Dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy: Chưa đáp ứng yêu cầu

06/04/2012 17:59

(Baonghean) - Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2011, toàn tỉnh có 5.413 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 4.021 người đang sống tại cộng đồng, 1.392 người đang cai nghiện tại các Trung tâm GDLĐXH. Trong tổng số người nghiện ma túy, có 61%người không có việc làm; người nghiện ma túy chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 18 đến 40 tuổi, chiếm 80%.

(Baonghean) - Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2011, toàn tỉnh có 5.413 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 4.021 người đang sống tại cộng đồng, 1.392 người đang cai nghiện tại các Trung tâm GDLĐXH. Trong tổng số người nghiện ma túy, có 61%người không có việc làm; người nghiện ma túy chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 18 đến 40 tuổi, chiếm 80%.


Trước thực tế đó, để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và đào tạo nghề sau khi cai, Sở LĐTB&XH đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản về chế độ, chính sách liên quan đến công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai, tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản giao chỉ tiêu cai nghiện và dạy nghề cho các huyện, thành thị và các Trung tâm GDLĐXH, đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện. Trên cơ sở những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, trong 3 năm qua, toàn tỉnh tổ chức cai nghiện cho 7.978 lượt người, trong đó tổ chức dạy nghề cho 1.482 người, tạo việc làm cho 211 người.




Đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu cho người nghiện sau cai tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội I.

Ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Trong số người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện thì có hơn 60% chưa được đào tạo nghề, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Vì vậy, đào tạo nghề cho người nghiện ma túy là cách để nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề, giúp họ tìm được việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng, có thu nhập để từng bước từ bỏ ma túy.

Tuy nhiên, nghề mà các học viên được học phải phù hợp với trình độ, sức khỏe, nguyện vọng của học viên và nhu cầu tại địa phương. Thời gian qua, các Trung tâm GDLĐXH đã phối hợp với các trường dạy nghề như: Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt - Đức, Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc, Trung tâm dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, Công ty Đức Phong... tổ chức định hướng nghề, truyền và dạy các nghề như: may công nghiệp, điện dân dụng, mây tre đan, đá mỹ nghệ, làm chân hương, gia công bật lửa... Bên cạnh đó, các trung tâm còn chú trọng tổ chức lao động sản xuất cho người nghiện ma túy bằng việc tăng gia sản xuất rau màu, chăn nuôi bò, lợn, cá...

Kỳ Sơn, một trong những huyện miền núi có tỷ lệ người nghiện ma túy cao, số người nghiện không có nghề chiếm đa số. Ông Nguyễn Trọng Châu - Giám đốc Trung tâm GDLĐXH Kỳ Sơn cho biết: Năm 2011, Trung tâm tiếp nhận 220 lượt học viên, tổ chức dạy nghề và truyền nghề cho 120 lượt học viên, dạy văn hóa cho 28 học viên.

Để nâng cao tính thiết thực và hiệu quả công tác dạy nghề cho người sau cai nghiện, Trung tâm đã phân loại đối tượng để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp, gắn đào tạo nghề với lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi, trồng và chăm sóc rừng, làm đồ mỹ nghệ... Vì thế đã phần nào kích thích được tính hướng thiện, mong muốn từ bỏ ma túy để sớm tái hòa nhập cộng đồng của các học viên.


Tuy nhiên theo đánh giá, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng người được dạy nghề và tạo việc làm còn quá thấp so với số người nghiện ma túy sau cai. Nghề được đào tạo còn đơn giản, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế. Công tác dạy nghề chủ yếu chỉ được triển khai ở các trung tâm GDLĐXH. Chính sách cho người nghiện ma túy sau cai được vay vốn để tạo việc làm, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận người nghiện ma túy sau cai vào làm việc còn nhiều vướng mắc về thủ tục, vì vậy hầu hết người nghiện ma túy sau cai và doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay này.


Đặng Cường