Hiệu quả mô hình trồng rau an toàn ở Tương Dương
(Baonghean) Năm nay, gia đình chị Lô Thị Diễn và anh Lương Văn Thi ở bản Phòng, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương có thêm thu nhập ổn định hơn từ trồng rau các loại.
Thu hoạch vào đúng dịp trước, trong và sau Tết nên rau rất được giá. Số tiền bán rau của gia đình chị cả năm hơn 5 triệu đồng. Chị Diễn cho biết: "Trồng rau công việc không nặng nhọc, thu nhập lại cao hơn làm nương rẫy, thu hoạch xong là bán được ngay, rau sạch nên người mua nhiều lắm". Chỉ với hơn một sào đất nhưng gia đình chị cơ cấu trồng xen lẫn nhiều loại rau như rau cải trồng xen với đậu, các loại rau thơm như hành, mùi, tỏi... Bên cạnh đó, gần một sào đất trồng cà chua quả to của gia đình chị đang hứa hẹn được mùa. Chị Diễn cho biết thêm: Diện tích trồng rau sạch của gia đình thuộc Dự án ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Thạch Giám, huyện Tương Dương. Tham gia dự án, gia đình chị được đầu tư về giống, cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật, đến tận ruộng hướng dẫn cho bà con từ khâu làm đất, gieo trồng cây đúng yêu cầu kỹ thuật. Nguồn nước tưới cũng được dự án hỗ trợ, hệ thống dẫn nguồn nước tưới vào tận ruộng.
Chăm sóc, thu hoạch rau ở Thạch Giám (Tương Dương)
Ông Nguyễn Văn Thái, khối Hòa
Sau gần 3 tháng triển khai, mô hình trồng rau an toàn ở huyện Tương Dương đã phát huy được hiệu quả. Từ chỗ rau trồng manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất tự cung, tự cấp, nay bà con đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây rau hàng hoá, góp phần cải thiệnđời sống. Mô hình trồng rau an toàn tại xã Thạch Giám do KhoaNông - Lâm - Ngư,Trường đại học Vinh chịu trách nhiệm chuyển giao công nghệ. Mô hình được sản xuất tập trung trên diện tích 2 hécta, với 25 hộ tham gia. Rau được trồng với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, yêu cầu chặt chẽ về điều kiện sản xuất (chọn đất, nước tưới, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tổ chức sử dụng lao động trong sản xuất) và đặc điểm sản phẩm. Đánh giá sau mỗi vụ thu hoạch cho thấy, bà con đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật, đặc biệt là chuyển đổi được nhận thức trong sản xuất và trồng trọt từ tự cung, tự cấp sang sản xuất rau hàng hoá.
Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: "Dự án xây dựng nông thôn mới thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ của UBKT Tỉnh uỷ, Trường đại học Vinh, Sở Khoa học - Công nghệ và bằng nguồn vốn của huyện, chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho 2 mô hình kinh tế của bản Phòng, xã Thạch Giám và Thị trấn Hoà Bình để đồng bào nhân rộng mô hình và trồng cà chua quả to và làm rau. Qua gần 3 tháng thực hiện, đến nay nhiều gia đình đã có thu nhập. Bình quân, nhà nhiều thu được từ 10 - 12 triệu đồng, nhà ít cũng được vài ba triệu đồng. Cái quan trọng nhất chúng tôi cần là chuyển nhận thức của người dân từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá, Chuyển đổi nhanh cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng: Giảm diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng rau an toàn, hoa cây cảnh bảo đảm mục tiêu hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích".
Việc xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Thạch Giám, huyện Tương Dương không chỉ mở ra một hướng đi mới cho một xã đặc biệt khó khăn mà còn tạo tiền đề cho hướng phát triển gắn với điều kiện lợi thế của mỗi địa phương nhằm phát triển những hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường nâng cao thu nhập cho ngươì dân, đặc biệt là các địa phương miền Tây của tỉnh.
Thanh Lê