Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

24/05/2012 11:11

Nhiều ý kiến ủng hộ phương án bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động tối đa không quá 50% số giờ làm...


Nhiều ý kiến ủng hộ phương án bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày, 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ tối đa không quá 300 giờ trong một năm. “Quy định trên hạn chế người lao động bị khai thác tối đa sức lao động, mà kinh nghiệm các nước cho thấy điều này dễ dẫn đến tai nạn lao động vì sức giảm sút” – đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị.

Về chính sách đối với lao động nữ, Bộ luật hiện hành quy định thời gian nghỉ 4 tháng. Khi thảo luận, có ý kiến đề nghị nâng lên 5 tháng, ý kiến khác đề nghị 6 tháng. Tại phiên thảo luận, tuyệt đại đa số các ý kiến tán thành với quy định người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cũng là chủ đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55. Đối với một số đối tượng là người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác thực hiện theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm nam nữ bình đẳng và đều 60 tuổi nghỉ hưu cũng được không ít đại biểu lên tiếng. Nhất mực ủng hộ quan điểm này là đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội). Bà nói, nhiều lĩnh vực, những lao động nữ có trình độ tay nghề cao và vẫn đảm bảo sức khỏe nhưng đã đến tuổi về hưu, trong khi vẫn còn khả năng tiếp tục cống hiến.

Do đó, quy định về tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ luật cơ bản giữ như hiện hành nhưng đã cho phép có thể điều chỉnh đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo do bị suy giảm sức lao động được nghỉ hưu trước thời gian quy định; nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý có thể kéo dài thời gian làm việc nếu có nhu cầu, tự nguyện. Chính phủ có thể xem xét quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của các nhóm lao động này, tạo điều kiện thực tiễn để xem xét tổng thể tuổi nghỉ hưu trong tương lai.

Đối với việc nghỉ Tết Âm lịch, theo đề nghị của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Bộ luật đã được điều chỉnh để tăng quy định về thời gian nghỉ Tết Âm lịch từ 4 ngày lên 5 ngày. Như vậy, cùng với 4 ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, người lao động sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán tổng cộng 9 ngày.

Lương thấp, lao động phải gắng làm thêm ca
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, ông không những không nhất trí tăng thời giờ lao động mà tổ chức công đoàn còn muốn giảm giờ làm thêm. Cán bộ công chức bây giờ làm việc một tuần có 40 giờ, người lao động làm việc tới 48 giờ. Đã đến lúc phải bình đẳng trong vấn đề thời giờ làm việc. Việc có ý kiến cho rằng đề xuất tăng giờ làm thêm cũng xuất phát từ nguyện vọng của một bộ phận người lao động là ngụy biện, chỉ là đề xuất của người sử dụng lao động. Họ không muốn tuyển thêm lao động và không muốn đóng bảo hiểm xã hội nhiều cho người lao động mới làm vậy. Không có chuyện người lao động muốn làm thêm giờ, thêm ca. Chỉ vì do lương quá thấp, lương không đủ sống nên người ta phải làm thêm giờ.

Quốc hội nghe tờ trình về việc miễn nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến

Cuối buổi chiều, Quốc hội họp riêng nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày tờ trình đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. Sau cuộc họp này, chiều 24/5, các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về việc bãi nhiệm và sẽ bỏ phiếu bãi nhiệm bà Đặng Thị Hoàng Yến vào ngày 26/5.


Theo CAND-H