sử dụng đúng thuốc đặc hiệu và phun đúng thời điểm cần thiết".


Giám đốc Công ty cổ phần BVTV An Giang- Chi nhánh khu vực Bắc miền Trung-ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Chương trình xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhằm hướng đến bà con nông dân, với mục tiêu hướng cho người dân canh tác và quản lý dịch hại theo hướng bền vững, sử dụng các loại thuốc BVTV vừa có tác dụng phòng trừ sâu bệnh, vừa ít ảnh hưởng môi trường và đồng thời bảo vệ được nguồn thiên địch. Trong kế hoạch phát triển thời gian tới, đơn vị vẫn sẽ tiếp trục duy trì chương trình, đồng thời mở rộng, hướng đến những vùng sâu vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh, nơi trình độ canh tác cây trồng của bà con còn nhiều hạn chế. Trước mắt, trong năm 2012 sẽ mở một điểm tư vấn kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch bệnh cây trồng tại Diễn Châu (không kinh doanh thuốc) và tiến tới mở rộng ra ở các địa phương khác. Đólà nhữngkế hoạch mà họtin rằng sẽ làm được, bằng chính tấm lòng với những người nông dân còn nhiều vất vả.


Phú Hương