PGS. Ninh Viết Giao vào tuổi 80

10/05/2012 17:04

(Baonghean) - Được lời mời của PGS. Ninh Viết Giao, tôi đã nhiều lần khăn gói vào Vinh để dự những cuộc họp do ông chủ trì, hoặc ông có tham gia như Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Công Trứ, Ngô Đức Kế, Phan Thúc Trực, Thần tích Đền Cờn, và mới gần đây là Thần Rắn: Thành hoàng đền Hạc Linh Sơn...

(Baonghean) - Được lời mời của PGS. Ninh Viết Giao, tôi đã nhiều lần khăn gói vào Vinh để dự những cuộc họp do ông chủ trì, hoặc ông có tham gia như Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Công Trứ, Ngô Đức Kế, Phan Thúc Trực, Thần tích Đền Cờn, và mới gần đây là Thần Rắn: Thành hoàng đền Hạc Linh Sơn...

Tôi nhớ, tôi có nói trong một cuộc họp rằng lúc nào Nghệ Tĩnh có hội thảo, và là hội thảo do Ninh Viết Giao tổ chức hoặc chủ trì thì cho tôi xin một giấy mời để tôi có cơ hội tham dự, và... về quê. Bởi tôi tin đó là những hội thảo có chất lượng - nhờ vào cái Đề dẫn do ông viết rất công phu, và những báo cáo được ông chọn đặt, số lớn đều là các chuyên gia đầu ngành vốn là đồng nghiệp và bạn bè tin cậy của ông ở nhiều nơi, trước hết là Thủ đô.



PGS Ninh Viết Giao và những cuốn sách của 55 năm lao động miệt mài

Cùng với hội thảo là những tên sách, không ngừng xuất hiện, tên sách này gọi tên sách kia. Bởi khi đã có một định hướng lớn tạo thành hệ thống thì tất cả đều vận hành theo quy trình của nó, từ nhỏ đến lớn, từ hẹp đến rộng, khó nói đến điểm dừng, miễn là trời cho người ta có một sức khoẻ, và trước hết là một sự minh mẫn ở đầu óc.

Từ 1995 ông bị bệnh. Thời gian vào ra bệnh viện và những rắc rối cho việc điều trị nó, ông đã phải chấp nhận từ hơn 15 năm nay. Trong căn hộ ngập đầy sách vở, nhìn ông di chuyển từ phòng làm việc ra phòng ngoài ngăn cách bởi một khung tường dày - để tiếp khách, trò chuyện, ăn uống, thư giãn...; hình ảnh đó, ba mươi năm trước đã thế và bây giờ vẫn thế; cái khác chỉ là không gian dường như thu hẹp lại và trở nên chật chội hơn; đồ đạc thì đơn sơ và cũ kỹ, ngược lại với đời sống tiện nghi đang len vào khắp mọi chốn, mọi nhà.

Sức khoẻ sút đi đó là quy luật tự nhiên khó cưỡng. Nhưng sự minh mẫn về tinh thần thì có thể bảo trì, rèn luyện cho đến tuổi 70, 75 và 80, như ông. Một vận hành không ngừng nghỉ của trí tuệ.

Và sản phẩm, đó là những tên sách. Hãy điểm lại những tên sách quan trọng nhất trong hành trình hơn 55 năm lao động viết, tính cho đến hôm nay mà ông là tác giả, đồng tác giả hoặc chủ biên.

Bắt đầu từ Câu đố Việt Nam (1958), chuyển sang Hát phường vải (1961) - đó là sự khởi động một công trình lớn để ông theo đuổi suốt đời là Văn học dân gian và văn hoá xứ Nghệ: Hát giặm Nghệ Tĩnh, viết chung với Nguyễn Đổng Chi (1962- 1963); Về văn học dân gian Nghệ Tĩnh (1982); Gánh bưởi qua sông (truyện cười dân gian Nghệ Tĩnh - 1992); Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ - 4 tập (1993 - 1995); Kho tàng ca dao xứ Nghệ - 2 tập ( 1996); Kho tàng vè xứ Nghệ - 9 tập (1999-2000);...

Từ văn hoá dân gian chuyển sang văn học viết: Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh (1971),Nghệ Tĩnh - gương mặt nhà văn hiện đại (1990), Thơ văn Võ Liêm Sơn (1993), Thơ văn nhà Nho xứ Nghệ (1995), Văn bia Nghệ An (2004), Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 19 và tập 31 (2000), Tổng tập thơ văn yêu nước và cách mạng xứ Nghệ (2 tập sắp in)...

Từ văn học dân gian và văn học viết, ông mở rộng đường biên sang lĩnh vực văn hoá. Từ văn hoá chuyển sang các lĩnh vực, các loại hình về khoa học xã hội như xã hội học, phong tục học, dân tộc học, lịch sử, địa phương học. . . Với các công trình : Hương ước Nghệ An (1998); Nghề, làng nghề truyền thống ở Nghệ An (1998); Tục thờ thần và thần tích Nghệ An (2000); Văn hoá ẩm thực dân gian xứ Nghệ (2001); Về văn hoá xứ Nghệ -tập 1 (2003), tập 2 (2007) và sắp ra đời tập 3 (2012); Nghệ Tĩnh trong Tổ quốc Việt Nam (1975); Nghệ An : lịch sử và văn hoá (2005); Nghệ An: đất phát nhân tài (2006), rồi một công trình rất sáng giá : Từ điển nhân vật xứ Nghệ (2008) và một số công trình biên soạn đã xong: Văn hoá các dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An, Văn hoá phồn thực dân gian xứ Nghệ;...

Trên hành trình vừa chuyên sâu vừa mở rộng ấy, ông đã và đang tiếp tục các bộ địa chí cho các huyện như Tân Kỳ (1992), Diễn Châu (1995 ), Quỳnh Lưu (1998), Nam Đàn (1998), Tương Dương (2003), Quỳ Hợp (2003), Hưng Nguyên (2009), và Nghi Lộc (đang chờ in) và hiện tại Nghệ An toàn chí -22 tập, (mỗi tập từ 500 - 1.000 trang) một công trình vĩ mô, một dự án về văn hoá phi vật thể do Tỉnh uỷ và UBND Tỉnh Nghệ An chủ trương mà ông là chủ dự án đồng thời là Tổng chủ biên, trong đó có Từ điển địa danh Nghệ An.

Các công trình của ông dù xuất bản ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An đều được biên soạn nghiêm túc, trung thực. Nó đã và đang là nguồn tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dân gian, về khoa học xã hội trong toàn quốc. Nhiều luận văn tốt nghiệp đại học; nhiều luận án thạc sĩ, tiến sĩ của các nghiên cứu sinh đã dựa vào, đã lấy tư liệu từ các công trình của ông.

Đánh giá về ông, có người gọi ông là Nhà địa phương học Nghệ An, có người gọi ông là Nhà Nghệ học, Nghệ Tĩnh học, Người đi tìm vàng mười trong cái nghèo của xứ Nghệ, Người cứu một gia tài văn hóa phi vật thể của xứ Nghệ, Người thổi hồn vào gia tài Văn hóa dân gian xứ Nghệ. Được nhiều giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian và UBND tỉnh Nghệ An, nhưng cao nhất của Ninh Viết Giao là giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Người Nghệ - Tĩnh trên đất quê, hoặc xa quê như chúng tôi, nếu có ý thức về cội nguồn, về lịch sử, đều rất biết ơn ông là do thế.

Nói Ninh Viết Giao còn là nói đến một người thầy của nhiều thế hệ học trò, dẫu số năm đứng trên bục giảng của ông không nhiều. Chắc chỉ trên dưới 10 năm. Còn sau đó là công chức của một Ty, một Sở. Nhưng là một công chức có tư cách người thầy và có uy tín trong nghề nghiệp. Cuốn sách gần đây nhất tôi nhận được ở ông là cuốn Trường phổ thông cấp III Huỳnh Thúc Kháng (1955-1975) gồm phần đầu là khái quát lịch sử của trường trong hai thời kỳ 1955 - 1965 và 1965 - 1975; và phần sau là một số chân dung của thầy và trò, theo tôi có rất nhiều giá trị lịch sử. Qua bộ nhớ, và qua cách trình bày của tác giả, đọc vào thấy như một tấm gương thu nhỏ mà nhận ra cảnh quan giáo dục của miền Bắc những năm đất nước chia đôi trong hai cuộc chiến tranh. Bởi Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), cũng như Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), Lam Sơn (Thanh Hoá), Lê Hồng Phong (Nam Định), Trần Phú (Hải Phòng), Hùng Vương (Phú Thọ) đều là những địa chỉ sáng giá trong bức tranh giáo dục một thời.

Ở khu vực "hồi ký" này, ông còn dư vốn để viết về nhiều câu chuyện đáng nhớ, sau câu chuyện về "tôi", về "tôi và xứ Nghệ", về tôi với tư cách làm thầy, chưa nói về tôi với nhiều tư cách khác. Ông là người có hai quê hương để nhớ; có những bậc thầy để quý trọng; có đồng nghiệp và bè bạn để thuỷ chung... Tất cả các phương diện của sự sống và nghề nghiệp nếu được viết ra tôi tin sẽ có nhiều thú vị và cảm động.

Đối với tôi vẫn như ba, bốn chục năm về trước, ông là một tấm gương cho tôi soi vào mà vượt khổ, vượt khó. Vượt khổ theo tôi nghĩ thì không khó bằng vượt khó Qua tấm gương vượt khổ và vượt khó của ông tôi hiểu thế nào là phép biện chứng và những nghịch lý của đời. Không có cái được nào mà không kèm với cái khó và chỉ cái được vượt lên sự khó mới là cái được đáng giá và trân trọng.

Ông sinh năm Tân Mùi (1931), những giấy khai sinh lại ghi là 15/5/1933. Để dung hòa - tôi chọn năm 2012 cho năm sinh lần thứ 80 của ông. Và đó là lý do để tôi viết bản này, sau bài viết lần trước khi ông ở tuổi 75, có tên Phó Giáo sư Ninh Viết Giao và tôi.

Điều cuối cùng tôi muốn nói, các chế độ xã hội đã và sẽ qua đi; các quan niệm, tư tưởng về học thuật, về văn hóa của cá nhân có thể thay đổi, nhưng nhân dân là vô cùng vĩ đại và bất tử. Những cái gì mà nhân dân đã sáng tạo ra, đã được lưu truyền và phát huy trong quá trình lịch sử và được thử thách trong trường kỳ thời gian mà vẫn tồn tại cũng bất tử. Tư liệu để làm nên các công trình văn hóa, văn nghệ dân gian của Ninh Viết Giao đều là của nhân dân, tôi tin rằng nó còn mãi!


Phong Lê