Thành phố Vinh kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4)

18/04/2012 10:09

Sáng nay 18/4, Tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật, thành phố Vinh, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/2012) với chủ đề “Chúng ta hãy xây đắp niềm tin, chia sẻ khó khăn, bất hạnh với người khuyết tật và trẻ mồ côi, giúp họ vươn lên, hòa nhập cộng đồng”. Tham dự Lễ kỷ niệm có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành và các hội, đoàn thể, địa phương trong tỉnh.

(Baonghean.vn) - Sáng nay 18/4, Tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật, thành phố Vinh, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/2012) với chủ đề “Chúng ta hãy xây đắp niềm tin, chia sẻ khó khăn, bất hạnh với người khuyết tật và trẻ mồ côi, giúp họ vươn lên, hòa nhập cộng đồng”. Tham dự Lễ kỷ niệm có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành và các hội, đoàn thể, địa phương trong tỉnh.

Năm 1981 được Liên hợp quốc lấy làm năm Quốc tế người tàn tật đầu tiên, với lời kêu gọi hãy dành sự quan tâm để những người tàn tật được hòa nhập bình đẳng với xã hội. Hưởng ứng lời kêu gọi này, từ ngày 18/4/1981, Việt Nam đã ra quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia của Việt Nam về năm Quốc tế người tàn tật. Năm 1998, Nước ta đã ban hành Pháp lệnh về người tàn tật và sau đó Luật Người khuyết tật được ra đời, quy định ngày 18/4 hàng năm làm Ngày bảo vệ và chăm sóc người tàn tật.



Cô, trò Trung tâm dạy nghề người tàn tật biểu diễn văn nghệ tại lễ kỷ niệm.

Tỉnh Nghệ An hiện có trên 220 nghìn người khuyết tật và trẻ mồ côi. Mong ước của họ là không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, có đôi chân đi lại, đôi tay để sinh hoạt, đôi mắt để nhìn, có chiếc xe lăn, xe lắc, xe đạp đi học, mái nhà yên ấm để chở che. Không cam chịu số phận, vượt lên nỗi đau chính mình, có rất nhiều người khuyết tật vẫn đang tích cực rèn luyện để tự phục vụ, muốn được học nghề, được việc làm để tự nuôi sống mình, đỡ phần vất vả cho gia đình và giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Điển hình như hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc); Nguyễn Minh Phú (ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành), bị cụt 2 tay, khổ luyện tập viết bằng chân, tự học để trở thành sinh viên trường đại học công nghệ thông tin; Lê Đình Thành (ở xã Hưng Đông, Thành phố Vinh) bị bại liệt 2 chân vẫn không ngừng học và ước mơ và đã trở thành sinh viên đại học trong năm nay.

Năm 2011, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Tỉnh được tổ chức kiện toàn lại. Sau 1 năm hoạt động, Tỉnh Hội đã kêu gọi và trực tiếp vận động trên 1.000 cơ quan, đơn vụ, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh được tổng số tiền và hiện vật trị giá trên 3,2 tỷ đồng. Hội đã trở thành địa chỉ, cầu nối cho các cá nhân, tập thể đến thăm hỏi, tặng quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi trong tỉnh. Đã có trên 1.000 đối tượng được tặng quà, gồm: tiền, gạo, quần áo, xe đạp và xe lăn với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng. Trong năm Hội cũng đã chỉ đạo xây dựng dự án Hỗ trợ sinh kế ở 42 xã xây dựng Nông thôn mới, gồm: làm đường tiếp cận, sửa chữa nhà ở, làm chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ mua con giống, tặng học bổng, trao quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Với chủ đề “Chúng ta hãy xây đắp niềm tin, chia sẻ khó khăn, bất hạnh với người khuyết tật và trẻ mồ côi, giúp họ vươn lên, hòa nhập cộng đồng”, tại lễ kỷ niệm năm nay, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An đã kêu gọi mọi người có những hành động thiết thực để giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững, vượt lên số phận, được sống trong niềm tin, tình yêu thương, chăm sóc, đùm bọc che chở cho người thân và cộng đồng xã hội…

Tại lễ kỷ niệm, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Tỉnh đã tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi năm 2011; Trong buổi lễ, đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia tặng quà cho người khuyết tật trong tỉnh.


Thành Chung