Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Phải quyết liệt và đồng bộ

25/04/2012 14:58

(Baonghean) - Đào tạo nghề cho nông dân là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, được cụ thể hóa qua Đề án 1956 "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Qua gần 2 năm triển khai tại tỉnh ta, đề án đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền đang làm việc tại trang trại nuôi lợn thịt và ao cá ở xóm Tài Sơn, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương. Cả trang trại lớn nhưng chỉ có 2 vợ chồng chị đảm đương từ chăn nuôi, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn. Mỗi năm trang trại của gia đình chị xuất chuồng từ 4-5 tấn lợn thịt. Làm được những việc đó là nhờ chị đã theo học lớp kỹ thuật chăn nuôi và thú y do huyện tổ chức theo Đề án 1956 "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn". Với chị, việc được học các kiến thức đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi bấy lâu nay, giúp chị tự tin hơn trong công việc. Trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Huyền chỉ là một trong rất nhiều ví dụ mà Đề án 1956 mang lại cho người nông dân.



Đào tạo nghề may công nghiệp cho thanh niên huyện Quỳ Châu.
Ảnh: Trần Ngọc Lan

Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ là đề án được ưu tiên về vốn đầu tư, với tổng kinh phí gần 26 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Nghệ An được phê duyệt theo lộ trình đến năm 2020 là hơn 800 tỷ đồng. Triển khai từ tháng 10/2010 đến nay tuy chưa lâu nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến huyện, xã, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể nên đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Năm 2010, toàn tỉnh có 66.000 lượt người được đào tạo nghề, trong đó có 5.600 lượt lao động nông thôn được đào tạo theo Đề án 1956. Năm 2011, có 70.000 lượt người tham gia các lớp học nghề. Trong đó, kết quả đào tạo nghề theo Đề án 1956 là 7.980 người với 266 lớp (nông nghiệp: 166 lớp với 4.980 người; phi nông nghiệp: 100 lớp với 3.000 người). Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề là 75%. Với cách làm sáng tạo, tổ chức dạy nghề cho nông dân thông qua một số mô hình hiệu quả như nuôi lợn siêu nạc tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương; Chăn nuôi vịt bầu Quỳ Châu tại huyện Quế Phong; Trồng rau cao sản ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu,... Chăn nuôi trâu, bò hàng hóa tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương đã giúp các học viên vừa nắm vững được lý thuyết, vừa học tập được kinh nghiệm của các mô hình hiệu quả.

Để triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã huy động 48 cơ sở đào tạo nghề bao gồm các trường dạy nghề công lập, các trung tâm dạy nghề của huyện và các cơ sở ngoài công lập. Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được xây dựng với mục tiêu dạy nghề cho lao động để phát triển, khôi phục lại nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Sau gần 10 năm thành lập trường đã được đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực để khôi phục và phát triển các nghề truyền thống của địa phương.

Không chỉ có các cơ sở dạy nghề, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: Công ty TNHH Đức Phong, Doanh nghiệp tư nhân Đức Quyền, HTX thủ công nghiệp thắng lợi, HTX Thanh Thủy, HTX Dệt may thổ cẩm Hải Vân.

Trung tâm Dạy nghề Đồng Tâm của Công ty TNHH Đức Phong là một trong số các trung tâm dạy nghề ngoài công lập được tham gia triển khai Đề án 1956. Với nguồn kinh phí của đề án, sau 2 năm triển khai, trung tâm đã đào tạo được 3 lớp cho 75 lao động thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp với tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là 85%, thu nhập ổn định từ 1,2-1,4 triệu đồng/tháng; 17 lớp học với 424 học viên thuộc các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo và diện bị thu hồi đất nông nghiệp. 83,2% số học viên này sau đào tạo, kiểm tra tay nghề được công ty tiếp nhận vào làm việc.

Qua 2 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" theo Quyết định 1956, Nghệ An đã thực hiện cơ bản các yêu cầu, nhiệm vụ theo Quyết định của Chính phủ đề ra. Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động nông thôn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã đủ tiêu chuẩn phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập cho nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn như: Tỷ lệ chưa qua đào tạo trong lao động nông thôn còn cao, tập trung vào người nghèo, vùng núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển. Không phải tất cả các lớp mở ra đều thật sự hiệu quả, nhiều người học xong không có điều kiện áp dụng vào thực tế. Việc mở các lớp và vận động người dân theo học cũng gặp không ít khó khăn. Có những cơ sở đào tạo chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình.

Để tiếp tục triển khai tốt Đề án 1956 trong thời gian tới, theo ông Bùi Nguyên Lân -Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thì cần phải có các giải pháp tích cực, quyết liệt và đồng bộ từ tỉnh đến tận các cơ sở và sự tham gia vào cuộc của các cấp, ngành liên quan và cả hệ thống chính trị. Phấn đấu thực hiện mục tiêu đào tạo nghề bình quân hàng năm giai đoạn 2012-2015 là 75.000 lượt người; trong đó, đào tạo lao động trình độ cao đẳng, trung cấp nghề 15.000 người, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2015 đạt 52%. Dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2012-2015 cho 164.000 người. Trong đó, dạy nghề nông nghiệp: 96.760 người; dạy nghề phi nông nghiệp: 67.240 người; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo: 80%. Điều quan trọng là phải chuyển đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sΩn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động.


Hương Giang