Học sinh vùng cao bỏ học: Bài 1 - Thực trạng báo động

19/03/2012 16:54

(Baonghean) - Dư luận đang "nóng" vì thông tin hàng trăm học sinh THCS ở các huyện miền núi Con Cuông và Tương Dương bỏ học. Đây thật sự là điều đáng báo động đối với ngành giáo dục. Thực trạng này không chỉ có năm nay mà đã xảy ra từ nhiều năm trước.

"Nóng" ở Con Cuông


Từ Thị trấn Con Cuông bám theo con đường rải nhựa qua các xã vùng đệm của Rừng Quốc gia Pù Mát, chúng tôi đến với xã Lục Dạ, là địa phương đang có số học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học nhiều nhất huyện. Tại UBND xã, ông Lô Văn Nhung - Chủ tịch UBND xã, cùng với Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lục Dạ thầy giáo Cao Chí Thanh, cho biết: Sau khi nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình học sinh bỏ học rất nhiều. Tính đến nay đã có 26 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 bỏ học và có nguy cơ bỏ học.

Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương và nhà trường đã tìm mọi cách vận động các em tiếp tục đến trường. Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đã có 6 em bỏ học hẳn vào miền Nam làm ăn, gồm: Lương Thị Trang (lớp 9A1), La Văn Duẩn (lớp 7A1), Lương Thị Giang (lớp 8A1), Quang Văn Trường (lớp 8A3), Hà Văn Ngọc (lớp 9A2) và Vi Văn Trung (lớp 9A3). Số còn lại 20 em, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị tiếp tục vận động gia đình đưa con em đến trường. Trong số 20 em này đã có 8 em trở lại lớp học, 12 em còn lại đang bỏ học ở nhà.




Lớp học ở Trường THCS xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) luôn vắng học sinh.

Theo tổng hợp của nhà trường, con em của 3 bản: Bản Mọi, bản Lục Sơn và Hua Nà bỏ học nhiều nhất, trong đó, bản Mọi nhiều nhất, có 6 em bỏ học. Chúng tôi gặp Bí thư chi bộ bản Mọi - ông Lộc Phương và Trưởng bản - ông Lộc Văn Thìn cho hay, vì điều kiện bản xa trường, gia đình khó khăn và vì đua đòi nên con em trong bản mấy năm nay bỏ học nhiều lắm. Các thầy cô giáo rất vất vả, không kể nắng, mưa, gió rét vẫn đến với bản để cùng chúng tôi vận động con em đến trường, nhưng các cháu vẫn không chịu đi học. Có nhiều gia đình 2 đứa con bỏ học giữa chừng, buồn quá. Ngày trước đường đi khó khăn gấp vạn lần, điều kiện học tập cũng thiếu thốn, không có điện... mà chúng tôi vẫn đi học hết cấp 2. Vậy mà ngày nay, đường từ bản đến trường nhiều thuận lợi, có điện, trường học được xây dựng khang trang... đặc biệt đi học còn được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở, vậy mà các cháu vẫn bỏ học. Nguyên nhân phần lớn là do gia đình thiếu quan tâm và chính bản thân các em thiếu nghị lực, chỉ muốn làm ra tiền để mua sắm đồ dùng cá nhân. Có phụ huynh nói rằng: "Nó học hết cấp 2 cũng chẳng để làm gì nên cho nó bỏ để đi làm kiếm tiền".


Ông Phan Anh Tài - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Con Cuông cho biết, tình trạng học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn huyện bỏ học giữa chừng xảy ra từ nhiều năm nay. Năm học 2009 - 2010 có 118 em bỏ học, trong đó chủ yếu là học sinh THCS. Bước sang năm học 2010 - 2011, phòng chỉ đạo các trường tích cực theo dõi, vận động những học sinh có nguy cơ bỏ học đến trường, nên năm học 2010 - 2011 số học sinh bỏ học giữa chừng giảm xuống 54 em. Năm học 2011 - 2012, tính đến ngày 8/3, đã có 63 em bỏ học, số học sinh đang có nguy cơ bỏ học là 46 em. Nếu công tác vận động không tốt, năm học này có thể có trên 100 học sinh THCS của huyện Con Cuông bỏ học giữa chừng. Phòng đã có công văn chỉ đạo các trường học bố trí giáo viên trực tiếp đến từng gia đình để động viên học sinh đến trường, đảm bảo sĩ số. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nếu không sẽ không giữ được phổ cập THCS.


Tràn lan ở Tương Dương


Trong câu chuyện, một giáo viên trẻ vùng cao đang giảng dạy ở Trường THCS xã Yên Thắng (Tương Dương) nói rằng, từ dạo ra Tết đến nay có nhiều trường học sinh đã không trở lại lớp. Khi tìm đến nhà thì phụ huynh cho biết các em đang đi làm ăn xa. Thầy giáo vùng cao này cho biết thêm, hiện tượng học sinh bỏ học có khá nhiều ở trường THCS Nga My (là trường THCS chung của 2 xã Nga My và Xiêng My).


Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã vượt trên 200 km ngược núi tìm đến Trường THCS Nga My. Thầy Hiệu trưởng Trần Nhật Giang cho biết: Năm học 2010 - 2011, toàn trường có 42 học sinh bỏ học. Sau nhiều đợt vận động cũng chỉ có 2 em trở lại lớp. Năm nay, sau Tết, có 12 học sinh của trường không đến lớp nữa. Thầy Giang cho biết, vì nhiều lý do khác nhau học sinh đua nhau bỏ học ở nhà giúp cha mẹ, có em đi tìm việc tại các doanh nghiệp trong Nam ngoài Bắc.


Bản Văng Môn của dân tộc Ơ Đu mới đây cũng có 2 học sinh THCS bỏ học. Trưởng bản Lương Đình Thái kể: Vừa mới ra Tết, có cô bé Lo Thị Nhàn nghỉ học theo mẹ bỏ làng đi, nghe đâu là sang Trung Quốc. Bà mẹ sang đó đã 2 năm nay về đón con gái đi cùng. Đối với học sinh ở đây, cứ nghe nói ở nơi nào có cuộc sống đầy đủ hay một công việc có thu nhập thường xuyên hay có bạn bè rủ rê là sΩn sàng bỏ học ly hương.


Lo Thị Thúy theo cha mẹ từ bản Pột về bản Văng Môn từ năm 2008. Gia đình được Nhà nước xây cho một căn nhà để định cư theo dự án Thủy điện Bản Vẽ. Đến năm 2011, cuộc sống gia đình khó khăn, Thúy "tình nguyện" thôi học khi đang theo dở lớp 7 để nhường cho 3 đứa em học sau có điều kiện đến lớp. Gia đình chỉ sống dựa vào mảnh nương bấp bênh, mùa được mùa mất nên đành chấp nhận cho con gái chưa đến 14 tuổi nghỉ học đi làm.


Đầu năm Nhâm Thìn, ở Trường THCS Lưu Kiền (Tương Dương) có tới 15 học sinh bỏ học. Nhiều nhất trong số này tập trung ở bản Xoóng Con (5 em). Thầy Đinh Xuân Hồng- Hiệu trưởng Trường THCS Lưu Kiền cho biết, sau kỳ nghỉ Tết có nhiều em đã bỏ làng ra đi. Khi thầy cô tìm đến vận động các em trở lại lớp, cha mẹ học sinh cũng chỉ hứa là sẽ tìm cách liên lạc, kêu gọi con em họ trở lại lớp. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng, chỉ có 1 em chấp nhận trở lại để học bổ túc văn hóa.


Trao đổi với ông Hồ Duy Thịnh- Phó phòng Giáo dục Tương Dương được biết, cho đến thời điểm này, phòng chưa thống kê chính xác được con số học sinh bỏ học chính thức. Nguyên nhân là số học sinh học bỏ học rồi trở lại lớp thay đổi liên tục.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, số học sinh bỏ học kể từ đầu năm học đến ngày 1 tháng 2/2012 là 871 em, trong đó cấp tiểu học 17 em, cấp THCS 446 em (tăng 30 em so với đầu năm học) và cấp THPT 408 em (tăng 60 em so với đầu năm học). Trong đó, học sinh bỏ học ở 2 cấp THCS và THPT phần lớn ở các địa phương vùng miền núi.


X. Hoàng - Hữu Vi