Tháo gỡ vướng mắc trong bồi thường GPMB Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng

25/04/2012 17:15

(Baonghean) - Dự án Hồ chức nước Bản Mồng là công trình thủy lợi, thủy điện có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, dân sinh của Nghệ An. Tuy nhiên, sau gần 2 năm kể từ ngày khởi công, đến nay vẫn chưa hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Thực hiện quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc phê duyệt đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước Bản Mồng, quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), di dân, tái định cư (TĐC) công trình thủy lợi, thủy điện Bản Mồng, UBND huyện Quỳ Hợp đã thực hiện công tác BTGPMB giai đoạn 1 với tổng diện tích thu hồi 86,979 ha, có 218 hộ bị ảnh hưởng, tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ trên 45 tỷ đồng. Công tác BTGPMB cơ bản đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý vào cuối tháng 6/2011. Tuy nhiên, tại khu vực kênh dẫn dòng thuộc công trình đầu mối tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, có 8 hộ dân vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho huyện. Đây là vướng mắc chính khiến công tác BTGPMB giai đoạn 1 chậm so với tiến độ đề ra. Cả 8 hộ dân thuộc xóm Trọng Cánh, xã Yên Hợp, đã thống nhất với phương án bồi thường tài sản trên đất và đã nhận tiền đầy đủ. Song, các hộ này yêu cầu được bồi thường giá trị đất. Bởi họ cho rằng, họ đã có công khai hoang từ trước năm 1989 và đã sản xuất ổn định, không xảy ra tranh chấp từ đó đến nay. Vì thế, diện tích đất thuộc quyền sở hữu của 8 hộ dân trên chứ không phải Lâm trường Đồng Hợp (đơn vị có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất được UBND tỉnh cấp). Vì vậy, những hộ này không nhất trí với phương án chỉ bồi thường giá trị tài sản trên đất.



Công trình thủy lợi, thủy điện Bản Mồng đang thi công cầm chừng.

Ông Trần Văn Bình - một hộ dân chưa đăng ký bàn giao mặt bằng cho biết: Trên diện tích đất hơn 2 ha khai hoang, hơn 20 năm nay, gia đình ông trồng keo, ngô, sắn và chăn nuôi bò yên ổn, không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào. Hôm chúng tôi ra xem thực địa khu vực này thì thấy gia đình ông vẫn đang sản xuất trên khu đất, vườn keo phát triển xanh tốt. Ông Bình cho biết, toàn bộ 2 ha đất này là cơ nghiệp của cả gia đình, mọi khoản chi tiêu đều nhìn vào đó. Vì vậy, khi chưa tiến hành giải quyết bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng thì gia đình vẫn phải sản xuất để đảm bảo đời sống.

Ông Đinh Viết Tố - trưởng xóm Đồng Cánh cùng chung quan điểm với 8 hộ dân trong xóm, cho rằng, người dân vùng này chủ yếu gốc dưới xuôi, lên Quỳ Hợp lập nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước. "Những năm 1987, 1988, bà con xung quanh đây bắt đầu khai hoang đất để làm nông nghiệp nhưng do đất bạc màu, hiệu quả không cao nên nhiều người dần bỏ hoang đất, chỉ còn lại 8 hộ xóm Đồng Cánh là trụ lại đến bây giờ".

Sau nhiều lần đối thoại giữa huyện và 8 hộ dân (gồm Trần Văn Bình, Trần Thị Hương, Phạm Xuân Nhân, Trần Văn Thể, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Văn Nhiệm, Ngô Văn Trung, Nguyễn Thị Hồng), cả 2 bên vẫn chưa đi đến thống nhất. Bà con đều cho rằng: Số đất trên bà con đã khai hoang và tiến hành canh tác từ lâu, đồng thời họ cũng có giấy tờ xác nhận của UBND xã Yên Hợp chứng minh sản xuất trước năm 1993 và công nhận quyền sử dụng đất của các hộ được UBND xã ký vào thời điểm năm 1993. Vì vậy, bà con đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất, lúc đó mới bàn giao mặt bằng.

Làm việc với lãnh đạo Lâm trường Đồng Hợp, ông Trịnh Quang Kế - Phó giám đốc Lâm trường cho biết: Lâm trường Đồng Hợp (trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm trường Sông Hiếu) được giao quản lý trên tổng diện tích 5.325 ha tại các xã Yên Hợp, Đồng Hợp, Tam Hợp, Châu Lộc, Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp) với nhiệm vụ bảo vệ, khoanh nuôi rừng và quy hoạch thiết kế trồng rừng tự nhiên. Toàn bộ diện tích sau khi sáp nhập thuộc quyền quản lý hợp pháp của Lâm trường Đồng Hợp. Căn cứ vào hồ sơ đất, Lâm trường Đồng hợp đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất theo Quyết định 694, ngày 29/8/2003.

Liên quan đến diện tích đất mà 8 hộ dân chưa bàn giao, ông Kế cho biết: Diện tích đất trên thuộc Tiểu khu 262 của Lâm trường Đồng Hợp. Các hộ trên đã xâm canh trồng trọt trên đất của lâm trường trong thời gian dài. Vậy tại sao lâm trường không xử lý ngay khi phát hiện? Ông Kế lý giải: Diện tích lâm trường quản lý rất lớn và trong thực tế có những nơi chưa quy hoạch hết, nhất là các khu vực ven khe, suối. Tại những khu vực người dân xâm canh, lâm trường đã làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết. Nhưng do một số địa phương, người dân không có quỹ đất sản xuất nên đã có sự "thỏa hiệp" để cho nhân dân canh tác. Đối với những diện tích người dân xâm canh trồng rừng, lâm trường đã buộc đưa vào quy hoạch của lâm trường.

Trước những vướng mắc đó, Hội đồng BTGPMB huyện Quỳ Hợp đã tổ chức đối thoại với 8 hộ dân trên, nhằm vận động và giải thích các quy định của pháp luật về quyền sử dụng đất cũng như các chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ GPMB, đồng thời có những chính sách hỗ trợ tiền đất cho các hộ dân trên. Ông Trần Nhật Minh Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, Trưởng Hội đồng GPMB huyện cho biết: UBND huyện Quỳ Hợp đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ cho 8 hộ dân đang sản xuất trên đất của lâm trường. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của tỉnh, Hội đồng BTGPMB huyện đã phê duyệt bổ sung phương án hỗ trợ theo phương án "Hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ bằng 40% giá đất bồi thường tính theo diện tích thực tế thu hồi, nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp". Tuy nhiên, người dân vẫn không chấp nhận phương án trên với lý do, đất này là đất của các hộ dân khai hoang để sản xuất từ trước năm 1989, không phải là đất của Lâm trường Đồng Hợp nên phải được áp dụng chính sách hỗ trợ, bồi thường 100% giá trị đất.

Ông Lê Văn Minh - Phó Ban Quản lý Dự án Bản Mồng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An cho biết: Ngoài yếu tố vốn, thì vướng mắc tại khu đất sản xuất của 8 hộ tại xã Yên Hợp khiến đơn vị thi công không thể thi công được kênh dẫn dòng, dẫn đến chậm tiến độ thi công chung của công trình. "UBND tỉnh Nghệ An cần nhanh chóng vào cuộc, giao cho các sở, ngành liên quan xác định lại nguồn gốc đất đai của số diện tích trên là của 8 hộ dân trên hay là của Lâm trường Đồng Hợp. Khi xác định được chủ sở hữu, Ban Quản lý mới có cơ sở để tiến hành GPMB dứt điểm, đảm bảo tiến độ dự án quan trọng này", Ông Lê Văn Minh đề xuất.


Thành Duy - Phạm Bằng